Cúm H7N9 đến Việt Nam, điều gì sẽ xảy ra?

author 15:22 13/04/2013

(VietQ.vn) - Nếu cúm H7N9 đến Việt Nam, chúng ta sẽ hành động thế nào?

Trước tình hình cúm A(H7N9) nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập và Việt Nam và khả năng có thể bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, sáng nay, Hội nghị Triển khai công tác phòng chống dịch cúm A(H7N9) do Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì lắng nghe ý kiến từ đại diện các Bộ, ban, ngành khác
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát lắng nghe ý kiến từ đại diện các Bộ, ban, ngành khác

Nguy cơ lan truyền dịch cúm vào Việt Nam

Tại Trung Quốc, số trường hợp mắc cúm A(H7N9) đã tăng lên mức 48 trường hợp. Dịch bệnh vẫn chủ yếu xảy ra ở 4 tỉnh: Thượng Hải, Giang Tô, An Huy và Chiết Giang. Tính đến ngày 12/4/2013, tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người cũng như trên gia cầm. Tuy nhiên, một số ổ dịch trên gia cầm mắc cúm A(H5N1) được phát hiện tại Đồng Tháp và chim yến tại Ninh Thuận đang dấy lên nhiều mối lo ngại khiến các cấp bộ ngành có liên quan phải ráo riết vào cuộc.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, dịch cúm A(H7N9) có nguy cơ xâm nhập, lan truyền và bùng phát dịch rất cao ở nướ ta do: Chủng virut mới cúm A(H7N9) chưa từng gây bệnh cho người, có nguồn gốc gen từ virut gia cầm; tình hình dịch tại Trung Quốc liên tục gia tăng, diễn biến phức tạp, rải rác tại nhiều tỉnh gây khó khăn trong việc kiểm soát sự lan truyền và khống chế dịch; đặc tính của virut cúm A dễ biến đổi, thích nghi cao của chủng virut cúm A(H7N9), nguy cơ lây nhiễm từ người sang người là có thể xảy ra; vấn đề vận chuyển, nhập lậu gia cầm qua biên giới hết sức phức tạp, khó có khả năng ngăn chặn. Việc giao lưu đi lại của người dân giữa hai quốc gia là rất lớn, trong khi đó cộng đồng chưa có miễn dịch.

TS Scott Newman - đại diện FAO, Tổ chức Nông lương thế giới khẳng định: virut cúm A(H7N9) có thể gây chết người nhưng lại chỉ gây bệnh nhẹ trên gia cầm. Điều này gây khó khăn cho việc phát hiện, kiểm dịch. 

Ông Takeshi Kasai, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam thì cho biết, đây là lần đầu tiên phát hiện virut cúm A(H7N9) trên người nên Tổ chức Y tế thế giới rất quan ngại vì chưa biết hết mức độ nguy hiểm của loại virut này. Hiện WHO đang rất tích cực làm việc chặt chẽ với các đối tác chính phủ để cung cấp thông tin kịp thời đáp ứng lo lắng của công chúng thông qua trang mạng điện tử và thông cáo báo chí.

Nhiều phương án dự phòng

Trước tình hình mới của dịch cúm, các Bộ, ban ngành đã cùng nhau phối hợp thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp để phóng tránh, ngăn chặn.

Bộ Y tế đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo Sở y tế tỉnh, thành phố, Trung tâm Y tế dự phòng… quyết liệt thực hiện các biện pháp giám sát, phòng tránh dịch; ban hành nhiều hướng dẫn cụ thể; làm việc với các tổ chức WHO, FAO; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành; đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình dịch bệnh.

Sắp tới, Bộ Y tế sẽ triển khai các hoạt động trọng tâm dựa trên 4 tình huống giả định: chưa có trường hợp bệnh trên người; có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên người nhưng chưa lây từ người sang người; Phát hiện có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ; dịch bùng phát ra cộng đồng. Với mỗi trường hợp, Bộ Y tế đều đã đề ra các biện pháp cụ thể để ngăn chặn với từng mức độ phù hợp.

Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến của các đại biểu, khách mời
Hội nghị thu hút đông đảo đại biểu, khách mời quan tâm

TS Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì cho biết, Bộ đã mua dự phòng 40.000.000 liều vắc xin cúm gia cầm để tiêm phòng bao vây khẩn cấp khi có dịch xảy ra. Lãnh đạo và chuyên viên cơ quan Thú y các vùng thuộc Cục thú y thường xuyên bám sát địa bàn dịch để chỉ đạo, hướng dẫn công tác giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch cúm gia cầm…

Việc hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch cũng sẽ được đẩy mạnh. Theo đó, kế hoạch giám sát virut cúm A(H7N9) bao gồm 2 hoạt động chính: Rà soát để đánh giá xem virut cúm A(H7N9) đã xuất hiện ở Việt Nam hay chưa? Việc này sẽ được thực hiện thông qua xét nghiệm lại các mẫu (mẫu dương tính với cúm A) đã lấy theo các chương trình giám sát cúm gia cầm trước đây; tăng cường giám sát phát hiện sớm ngay khi virut cúm A(H7N9) xâm nhập vào Việt Nam.

Các Bộ ngành liên quan như Bộ Công an, Công thương, Thông tin và Truyền thông cũng sẽ luôn có những bện pháp kịp thời để phối hợp, chỉ đạo trong công tác phòng chống dịch như đẩy mạnh kiểm tra giám sát gia cầm qua biên giới, đẩy mạnh truyền thông....

WHO khuyến cáo cần tăng cường giám sát để phát hiện sớm các ca bệnh nếu có; thiết lập chẩn đoán phòng thí nghiệm; thống nhất áp dụng các biện pháp phòng chống và kiểm soát nhiễm khuẩn thích hợp trong cơ sở y tế và giám sát chặt chẽ tình trạng sức khỏe của nhân viên y tế; tăng cường sự hợp tác hai ngành thú y và y tế; thực hiện truyền thông nguy cơ; chuẩn bị sẵn sàng tại các cơ sỏ điều trị.

FAO khuyến cáo tăng cường an ninh sinh học chuồng trại, chợ; tách riêng chim với gia cầm; giám sát chủ động và báo cáo đầy đủ số lượng chim, gia cầm chế với các cán bộ y tế địa phương để lấy mẫu xét nghiệm là công tác quan trọng; không ăn các gia cầm chết và bị bệnh.

 

Thanh Thu 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang