Cục trưởng ATTP: "Ăn mì tôm là bị sỏi thận thì cả nước đã bị sỏi thận"

author 14:18 15/01/2014

Sau khi người dân bày tỏ lo lắng khi có thông tin 100% số mẫu mì tôm, măng tươi đều có axít oxalic (muối oxalat), một tác nhân gây ra sỏi thận, TS Trần Quang Trung, Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã bày tỏ quan điểm: người Việt đừng chứng tỏ mình sạch.


Một số sản phẩm của Vissan có chất axit gây sỏi thận

Trao đổi với Đất Việt ngày 14/1 về sự việc có nghiên cứu cho rằng trong mì tôm có chất gây sỏi thận,  ông Trần Quang Trung cho biết, đã có một số doanh nghiệp được liệt vào danh sách có mẫu mì chứa chất axit oxalic, như Vifon, Vissan, Masan, Công ty Việt Hưng có mì Ba miền, đã gửi công văn cam kết trong quá trình sản xuất không dùng axit này.
 
Nhưng trên thực tế, riêng có tập đoàn Vissan đã gửi một số mẫu sản phẩm của họ đi kiểm tra tại Viện vệ sinh nơi công cộng thì kết quả thử nghiệm lại có axít oxalic (muối oxalat), một tác nhân gây ra sỏi thận.
 
Mặc dù vậy, ông Trung lạc quan: "Axit này không hề nguy hại, nên hiện nay chúng ta cũng xuất khẩu khá nhiều mặt hàng nhưng chưa năm nào bị trả lại hàng vì axit này".
 
Bên cạnh đó, ông Trung khẳng định: "Người ta sẽ không bao giờ cho axit này vào trong quy trình sản xuất mì gói, nếu cho vào mục đích tẩy trắng thì để làm gì khi họ còn muốn sợi mì vàng óng ánh. Dĩ nhiên trong bột mì nguyên bản sẽ có axit này".


Cũng theo quan điểm của ông Trung, chất này với hàm lượng ít thì không nguy hại cho sức khỏe: "Cuộc đời không ai ăn một thứ mà sẽ ăn nhiều thứ. Nếu nói ăn mì tôm là bị sỏi thận, như vậy có khác nào nói cả nước này sẽ bị sỏi thận, hay toàn nhân loại sẽ bị sỏi thận".
"Điều quan trọng hơn cả là không phải ai ăn vào cũng bị sỏi thận. Uống nhiều Vitamin C cũng bị sỏi thận, nhưng có ai suốt ngày uống một loại thuốc bổ suốt không?", ông Trung quả quyết.

Tính cho đến nay, nước ta chưa hề có quy định cụ thể về hàm lượng axít oxalic trong thực phẩm, như thế nào thì cấm sản xuất, lưu hành, vì thực chất nó không nguy hại.
 
Đừng lo ngại

Theo lời ông Trung giải thích thì: "Thứ nhất, kết quả vừa rồi của một nhóm nhà nghiên cứu, có thể được kiểm tra trong quá trình sản xuất, rồi thống kê lại, nên tỉ lệ chính xác còn kém.
 
Thứ hai, axít oxalic và các muối oxalat có mặt khá phổ biến trong nhiều loài thực vật, đáng chú ý là trong một số loại rau, củ, quả thực phẩm. Tùy theo điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng lượng axít oxalic có mức độ khác nhau trong các loại thực phẩm như khế, hồ tiêu, sắn, rau chân vịt, măng tươi... ngay trong thực phẩm của Mỹ, Thái cũng có.
 
"Người Việt Nam mình cứ làm như mình sạch hơn nước ngoài, có ai đâu biết nước ngoài họ còn kiểm tra nghiêm ngặt hơn, khó khăn hơn về chất lượng thực phẩm. Các nước G7, G8 kiểm tra nghiêm ngặt lắm, vì chúng ta là sản phẩm của nước đang phát triển, cá ba sa còn kiểm tra đi kiểm tra lại, thủy sản của mình bỏ tạp chất còn trả lại, những sản phẩm mì ăn liền mình còn xuất khẩu một số quốc gia chứ không phải chỉ dùng trong nước đâu", ông Trung ví von.
 
Theo công bố của Bộ Nông nghiệp Mỹ về hàm lượng axít oxalic trong bắp cải là 1.000 mg/kg, súp lơ trắng 1.500 mg/kg... Công bố của Thái Lan cho thấy hàm lượng axít oxalic trong cà chua 110 mg/kg, măng tươi 2.220 mg/kg...
 
"Tuy nhiên, lượng axít oxalic có thể bị giảm đáng kể trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm bằng các biện pháp như ngâm rửa đối với rau, củ, quả; luộc gạn bỏ nước luộc đối với măng, khoai tây...".
Ông Trung phân tích: "Sự kết hợp của axít oxalic với canxi, sắt, magiê, kali trong cơ thể tạo thành các tinh thể của các muối oxalat tương ứng. Kết tủa của oxalat canxi trong thận tạo thành sỏi thận, làm nghẽn đường tiết niệu.

Những người khỏe mạnh có thể tiêu thụ một cách an toàn các thức ăn như thế ở mức độ vừa phải, cân đối trong khẩu phần các bữa ăn nhưng đối với những người có các rối loạn chuyển hóa liên quan tới thận, bệnh gút, thấp khớp, cần thận trọng khi dùng những loại thức ăn đó".

Hiện tại, Ủy ban Chuyên gia về phụ gia thực phẩm (JECFA) của FAO/WHO chưa có nghiên cứu nào khẳng định được ảnh hưởng của axít oxalic, cũng như muối oxalat trong thực phẩm đối với sức khỏe con người và vẫn cho phép đưa axít oxalic vào danh mục các chất sử dụng để hỗ trợ trong chế biến thực phẩm.

Trên cơ sở danh mục của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex), nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đã quy định cho phép sử dụng a-xít oxalic như một chất hỗ trợ chế biến.

Chế phẩm axít oxalic sử dụng để hỗ trợ chế biến thực phẩm phải được công bố tiêu chuẩn, bảo đảm độ tinh khiết, có nguồn gốc rõ ràng, còn hạn sử dụng, dùng đúng liều lượng theo đúng loại sản phẩm và bảo đảm ATTP.

 

Theo Báo Đất Việt

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang