Cuộc đời chìm nổi của "ông vua" quyền lực nhất phố Wall

author 22:03 22/05/2013

(VietQ.vn) - Năm ngoái, 40% cổ đông của JP Morgan đã bỏ phiếu tước bỏ chức chủ tịch của Dimon. Có vẻ như tình hình năm nay còn tồi tệ hơn.

Nhân vật quyền lực trong ngành ngân hàng Mỹ - Jamie Dimon.

Đôi lúc, JP Morgan được người ta gọi là “The House of Dimon” (tạm dịch: Nhà của Dimon) – cái tên thể hiện sự hiện diện của vị CEO tên tuổi Jamie Dimon. Không còn nghi ngờ gì nữa, Dimon chính là nhân vật quyền lực nhất trong ngành ngân hàng nước Mỹ.

Tuy nhiên, thờ thế đã thay đổi trong năm 2012 vừa qua. Những người bạn ở Washington đã ruồng bỏ Dimon. Ngày hôm nay (21/5), các cổ đông của JP Morgan sẽ tiến hành bỏ phiếu xem xét liệu Dimon có thể tiếp tục đảm nhiệm vị trí “thuyền trưởng” hay không. Dimon là CEO kiêm Chủ tịch của JP Morgan và hiện nay rất nhiều người muốn ông rời bỏ chiếc ghế Chủ tịch.

Nhà của Jamie

Công chúng yêu mến Jamie Dimon – vị lãnh đạo điển trai có giọng nói pha chút chất giọng của khu Queens. Cựu sinh viên trường Harvard sẽ xuất hiện trong chương trình Fox Business, mặc chiếc quần jeans hiệu Wrangler và lôi cuốn khán giả bằng những câu chuyện hài hước lôi cuốn một cách xuất sắc. Trên tay áo của Dimon là chiếc khuy măng sét (cuff – link) mà ông được Tổng thống Mỹ trao tặng.

Trong thời điểm người Mỹ hoảng sợ và lo lắng không biết chuyện gì đang xảy ra với họ, vị CEO của JP Morgan dễ dàng đem lại sự yên bình.

Jamie Dimon đã trở thành cái tên thân thuộc với nhiều hộ gia đình.

Không giống như những “con mèo béo” trên phố Wall, JP Morgan chưa bao giờ cần đến cứu trợ. Trên thực tế, ngân hàng này còn tận dụng cơ hội để mua lại Bear Stearns với giá “như cho không” (Bear trị giá hơn 11 tỷ USD trong khi JP Morgan chỉ phải trả 260 triệu USD). JP Morgan cũng mua lại Washington Mutual và trở thành ngân hàng lớn nhất nước Mỹ. Lợi nhuận công bố hàng quý luôn vượt qua dự đoán của giới phân tích.

Tuy nhiên, đi kèm với qui mô lớn cũng là sự phức tạp ngày càng tăng lên. Các vụ kiện liên quan đến khủng hoảng cho vay dưới chuẩn chất đống. Dẫu vậy, đó vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất.

“Cá voi trong tách trà”

Câu chuyện bắt đầu từ mùa xuân năm ngoái, khi hàng loạt báo cáo về những hoạt động lạ lùng trên thị trường tín dụng gây được sự chú ý của giới tài chính. Các phóng viên hỏi Dimon về một vị thế có khối lượng giao dịch khổng lồ được thực hiện bởi Giám đốc đầu tư (CIO) của JP Morgan. Giới đầu tư gọi đó là “cá voi London”, còn Dimon gọi đó là “bão trong tách trà”.

Tất nhiên là sự việc không như Dimon suy nghĩ. Đó là khoản lỗ giao dịch lên tới 6 tỷ USD mà CIO của JP Morgan đã giấu nhẹm trong nhiều tháng. Cuối cùng thì, Dimon buộc phải ra đối chất trước Quốc hội.

Đây cũng là lúc mọi thứ thay đổi. Sự tự tin thường ngày được thay thế bằng vẻ kiêu căng ngạo mạn. Ông muốn chính phủ chấp nhận bản báo cáo “cá voi London” và để mặc JP Morgan tự giải quyết vấn đề của mình.

Quá lớn để quản lý

Giới phê bình cho rằng Dimon đã mất kiểm soát trong khi đối với bất kỳ ai, JP Morgan là quá lớn để quản lý. Hồi tháng 1, JP Morgan đối mặt với yêu cầu thắt chặt các qui định chống rửa tiền. Cùng lúc đó, ngân hàng này cũng bị cấm vận vì giấu giếm các tài liệu liên quan đến mô hình Ponzi của Bernie Madoff. JP Morgan là ngân hàng phục vụ Madoff trong nhiều thập kỷ.

Gần đây nhất, các nhà quản lý liên bang đã cảnh cáo Dimon rằng Washington đang ngày càng mệt mỏi với những trò hề của ông. Hiện nay, JP Morgan đang phải chịu sự giám sát của 8 cơ quan, trong đó có Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang (Federal Energy Regulatory Commission). Ủy ban này buộc tại JP Morgan gian lận trên thị trường điện California và Michigan.

Cho đến nay, JP Morgan vẫn luôn báo cáo kết quả kinh doanh thể hiện một nền tài chính khỏe mạnh. Tuy nhiên, đối với rất nhiều người trong hội đồng quản trị của ngân hàng này, từng đó là chưa đủ. Họ muốn ngân hàng được quản lý tốt hơn, muốn có một ông chủ quản lý tất cả các ông chủ để đảm bảo những gì CEO đang làm là tốt nhất cho các cổ đông.

Năm ngoái, 40% cổ đông của JP Morgan đã bỏ phiếu tước bỏ chức chủ tịch của Dimon. Có vẻ như tình hình năm nay còn tồi tệ hơn. Các cố vấn, hãng tư vấn Institutional Shareholder Services và Glass Lewis, đều đưa ra lời khuyên JP Morgan nên tách bạch 2 chức vụ CEO và Chủ tịch.

Một lá phiếu cho sự trung thành

Dimon đã tuyên bố ông sẽ rời khỏi JP Morgan nếu như các cổ đông yêu cầu ông rời khỏi chiếc ghế Chủ tịch. Không chỉ có vậy, tuần trước, Hiệp hội Chứng khoán và Thị trường Tài chính Mỹ (SIFMA) đã yêu cầu Broadridge (công ty kiểm tra số phiếu của các cổ đông) dừng việc chia sẻ kết quả với những người chống lại Dimon.

Đáp lại, nhóm này nộp đơn lên Ủy ban chứng khoán Mỹ yêu cầu giải thích liệu động thái này có hợp pháp hay không.

Khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, bên ngoài trụ sở của ngân hàng chắc chăn sẽ xuất hiện những người biểu tình chống lại Jamie Dimon. Tuy nhiên, có vẻ như những người trong cuộc không hề lo lắng. Đội ngũ nhà giao dịch, nhân viên ngân hàng, luật sư …. đông đảo vẫn trung thành với vị lãnh đạo của họ.

Theo Cafebiz

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang