Cuộc sống mới của trẻ em chùa Bồ Đề tại trung tâm nuôi dưỡng

author 07:34 24/08/2014

Sau hai ngày được chuyển từ chùa Bồ Đề đến Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật (xã Thụy An, Ba Vì, Hà Nội), các em nhỏ tỏ ra khá thích thú với môi trường mới khang trang, rộng rãi, được các cô chăm sóc chu đáo.

Sự kiện:

Đêm đầu, các cô nuôi thức tới sáng

Chiều 23/8, khi phóng viên có mặt tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật (trực thuộc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội Hà Nội, trụ sở tại xã Thụy An, Ba Vì, Hà Nội) chứng kiến 17 em nhỏ được chuyển từ chùa Bồ Đề đến đây đang được các cô chăm nuôi cho ăn uống bữa chiều.

Nhìn sắc thái các em đều rất tươi tỉnh, 8 em có thể tự ngồi xúc cơm trong tô ăn rất ngon lành, một số em chạy nhảy tung tăng, trong khi số khác dường như còn thấy lạ lẫm môi trường mới nên vẫn khóc thút thít. 

Cuộc sống mới của trẻ ở chùa Bồ Đề

Ông Đỗ Đức Hồng - Giám đốc Trung tâm cho biết, ngày 22/8 trung tâm tiếp nhận 17 người từ chùa Bồ Đề chuyển đến, trong đó có 7 trẻ tàn tật, 1 người già, còn lại là trẻ mồ côi. Trong số này có cháu Kiều Ung Thủy nhỏ tuổi nhất (mới được 2 tháng tuổi) đã được chuyển xuống khu vực chăm sóc trẻ sơ sinh để các cô chăm nom tốt hơn. 

16 cháu khỏe mạnh hơn được tập trung nuôi ở khu nhà trẻ số 7, rộng khoảng 60m2 với đầy đủ quạt treo tường, lồng sắt, bàn ăn. Riêng cụ già được bố trí ở khu vực dành cho người lớn tuổi. 

Trước đó, cháu Kiều Tâm Anh (2 tuổi, tên thường gọi là bé Bông) bị bệnh, sau khi được đưa đi thăm khám ở bệnh viện Nhi Trung ương thấy sức khỏe tốt cũng được chuyển tới trung tâm này nuôi dưỡng, ở phòng chăm sóc đặc biệt. 

Theo cô Lê Thị Trạo (48 tuổi) - người trực tiếp chăm sóc 16 cháu nhỏ, ngày đầu mới chuyển đến, do chưa quen với môi trường mới nên một số cháu còn quậy phá đòi ra ngoài. 

Cũng theo cô Trạo, do mới tiếp nhận các em nhỏ được hơn một ngày nên các cô chưa hiểu được hết sở thích, tính cách của từng em. Đối với những em lớn tuổi, họ còn gặp khó khăn hơn vì khó bảo. Đêm đầu tiên (22/8), các cô phải thức tới tận sáng vì trẻ khóc nhiều, đòi về nhà.

“Việc chăm sóc số trẻ này ban đầu có vất vả nhưng chúng tôi sẽ khắc phục dần. Tôi nghĩ một thời gian nữa các cháu sẽ quen với môi trường này”, cô Trương Thị Thu Hiền - cán bộ quản lý chăm sóc nhà trẻ số 7 chia sẻ.

Theo Giám đốc Trung tâm Đỗ Đức Hồng, khi tiến hành thủ tục tiếp nhận các cháu ở chùa Bồ Đề, trung tâm đã tiến hành phân loại từng đối tượng để có chế độ chăm sóc phù hợp. 

Ông Đỗ Đức Hồng trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 23/8. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Diện tích của trung tâm rộng 5,3 héc-ta, hiện đang nuôi dưỡng 340 người theo tiêu chuẩn bảo trợ xã hội, trong đó có 165 đối tượng là người cô đơn, tàn tật từ độ tuổi 18 trở lên, số còn lại trẻ sơ sinh và tàn tật. Tổng số cán bộ nhân viên của Trung tâm là 83 người, trong đó có 47 cán bộ trực tiếp chăm sóc trẻ tàn tật từ A đến Z nên công việc khá vất vả. 

Với điều kiện cơ sở vật chất như hiện nay, có thể tăng gia trồng rau, nuôi lợn, thả cá để cải thiện bữa ăn của trẻ nhỏ, người già. Theo quy định, chế độ ăn của người già tàn tật là 700.000 đồng/người/1 tháng; trẻ em là 875.000 đồng/1 tháng. Thời gian tới, nếu trẻ nào chưa có giấy khai sinh sẽ được làm sớm. Trẻ nào có khả năng đi học sẽ được đăng ký cho đi học tại địa phương. Cháu nào không có khả năng đi học cũng sẽ được làm quen với âm nhạc, văn hóa, hội họa…

“Trong thời gian tới, trung tâm sẽ bàn bạc với Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội tiếp nhận thêm một số trẻ nhỏ, người già ở chùa Bồ Đề. Hiện tại, cơ sở vật chất của trung tâm có thể tiếp nhận ngay 30 đến 35 cháu nhỏ”, ông Hồng chia sẻ.

Muốn nhận con nuôi phải đúng thủ tục quy định của pháp luật

Ông Nguyễn Đắc Nguyên - Chủ tịch UBND xã Thụy An cũng cho biết: Tất cả các cháu bé ở chùa Bồ Đề, cũng như các cháu mồ côi, tàn tật ở nơi khác từ trước đến nay khi về Trung tâm đều được tiếp nhận theo đúng quy trình. 

Theo đó, thông tin về các cháu sẽ được đăng trên báo, trong vòng 30 ngày nếu không có người thân đến nhận thì chúng tôi sẽ tiến hành làm giấy khai sinh cho các cháu. Những trường hợp muốn nhận các cháu làm con nuôi, đều phải thực hiện theo đúng thủ tục quy định của pháp luật. Trường hợp có cháu không may bị chết, chúng tôi đều làm giấy báo tử, tổ chức tang lễ và chôn cất các cháu theo đúng quy định.

Với những đứa bé không còn cha mẹ hay người thân, Trung tâm bảo trợ được coi là người giám hộ. Giám đốc Trung tâm sẽ xem xét có đồng ý cho các gia đình nhận con nuôi hay không, nếu đồng ý, Trung tâm sẽ cấp hồ sơ của trẻ cho gia đình nhận nuôi. 

Sau đó, gia đình mang hồ sơ của người nhận con nuôi và hồ sơ của đứa trẻ ra phường đăng ký. “Nhưng trước hết, Trung tâm bảo trợ phải ra thông báo tìm nhân thân, nếu hết thời hạn mà không có người nào đến nhận, Sở Tư pháp sẽ thông báo về việc cho phép nhận con nuôi. Các gia đình trong nước được ưu tiên nhận con nuôi, sau đó mới đến gia đình nước ngoài”, ông Nguyên nói.

Cũng theo ông Nguyên, nếu nhiều gia đình cùng xin nhận một đứa trẻ làm con nuôi, cơ quan chức năng sẽ chọn gia đình nào có điều kiện tốt nhất, không chỉ về kinh tế mà cả về giáo dục, môi trường. 

Luật Nuôi con nuôi quy định, Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi, theo đó, người nhận con nuôi nộp hồ sơ của mình và của người được nhận làm con nuôi tại UBND cấp xã - nơi người được nhận làm con nuôi thường trú.

Theo Tienphong

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang