Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái chưa hết "nóng"

author 08:05 29/11/2012

(VietQ.vn) - Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 127 Trung ương, cả nước có 5 lực lượng đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), nhưng việc phát hiện, xử lý vẫn chưa ngăn chặn hết được các thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái.

Giả cả tem chống giả công nghệ cao

Hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, trở thành vấn nạn cho nền kinh tế đất nước.

Câu chuyện nay được chủ nhãn hiệu Rinnai kể về việc chiếc bếp gas giả nhãn hiệu Rinnai bị Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 Hà Nội thu giữ nhìn giống y như hàng thật là một ví dụ rất tinh vi của nạn làm hàng giả. Ngay cả cán bộ thực thi nhiệm vụ, có nhiều kinh nghiệm mà thoạt nhìn cũng khó nhận ra đây là hàng giả.

Hàng giả không loại trừ hàng hóa nào
Hàng giả không loại trừ hàng hóa nào

Bề ngoài và kết cấu của chiếc bếp này giống y chang hàng thật, nó chỉ khác về chất lượng sản phẩm và độ an toàn khi sử dụng. Để đấu tranh và bắt được hơn 200 chiếc bếp gas giả này, buộc phải có người đại diện của hãng Rinnai đi cùng.

Một ví dụ nêu trên chưa thể lột tả hết tình trạng làm hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại... hiện nay và theo ông Lưu Bách Chiến - Đội trưởng Đội QLTT số 2 (Hà Nội), nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm kiểu dáng công nghiệp, công tác đấu tranh không hề đơn giản, buộc phải có đại diện của chính hãng cùng tham gia thì mới lật tẩy được thủ đoạn, công nghệ làm giả tinh vi.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Trưởng Phòng thực thi và giải quyết khiếu nại - Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, bất kể mặt hàng nào xuất hiện trên thị trường cũng có thể bị làm giả, làm nhái. Đặc biệt, càng những mặt hàng bán chạy, có thương hiệu lại càng bị làm giả, làm nhái, vi phạm kiểu dáng công nghiệp nhiều hơn. Công nghệ làm giả, làm nhái hiện rất tinh vi và khó nhận biết.

Theo Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương, trong 9 tháng đầu năm 2012, lực lượng QLTT cả nước phát hiện 7.945 vụ hàng giả, vi phạm nhãn hàng hóa và xâm phạm quyền SHTT, tăng hơn 1.000 vụ so với cùng kỳ năm 2011. Các hàng hóa vi phạm chủ yếu là phân bón, thuốc chữa bệnh, thức ăn chăn nuôi, sữa, bia, hàng may mặc, mỹ phẩm… Nguy hiểm là số vụ hàng giả, hàng nhái bị phát hiện lại tăng mạnh nhiều vào lĩnh vực an toàn sức khỏe của con người như thuốc, sữa, mỹ phẩm, mũ bảo hiểm, xăng, phụ tùng xe máy, gas.

Doanh nghiệp làm ăn chân chính khốn đốn vì sản phẩm của mình bị làm giả, nhái
Doanh nghiệp chân chính khốn đốn vì sản phẩm bị làm giả, nhái

Còn riêng tại Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2012, Chi cục QLTT Hà Nội đã bắt giữ, xử lý 599 vụ hàng nhái, hàng giả nhãn hiệu, vi phạm quyền SHTT của các thương hiệu nổi tiếng. Trong số ấy, có những vụ mà khi khám phá ra, lực lượng này đã không khỏi giật mình bởi thủ đoạn tinh vi của nó, nhất là các vụ làm giả bình gas, thuốc chữa bệnh, dây điện…Báo động hơn, lợi dụng chính sách ưu tiên hàng Việt Nam, một số đối tượng đã tung ra thị trường một số mặt hàng Mede in Viet Nam nhưng lại được sản xuất ở nước ngoài với giá rẻ và chất lượng kém.

Trả lời trên Báo NLĐ, ông Lưu Bách Chiến - Đội trưởng Đội QLTT số 2 (Hà Nội) cho biết, cả nước có 5 cơ quan hành chính xử lý hàng giả, hàng nhái, nhưng sự vào cuộc, phối hợp giữa các cơ quan này còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ, thậm chí là “mạnh ai nấy làm” nên chưa tạo được dư luận và sức mạnh tổng hợp. Quan trọng hơn cả vẫn là người tiêu dùng, hãy “nói không với hàng giả, hàng nhái”. Nếu không có người mua, thì hàng giả, hàng nhái bán cho ai.

Theo một cán bộ QLTT Hà Nội thì sản xuất hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi hơn, tổ chức chặt chẽ hơn, như có sự phân công cụ thể, có bộ phận chuyên sản xuất bao bì, đóng gói, tem, nhãn giả, kể cả tem phản quang chống giả…sau đó bán cho các đối tượng trực tiếp sản xuất để đóng gói sản phẩm hoặc sản xuất dưới dạng gia công chưa hoàn chỉnh trong nước hoặc nước ngoài, rồi lắp ráp, đóng gói tại nơi khác. Các sản phẩm này sau khi được đóng gói nhãn mác rồi lập tức tung ra thị trường.Hàng giả không chỉ “đội lốt” quần áo, giày dép, túi xách mà nguy hiểm hơn, các loại thực phẩm như bánh kẹo, dầu ăn, bột canh, nước ngọt… cũng bị “nhái” hoặc quá hạn… được làm mới.

Tràn ngập hàng giả, nhái, quá date...

Theo khảo sát của phóng viên tại các con phố chuyên bán bánh kẹo ở Hà Nội như: Hàng Buồm, Hàng Giày, chợ Đồng Xuân… thì bên cạnh những thương hiệu bánh kẹo quen thuộc và có uy tín trên thị trường, có tới 70% các loại bánh kẹo, mứt, ô mai được nhập lậu qua biên giới và hầu hết là hàng 3 không: không hạn sử dụng, không nơi sản xuất và không đăng ký chất lượng sản phẩm.

Chưa kể, các loại thực phẩm sản xuất thủ công, như bò khô cũng được làm giả (hoặc pha thêm) thịt lợn nái chăn thả ở các vùng biên giới, khiến thịt nhạt và kém giòn. Điều này lý giải vì sao một kg bò khô thường có giá chỉ khoảng 300.000 đồng (đắt hơn thịt bò tươi 50.000 đồng/kg), trong khi 3kg thịt tươi mới cho ra 1 kg thịt khô (chưa kể gia vị).

Các loại bột nêm trên thị trường được quảng cáo là chế biến từ thịt, xương có tác dụng thay thế cho tất cả các loại thịt, cá, tôm, cua… và an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu thì thực chất, bột nêm chính là chất phụ gia siêu bột ngọt, có vị ngọt gấp 200 lần các loại bột ngọt khác. Hơn thế, trong bột nêm có chứa chất I & G, giúp đánh lừa cảm giác của người ăn, khiến họ luôn cảm thấy ngon miệng…

Lực lượng chức năng phân bố không đồng đều, cũng làm giảm hiệu quả cho công tác phòng, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái
Lực lượng chức năng phân bố không đồng đều cũng làm giảm hiệu quả công tác phòng, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái

Nhằm lừa người tiêu dùng, nhiều con buôn còn đang tâm  biến hàng cận date, hết date thành mới để tung ra thị trường. Cụ thể, trong tháng 6/2012, lực lượng cảnh sát môi trường về lĩnh vực y tế và an toàn vệ sinh thực phẩm (Đội 6), Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Hà Nội phối hợp với đội QLTT số 26, Chi cục QLTTHN đã tiến hành kiểm tra kho hàng của Cty CP Xuất nhập khẩu và Đầu tư An Phát (số 143 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, HN) và phát hiện một loạt các mặt hàng bánh kẹo nhập khẩu cận date, hết date được công ty “phù phép” thành hàng trong hạn sử dụng, thay đổi nhãn mác xuất xứ. Các loại bánh kẹo có nhãn hiệu như Crispy Crackers, Banana Cream, Luxist… theo tem mác ghi xuất xứ hàng nhập khẩu đa số từ Indonesia, hạn sử dụng đều từ tháng 5 - 7/2012 nhưng đã được dập lại tới năm 2013, 2014…

Điều đáng nói là năm nào cũng có nhiều lượt kiểm tra việc kinh doanh các mặt hàng này nhưng vẫn tái diễn cảnh hàng nhập lậu, hàng giả… tràn ngập. Nhiều chủ cửa hàng còn chấp nhận bị phạt vài triệu và tiếp tục bán mặt hàng chứa nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe người tiêu dùng này vì lợi nhuận cao. Vì vậy, cần có chế tài xử phạt thật nghiêm khắc đối với những đối tượng kinh doanh những mặt hàng không đảm bảo chất lượng để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Ngăn chặn trên mọi tuyến

Đây là nội dung đặc biệt quan trọng của Thủ tướng Chính phủ đưa ra vào đầu tháng 8/2012, trong công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh phối hợp với Ban Chỉ đạo 127 TW, các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Theo công điện, thời gian gần đây hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng không có giấy tờ hợp pháp bằng nhiều phương thức, thủ đoạn phức tạp gia tăng, đang tiềm ẩn nguy cơ cao về lây lan các dịch bệnh, gây thất thu ngân sách, tác động xấu đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì phối hợp với Ban Chỉ đạo 127 Trung ương, các bộ, ngành liên quan phân công người có trách nhiệm, có năng lực trực tiếp chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường lực lượng, phương tiện kiểm tra thường xuyên, liên tục nhất là các địa bàn trọng điểm bảo đảm kiểm soát, phát hiện, xử lý kịp thời mọi hành vi buôn lậu, mua bán hàng cấm. Đặc biệt là các mặt hàng xăng dầu, gia cầm, thực phẩm động vật hoang dã, vận chuyển hàng nhập khẩu không thực hiện các thủ tục theo đúng quy định.
 
Đồng thời, yêu cầu các lãnh đạo ban, ngành chỉ đạo bố trí lực lượng bảo đảm quản lý, kiểm soát tốt nhất hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa tại các tuyến, khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, cánh gà cửa khẩu, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, khu vực chợ đầu mối, nơi tập kết hàng nhập lậu, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường biển.
 
Trưởng Ban Chỉ đạo 127 Trung ương chỉ đạo và yêu cầu Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố trước hết là Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh có biên giới quy định và phân công cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ kiểm soát, ngăn chặn buôn lậu. Trong đó, lãnh đạo các đơn vị chức năng phải chú trọng tại các địa phương, địa bàn có cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu, khu thương mại; phải tổ chức và thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát phát hiện kịp thời mọi hoạt động buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng hóa nhập khẩu không có giấy tờ hợp pháp. Đồng thời có biện pháp hoặc kiến nghị xử lý cụ thể đối với tập thể, cá nhân nếu để xảy ra buôn lậu tại địa bàn, đơn vị, lĩnh vực phụ trách.
 
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng và Công an các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan kịp thời ngăn chặn, phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là các đường dây ổ, nhóm buôn lậu để xây dựng chuyên án, đấu tranh, điều tra, làm rõ, xử lý kịp thời. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát chặt chẽ và kiểm dịch thú y đối với sản phẩm là động vật, gia cầm nhập khẩu; có biện pháp hữu hiệu quản lý các chất kích thích tăng trưởng sử dụng trong chăn nuôi bảo đảm yêu cầu về an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang