'Cuộc đua' chế tạo bộ kit test nhanh virus corona: Quốc gia nào đang nắm lợi thế?

author 06:19 26/02/2020

(VietQ.vn) - Nhiều nhóm khoa học thuộc nhiều quốc gia trên khắp thế giới đang làm việc gấp rút để phát triển các bộ kit test nhanh virus corona với mục tiêu rút ngắn tối đa thời gian cho kết quả sau chẩn đoán.

Trong bối cảnh tình trạng các ca nhiễm virus corona chủng mới (Covid-19) tiếp tục gia tăng trên khắp thế giới, nhu cầu có một bộ kit test nhanh virus corona với kết quả chính xác đang là một nhu cầu thiết yếu và cấp bách

Theo thông tin trên tạp chí khoa học Nature, việc một số nhà khoa học giải trình tự gen của virus corona và chia sẻ chúng lên các kho dữ liệu mở đã thúc đẩy mạnh mẽ các nghiên cứu chế tạo bộ xét nghiệm nhanh (bộ kit test nhanh) loại virus này. Sau khi đại dịch bùng phát, đã có nhiều nhóm nghiên cứu làm việc độc lập để xác định nguyên nhân cụ thể của đại dịch cúm này.

Nhóm đầu tiên bao gồm các nhà nghiên cứu đến từ Thượng Hải, Vũ Hán, Bắc Kinh và Sydney. Họ đã dùng kỹ thuật giải trình tự RNA hệ gen tự nhiên (Metagenomic) từ mẫu bệnh phẩm duy nhất của một bệnh nhân sống tại chợ hải sản. Kết quả hệ gen đã được gửi về kho lưu trữ GenBank.

Cùng lúc đó, đội phản ứng nhanh do Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc phái đi cũng báo cáo đã phân lập và nuôi cấy được một loại virus mới từ dịch rửa phế quản của 3 bệnh nhân.

Qua kính hiển vi, họ phát hiện hình thái điển hình của virus corona, đồng thời chứng minh được nó có các phản ứng gây bệnh trên tế bảo biểu mô phế quản người. Hệ gen của virus này giống đến 85% một chủng virus được tìm thấy ở dơi trước đó. Đến ngày 12/1, nhóm này cũng gửi thêm 3 trình tự hệ gen vào hệ thống lưu trữ dữ liệu dịch cúm (GISAID).

Nhóm thứ ba ở Vũ Hán và Bắc Kinh đã phát hiện cùng loại virus gây bệnh trên 5 bệnh nhân bị viêm phổi nặng. Họ đã gửi thêm dữ liệu 5 mã gen về GISAID. Các tác giả cho biết, loại virus này sử dụng enzyme chuyển hóa Angiotensin II để xâm nhập vào tế bào vật chủ giống như SARS-CoV, chủng virus gây ra vụ dịch năm 2002-2003 khiến 8.096 người nhiễm bệnh và 774 người tử vong.

Một vài nhóm quốc tế đã dựa trên dữ liệu trình tự này để thiết kế mồi cho phản ứng chuỗi polymerase (PCR) nhằm hỗ trợ các phòng thí nghiệm y tế công cộng trên toàn cầu trong trường hợp không có xét nghiệm thương mại cho virus corona. Ông Christian Drosten thuộc Viện Virus học, Bệnh viện Đại học Charite tại Berlin (Đức) cùng các cộng sự ngày 23/1 cũng đã công bố chi tiết về xét nghiệm Real-time RT-PCR và quy trình xét nghiệm.

Trong khi đó, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Hồng Kông đã phát triển hai xét nghiệm chẩn đoán PCR một bước phiên mã ngược định lượng. Hai xét nghiệm này được đánh giá bằng cách sử dụng hai mẫu bệnh phẩm thu được từ bệnh nhân nhiễm virus corona. Xét nghiệm PCR rất nhạy nếu được sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, âm tính giả - sự thất bại trong việc phát hiện virus ở bệnh nhân bị nhiễm bệnh - có thể là một vấn đề đáng kể trong cài đặt vận hành công suất cao.

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt bộ kit test nhanh virus corona đã được các quốc gia và nhóm khoa học trên thế giới chế tạo thành công. Ảnh minh họa 

Tại Hoa Kỳ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh đã phát triển các xét nghiệm chẩn đoán của riêng mình trên tất cả 50 bang trong nước. Các xét nghiệm này là phương pháp đối phó tạm thời trong thời gian chờ đợi bộ kit chẩn đoán nhanh được sản xuất rộng rãi. Ở Trung Quốc, Viện nghiên cứu hệ gen Bắc Kinh cũng đã phân phối hơn 50.000 bộ xét nghiệm như vậy trên khắp cả nước. Ngày 5/2, Viện này mở một phòng thí xét nghiệm khẩn cấp ở Vũ Hán với quy mô lên tới 10.000 xét nghiệm mỗi ngày.  

Bộ Quốc phòng Iran cho biết, các chuyên gia và nhà khoa học của cơ quan này xác nhận bộ xét nghiệm virus SARS - CoV-2 phiên bản đầu tiên được sản xuất trong nước. Thiết bị này dùng để xét nghiệm, chẩn đoán các trường hợp bệnh nhân nghi nhiễm bệnh COVID-19. Iran đã bắt đầu sản xuất đại trà bộ xét nghiệm virus sau khi trải qua tất cả các quy trình kiểm nghiệm và thẩm định cần thiết về độ chính xác.

Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca ngày 14/2 cho biết, bộ kit phát hiện Covid-19 này cho tỷ lệ chính xác lên đến 99,6%. Nó được sản xuất dựa trên các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và có thể nhận được kết quả sau khoảng 90-120 phút, nghĩa là mất ít thời gian hơn so với bộ dụng cụ xét nghiệm của Đức và Pháp.

Còn tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu của TS. Lê Quang Hòa, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) và Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ quốc tế Innogenex đã nghiên cứu chế tạo thành công bộ kit thử nhanh chủng virus corona mới (2019-nCoV).

Bộ kit sử dụng kỹ thuật RT-LAMP (khuếch đại đẳng nhiệt axit nucleic) chuyên dùng để phát hiện RNA của các loại virus gây bệnh. Đặc biệt thời gian phân tích ngắn (70 phút bao gồm cả giai đoạn tách chiết RNA), quy trình chẩn đoán tiêu chuẩn kỹ thuật phân tử (RT-PCR) hiện nay cần ít nhất 4 giờ (240 phút).

Nhóm nghiên cứu cho biết, giá thành sản xuất mỗi test là 350.000 đồng, còn giá sản xuất bộ test RT-PCR là một triệu đồng. So với các kỹ thuật sinh học phân tử khác, RT-LAMP có thiết bị đơn giản, khả năng ứng dụng tại hiện trường, độ nhạy và độ đặc hiệu cao (tương đương với real-time RT-PCR).

Thử nghiệm phản ứng, RT-LAMP phát hiện RNA của nCoV là 5 phiên bản mỗi phản ứng, tương đương với phương pháp nhạy nhất hiện nay dựa trên kỹ thuật real-time RT-PCR. Đặc biệt, phản ứng RT-LAMP không cho kết quả dương tính giả với các loại coronavirus khác như SARS CoV, MERS-CoV, HKU4, HKU1, OC43 và 229E.

Các nhà khoa học cho rằng, Việt Nam là quốc gia đầu tiên có công trình nghiên cứu cho kết quả thử Virus Corona chỉ sau 70 phút. Hiện tại, nhóm nghiên cứu rất mong Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ kết quả nghiên cứu này để đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Từ đó, sớm đưa ra sản xuất đại trà, đóng góp vào test nhanh virus corona đến các bệnh viện cấp huyện, không phải chỉ test ở các bệnh viện lớn và phải chờ thời gian lâu bởi tình trạng dịch corona đang cấp thiết.

Bảo Lâm (Theo Fars News, Nature)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang