Cuộc dạo chơi thần tốc của 'gã khổng lồ' đứng sau Lazada

author 05:50 17/03/2016

(VietQ.vn) - Rầm rộ mở ra các mô hình thương mại điện tử khuấy đảo thị trường Việt Nam vào cuối năm 2011 nhưng sau đó 4 năm, Rocket Internet lại lần lượt rút lui.

Bước chân của ông chủ Lazada tại Việt Nam

Theo thống kê, Rocket Internet hiện đang bành trướng trên 50 quốc gia trên thế giới. Trong vòng 5 năm, Công ty này đã nhúng tay vào hơn 80 thương vụ thành lập doanh nghiệp mới và hiện đang tạo việc làm cho hơn 20.000 người. Rocket Internet chủ yếu tập trung vào việc xây dựng các mô hình thương mại điện tử B2C (Business to Consumer).

Cách làm của họ là tạo ra bản sao của những mô hình thương mại điện tử thành công của Mỹ đem áp dụng ở các thị trường khác. Sau đó họ bán cho nhà đầu tư khác hoặc cho chính những người chủ của mô hình mà mình đã sao chép.

Được sáng lập bởi ba anh em nhà Samwer, Rocket Internet thành công bước đầu với Alando và CityDeals lần lượt được eBay và Groupon mua lại.

Ngay từ khi quyết định đầu tư và triển khai tại Việt Nam vào cuối năm 2011, chỉ chưa đầy nửa năm, Rocket Internet đã cho ra đời một loạt sản phẩm mô hình thương mại điện tử là Lazada, Zalora và FoodPanda, đội ngũ nhân viên từ 0 người cho đến nay đã hơn 400 người và vẫn đang tiếp tục tăng. Tuyển dụng ào ạt, lôi kéo người tài từ các công ty khác trong ICT Việt Nam, tạo thành một làn sóng chuyển dịch nhân sự đáng sợ. Không dừng tại đó, Rocket Internet còn tuyển dụng và nhận sinh viên thực tập các ngành có liên quan đến Thương mại điện tử (TMĐT) với số lượng không giới hạn.

Hiện tại, Lazada là đại diện cuối cùng của Rocket Internet tại Việt Nam. Ảnh: Internet.

Website mua hàng Zalora.vn lẫn Lazada.vn đều có thiết kế thân thiện, dễ sử dụng. Hình ảnh sản phẩm được đầu tư tỉ mỉ, chất lượng, không như một số website TMĐT trong nước khác. 

Trong đó, Zalora kinh doanh mặt hàng thời trang, bản sao của Zappos, hiện đã có mặt tại thị trường Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Đài Loan, Hồng Kông. Lazada kinh doanh nhiều loại mặt hàng như điện tử, thiết bị, đồ dùng, bản sao của Amazon đã xâm nhập thị trường Indonesia, the Philippines, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Ai Cập (với tên gọi Mizado). đang rất quen thuộc với thị trường Trung Đông và Đông Nam Á. FoodPanda là một dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến ăn theo những mô hình tương tự đã thành công ở Mỹ và châu Âu.

Chỉ hơn 1 năm sau, Lazada và Zalora đã hút được hơn 100 triệu USD từ hàng loạt quỹ đầu tư như Holtzbrinck Ventures, AB Kinnevik, Summit Partners, Tengelmann Group hay Verlinvest. Còn FoodPanda tính đến giữa năm 2014 đã cung cấp dịch vụ tại 5 thành phố lớn Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng và Cần Thơ với mạng lưới lên đến 1.000 nhà hàng đối tác.

Rút lui nhanh chóng tại Việt Nam

Mặc dù luôn được nhận định thương mại điện tử là thị trường “nhiều tiềm năng” nhưng “ông lớn” này đã không thể chịu được “nhiệt” lâu khi phải “đốt tiền” vào đầu tư các trang TMĐT mà luôn bị thua lỗ. 

Thêm vào đó, công việc của Rocket Internet là sao chép các sản phẩm TMĐT thành công trên thế giới, xây dựng nhanh, phát triển thần tốc rồi nhanh chóng bán đi để tiếp tục vòng chơi mới. Chính vì lý do đó, các sản phẩm bản sao gần như không được trau chuốt và chăm chút đầu tư như một đứa con của chung, mà chỉ đơn giản là món hàng lớn để trao đổi mua bán về sau.

Cuối năm 2015, Công ty TNHH MTV Gấu Trúc Food, website chính thức foodpanda.vn, thông báo chấm dứt hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Lý do đưa ra là vấn đề tài chính như một lời nhắn đau thương cho người ở lại: "Thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều công ty quyết định không đốt tiền nữa. Chúc may mắn cho những người đang tiếp tục cố gắng".

Nếu thương vụ bán mình hoàn tất, Rocket Internet sẽ "thoái lui hoàn toàn" khỏi thị trường VN.

Mới đây, dư luận lại đang xôn xao trước thông tin thương hiệu Lazada sắp rút khỏi Việt Nam. Một số tờ báo đã đưa tin, quá trình bán Lazada đã được khởi động từ lâu. 

Tại Việt Nam, Lazada không chỉ là một trong những sàn thương mại điện tử lớn nhất mà nó còn là nền tảng tiếp thị liên kết hàng đầu. Với hơn 6.000 gian hàng và 400.000 sản phẩm thuộc 13 ngành hàng khác nhau, Lazada thực sự là một nguồn thu nhập khá béo bở dành cho các "affiliater' bởi sự phong phú và đa dạng của các sản phẩm tiếp thị.

Chính vì vậy, việc Lazada nếu sắp “sập tiệm” khiến không ít người ngỡ ngàng. Tuy vậy, dưới góc nhìn của những người trong ngành truyền thông, marketing, cái kết của việc “sụp đổ” thương hiệu Lazada tại Việt Nam dường như đã được tiên đoán trước.

Có thể nói, lĩnh vực TMĐT tiềm năng nhưng không phải dễ nuốt. Tiền là điều cần có, nhưng chiến lược – tầm nhìn – đi tới cùng và quyết liệt trong cuộc chiến dài hơi không phải ai cũng có, kể cả các đại gia trong ngành ICT. 

Về phương diện kinh doanh, việc tham khảo và học hỏi các mô hình khác để áp dụng cho doanh nghiệp của mình là điều hết sức phổ biến. Phần lớn các mô hình kinh doanh trên thế giới đều vay mượn và sử dụng các kinh nghiệm, kiến thức của người đi trước để có thể dẫn đến thành công.

Tuy nhiên, mô hình Rocket Internet đang triển khai lại đi ngược với những gì được dạy trong các trường kinh doanh: Sự sáng tạo là nguyên tố lớn nhất mang lại thành công và giá trị cho doanh nghiệp. Rõ ràng, sự sáng tạo là điều quan trọng nhất trong xã hội hiện nay. Những mô hình như Amazon, eBay, Groupon, Facebook hoặc các sản phẩm đột phá như iPhone, iPad sẽ không bao giờ có mặt nếu các doanh nghiệp cứ đi sao chép lẫn nhau.

Mặc dù vậy, những mô hình kinh doanh sao chép của Rocket Internet không phải đánh vào những thị trường đã trưởng thành như Bắc Mỹ, xuất phát điểm của Amazon, Groupon hay eBay. Rocket Internet chủ yếu tập trung phát triển vào các thị trường thương mại điện tử còn mới như Nam Mỹ, Đông Âu, Trung Đông và Đông Nam Á, nơi có dân số đông đúc và mật độ cạnh tranh còn thấp.Rocket Internet đóng vai trò là người tiên phong để khai phá những thị trường này. 

Tại Việt Nam, ở khía cạnh tích cực, Rocket Internet với số tiền đồ sộ của mình, đã góp phần vào việc thúc đẩy TMĐT Việt Nam phát triển nhanh và dần định hình thị trường chung. Đồng thời, Rocket Internet cũng có công lao lớn trong việc đào tạo một đội ngũ từ chưa biết gì đến khi quen dần với lĩnh vực công nghệ vốn còn quá mới mẻ tại đây. 

Dương Phương Ngọc (t/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang