Cuối tháng 7/2017, Bộ Công Thương hoàn tất phương án ‘giải cứu’ 12 dự án thua lỗ

authorĐỗ Thu Thoan 07:48 15/07/2017

(VietQ.vn) - Vào cuối tháng 7 tới, Bộ Công Thương sẽ hoàn tất phương án “giải cứu” 12 dự án yếu kém, thua lỗ cũng như xử lý những tồn tại, yếu kém tại 12 dự án.

Dẫn thông tin theo báo Tiền Phong, ngày 14/7, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương, ông Dương Duy Hưng cho biết, cuối tháng 7 này, Bộ Công Thương sẽ trình Ban Chỉ đạo của Chính phủ phương án chính thức “giải cứu” 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ cũng như việc xử lý những tồn tại, yếu kém tại các dự án này trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự kiến, trong năm nay, sẽ hoàn thành phê duyệt và tổ chức xong việc triển khai các phương án khắc phục đối với 12 dự án thua lỗ ngành công thương. Đến hết năm 2018 xử lý căn bản các yếu kém và tới năm 2020, hoàn thành xử lý xong 12 dự án này.

Theo ông Hưng, thời gian qua, Ban chỉ đạo Chính phủ cùng các bộ ngành, địa phương liên quan đã làm việc rất quyết liệt. Cụ thể, chỉ trong 1 tháng, từ 17/12/2016 đến 16/1/2017, Ban chỉ đạo đã làm việc trực tiếp tại 9/12 dự án để nắm lại tình hình, chỉ đạo xử lý. Chỉ trong gần 6 tháng qua, đã có gần 200 văn bản chỉ đạo sát sao liên quan đến 12 dự án. Nhờ vậy, trong số 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, đến nay có những dự án đã chuyển biến tích cực như dự án nhà máy đạm Ninh Bình, dự án nhà máy đạm Bắc Hà, dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên... Tuy nhiên, bên cạnh những việc làm được, vẫn còn nhiều việc cần tiếp tục triển khai.

cuoi-thang-72017-bo-cong-thuong-hoan-tat-phuong-an-giai-cuu-12-du-an-thua-lo

Dự án nhà máy đạm Hà Bắc đã quay trở lại hoạt động và bắt đầu sản xuất có hiệu quả. Ảnh: Tiền Phong

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, quan điểm của Bộ Công Thương là không chờ đợi, làm sao để các dự án đang sản xuất thì phải đạt hiệu quả hơn. Với những dự án đang ngừng sản xuất thì bằng mọi cách phải khởi động lại xử lý triệt để các tồn tại, vướng mắc rồi mới thực hiện thoái vốn, chuyển vốn hay thực hiện giải pháp khác.

Mới đây, theo Zing, Bộ Công Thương đã tổ chức họp khẩn với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) về xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, yếu kém của ngành. Theo đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng yêu cầu PVN cần phải chỉ đạo triển khai quyết liệt theo lộ trình được Bộ Chính trị đặt ra. Năm 2017 hoàn thành phương án xử lý, để 2018 cơ bản khó khăn giải quyết và năm 2020 hoàn thành xong.

Tập đoàn Dầu khí phải quyết liệt xử lý 5 dự án yếu kém, thua lỗ của ngành(VietQ.vn) - Bộ Công Thương tiếp tục yêu cầu Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cần có giải pháp quyết liệt để xử lý 5 dự án yếu kém, thua lỗ của ngành.

Cũng theo Trí Thức Trẻ, sau quá trình rà soát, Nhà máy đóng tàu Dung Quất và Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ - đều trực thuộc PVN - đã được chấp thuận chủ trương cho phá sản.

Đây là 2 trong số 12 dự án nhà máy thu lỗ nghìn tỷ của ngành công thương và là 2 trong 5 dự án thuộc PVN cần xử lý (3 dự án còn lại gồm: Nhà máy Ethanol Bình Phước, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, Công ty cổ phần Hóa dầu và xơ sợi Dầu khí)

Cũng theo Tiền Phong, đối với 3 dự án là dự án xăng sinh học Ethanol Dung Quất, dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước và dự án Xơ sợi Đình Vũ của Công ty Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), Bộ Công Thương đưa ra quan điểm phải khởi động lại dự án để sản xuất sau đó hợp tác với đối tác để thoái vốn, chuyển nhượng vốn.

Bàn về việc xử lý các dự án nghìn tỷ thua lỗ của ngành Công thương, trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, phải quy trách nhiệm một cách sòng phẳng.

Theo bà Lan, trong các dự án như thế, những người thực hiện phải gánh vác phần trách nhiệm về thua lỗ; phải cho xuống chức hoặc thôi việc, thậm chí xử lý hình sự nếu vi phạm đến mức nghiêm trọng. Kể cả những người đã nghỉ việc, nếu chứng minh được sai phạm, vẫn phải truy cứu trách nhiệm. Họ cũng phải bồi thường về mặt tài chính.

Đỗ Thu Thoan (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang