Cuộc đếm ngược về việc công bố nguyên nhân cá chết

author 17:39 19/06/2016

(VietQ.vn) - Tháng 6, thời hạn mà cơ quan chức năng, sau nhiều lần lần lữa, sẽ công bố nguyên nhân cá chết, đang dần trôi qua.

ca

Tháng 6, chỉ còn 12 ngày nữa, nhiều người dân đang đếm ngược từng ngày để chờ được nghe thông báo về vụ cá chết hàng loạt, theo như lời hứa của cơ quan chức năng được đưa vào vào đầu tháng 6.

Ngày 2.6, tại cuộc họp của Chính phủ, các cơ quan chức năng công bố đã tìm ra nguyên nhân cá chết, tuy nhiên, còn liên quan đến thủ phạm gây ra cá chết, đồng thời muốn có các phản biện khoa học khách quan và sự tham gia của các cơ quan độc lập bên ngoài, nên hoãn công bố.

Hồi tháng 4 xảy ra vụ cá chết hàng loạt tại Hà Tĩnh, nơi tập đoàn Formosa Plastics của Đài Loan đặt nhà máy thép trị giá 10,6 tỷ USD, một trong những nhà máy lớn nhất thế giới loại này.

Ngoài ra cá chết hàng loạt còn xảy ra kéo suốt 200 km dọc bờ biển, ngoài Hà Tĩnh còn ba tỉnh khác cũng bị ảnh hưởng, gồm Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Trước đó, hôm 27.4, tại cuộc họp báo ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN-MT, công bố kết quả điều tra ban đầu cho biết vụ cá chết hàng loạt chưa có bằng chứng liên quan đến Formosa.

Công bố kết quả, sau đó ông Nhân vội vã rời phòng họp và không trả lời báo chí sau nhiều tiếng đồng hồ các phóng viên chờ đợi.

Mới đây hôm 17.6, theo bản tin của Reuters được Người Lao Động dẫn lại, bà Echo Lin, cổ đông của của một trong những công ty thuộc tập đoàn Formosa, cho biết công ty thép nên điều tra thảm họa cá chết tại Việt Nam.

Theo bà Lin thì điều cốt lõi ở đây, theo thông lệ quốc tế, là những công ty nằm trong diện nghi vấn trước nhất “phải có trách nhiệm điều tra vụ việc để chứng minh họ vô tội.

"Đó là lý do chúng tôi yêu cầu họ điều tra và làm rõ liệu hiện tượng cá chết hàng loạt có liên quan đến công ty thép của Formosa hay không,” trả lời phóng viên sau cuộc họp thường niên của tập đoàn Formosa Plastics, bà Lin nói.

Né tránh việc chứng minh tập đoàn vô tội, Chủ tịch Tập đoàn Formosa Plastics Jason Lin nói với các cổ đông rằng tập đoàn này đã yêu cầu được tham gia điều tra với cơ quan chức năng Việt Nam và đang chờ đợi bằng chứng từ các thanh tra quốc tế.

Nhưng rồi sau đó lại chống chế: “Tập đoàn Formosa Plastics chỉ đầu tư mà không trực tiếp quản lý”.

Sản xuất giấy hại chết cá sông

Cuộc đếm ngược cũng diễn ra trước sự kiện nhà máy giấy của Công ty TNHH giấy Lee&Man, thuộc Tập đoàn Lee&Man Paper Hong Kong - Trung Quốc, sắp đi vào hoạt động ở bên bờ sông Hậu thuộc hạ nguồn Mekong.

Cuộc đếm ngược bắt đầu từ việc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) vừa có công văn gửi Quốc hội và Chính phủ kiến nghị rà soát công nghệ xử lý nước thải và công tác giám sát môi trường của Lee&Man tại Cụm công nghiệp Nam Sông Hậu, tỉnh Hậu Giang.

VASEP cho hay người dân và các doanh nghiệp thủy sản hội viên tại ĐBSCL đang rất hoang mang trước thông tin dự án xây dựng nhà máy giấy này sắp đi vào hoạt động

Tương tự như nhà máy thép ở Vũng Áng, đây là một trong năm nhà máy giấy lớn nhất thế giới.

Công nghiệp giấy chủ yếu xả thải xút (NaOH) trong khi khu vực này không có hệ thống xử lý nước thải trung tâm đảm bảo yêu cầu an toàn.

Để sản xuất một tấn giấy hoặc bột giấy cần 50kg xút làm chất tẩy, trong khi nhà máy lớn nhất thế giới này đặt ở vùng trũng nhất khu vực nên rất khó rửa trôi một khối lượng xút lớn.

Lượng xút này đổ ra sẽ hủy hoại nguồn lợi thủy sản ở sông Hậu và biển, đồng thời ảnh hưởng lớn tới việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực ĐBSCL - hiện chiếm trên 70% diện tích nuôi trồng thủy sản, 40% sản lượng và 60% sản lượng xuất khẩu của cả nước.

Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký VASEP, cho rằng dự án này được đánh giá tác động từ năm 2007, nay đã lạc hậu so với những biến đổi của khí hậu và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn thay đổi mạnh mẽ những năm gần đây ở vùng ĐBSCL.

Cuộc đếm ngược lần này là kỳ vọng Quốc hội và Chính phủ sẽ khẩn cấp chỉ đạo kiểm tra, rà soát công nghệ xử lý nước thải của dự án và chỉ đạo hoạt động giám sát xả thải của Nhà máy Lee&Man bao gồm cả đầu tư thiết bị, cơ chế giám sát và thực thi.

Nhà máy thép Formosa và nhà máy giấy Lee&Man đều lớn nhất thế giới, đều là những ông kẹ môi trường nổi tiếng thế giới, đang nằm trong cuộc đếm ngược của niềm tin người dân về thực thi bảo vệ môi trường.

Trần Bích

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang