‘Cùm chân không vi phạm lắm đến quyền con người’

author 06:10 18/08/2015

(VietQ.vn) - Thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng, đã tham khảo ở rất nhiều quốc gia, quy định cùm chân không vi phạm lắm đến quyền con người…

Ngày 17/8, các đại biểu thảo luận dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra, Luật tạm giữ, tạm giam và dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi).

Cho ý kiến vào Dự án Luật Tạm giữ, tạm giam, nhiều ý kiến cho rằng cần tổ chức lại hệ thống nhà tạm giữ, trại tạm giam theo mô hình dọc do Bộ Công an quản lý để bảo đảm tính độc lập, tránh việc Cơ quan điều tra lạm dụng bức cung, dùng nhục hình.

Cần tách hoạt động tạm giữ, tạm giam độc lập với hoạt động điều tra

Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bốn trại tạm giam thuộc Bộ Công an hiện nay vẫn đang do Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Tổng cục Cảnh sát và Cơ quan An ninh điều tra thuộc Tổng cục An ninh quản lý là chưa phù hợp. Vì vậy, đề nghị tách hoạt động tạm giữ, tạm giam độc lập với hoạt động điều tra và đề nghị cần giao cho Cơ quan quản lý thi hành án hình sự của Bộ Công an quản lý để bảo đảm hoạt động độc lập với Cơ quan điều tra.

Ông Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp 

Ông Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, xu hướng của nhân loại tiến bộ là Cơ quan điều tra phải độc lập với tạm giam, tạm giữ.

Ông Hiện nói: "Ở một số nước, nhà tạm giữ, tạm giam giao cho Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, còn ở ta thì lại giao cho Bộ Công an. Các nước ấy quản lý tạm giữ, tạm giam giống như người giữ kho. Khi tôi xuất cho anh một người thì anh phải trả lại tôi người đó nguyên vẹn. Họ làm chặt chẽ đến mức như thế, chứ không phải như ở ta, Cơ quan điều tra lại kiêm luôn cả tạm giữ, tạm giam. Nếu khai tốt thì tôi thưởng cho anh cái này, anh khai không tốt thì tôi phạt anh cái kia”,

Theo ông Hiện, ở các địa phương của ta đã làm rồi, có lực lượng thi hành án hình sự từ quận đến tỉnh và tách riêng tạm giam, tạm giữ giao cho lực lượng này rồi.

“Thế thì chẳng có lý do gì ở quận, ở tỉnh đã thực hiện được rồi mà 4 trại giam của Bộ Công an thì lại giao cho Tổng Cục Cảnh sát và Tổng Cục An ninh”, ông Hiện băn khoăn.

Tại buổi thảo luận, nhiều ý kiến tập trung góp ý là thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam. Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân đã quy định rõ, Viện Kiểm sát nhân dân có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tạm giữ, tạm giam. Do vậy, không nên giao thẩm quyền này cho cơ quan Công an nhằm bảo đảm tính thống nhất trong các quy định của pháp luật, đồng thời bảo đảm tính khách quan trong quá trình giải quyết khiếu nại liên quan đến hoạt động giam, giữ.

Cùm chân hay không cùm chân?

Hình thức kỷ luật cùm chân không áp dụng đối với người bị kỷ luật là người chưa thành niên, phụ nữ, người từ đủ 75 tuổi trở lên. Trong thời gian bị cách ly ở buồng kỷ luật, người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế việc gặp thân nhân, gửi, nhận thư, nhận quà.

Tại buổi thảo luận, ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định cùm chân vì theo Bộ luật Hình sự, đây là hình thức hạn chế quyền tự do đối với phạm nhân. Nhưng trong trường hợp tạm giữ, tạm giam thì phải cân nhắc vì người bị tạm giữ, tạm giam chưa phải là người phạm tội. Do đó, quyền của họ phải được đảm bảo.

Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an

Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an. Ảnh Tuổi trẻ

Giải trình về nội dung này, Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng: “Chúng tôi đã tham khảo ở rất nhiều quốc gia, quy định này không vi phạm lắm đến quyền con người. Thậm chí ở Singapore còn có hình phạt đánh bằng roi. Chúng tôi có hỏi là quốc tế có lên án không, Cảnh sát Singapore cho biết là không đề cập”, ông Vương lí giải.

Vị Thượng tướng Công an nói thêm: “Điều luật trong dự thảo ghi những đối tượng hết sức nguy hiểm cần cùm một chân để tránh đối tượng tự sát, gây án ngay trong trại hoặc thậm chí chống trả anh em, nhất là đối tượng trọng án, giết người. Ví dụ đối tượng Nguyễn Hải Dương trong vụ thảm sát ở Bình Phước nếu không bắt khẩn trương thì nghi phạm đã tìm đến con đường tự sát vì Dương mua bịch thuốc ngủ với mục đích này. Do đó cần có chế tài với một số đối tượng hết sức nguy hiểm”.

Về trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam chết, dự thảo luật quy định thủ trưởng cơ sở tạm giữ, tạm giam phải báo ngay cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát để làm rõ nguyên nhân. Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị điều này phải quy định rõ hơn, vì mỗi trường hợp xảy ra khiến người dân rất bức xúc.

“Thân nhân của người bị tạm giữ, tạm giam có quyền chứng kiến khám nghiệm tử thi hoặc có quyền yêu cầu giám định pháp y, như vậy mới đảm bảo tính khách quan”, ông Phan Trung Lý nêu ý kiến.

Hoàng Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang