Cứu sống cụ bà 82 tuổi ngừng thở, ngừng tim bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt

authorHồng Anh 06:29 11/06/2015

(VietQ.vn) - Cụ bà Nguyễn Thị Xuyên, 82 tuổi, ở TP Yên Bái vừa được các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai cứu sống sau khi đã chết lâm sàng ở trạng thái ngừng thờ, ngừng tim.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Bệnh viện Bạch Mai thông báo áp dụng thành công kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy cứu sống người bệnh hôn mê sau ngừng tuần hoàn. Đây là kỹ thuật lần đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Bạch Mai cũng như tại Việt Nam. Áp dụng thành công kỹ thuật mới đã mở ra cơ hội cho người bệnh sau ngừng tim.

Theo BS Nguyễn Hữu Quân, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh là Nguyễn Thị Xuyên, 82 tuổi, ở TP Yên Bái, được chuyển đến Khoa cấp cứu A9 vào lúc 20 giờ ngày 24/4 trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim. Các bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai đã nhanh chóng tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn cho người bệnh. Sau khi cấp cứu, mặc dù phục hồi nhịp tim và huyết áp (HA) nhưng vẫn hôn mê sâu do thương tổn não sau ngừng tuần hoàn.

Áp dụng thành công kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy cứu sống người chết lâm sàng

Áp dụng thành công kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy cứu sống người chết lâm sàng. Ảnh: S. T

Các bác sĩ đã chỉ định áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt để bảo vệ não cho người bệnh. Kết quả sau liệu trình 24 giờ hạ thân nhiệt, huyết áp của bệnh nhân đã ổn định hơn, có nhịp tự thở. Đến ngày thứ 3, bệnh nhân đã mở mắt, há miệng theo lệnh và đến nay, tình trạng sức khỏe đã ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, phục hồi vận động.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Quân, về mặt lý thuyết, việc ngừng tim trên ba phút mà không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Với những bệnh nhân bị ngừng tim, dù cấp cứu ngừng tim thành công, tim đập trở lại, phục hồi được mạch huyết áp thì tỷ lệ sống sót cũng chỉ dưới 10% (ngay cả những nước có hệ thống y tế hiện đại). Tại Việt Nam, tỷ lệ cứu sống bệnh nhân ngừng tim ngoài cộng đồng thấp hơn rất nhiều (cơ hôi cứu sống có thể chỉ từ 1-2%).

Nguyên nhân bởi vì trong khi ngừng tim, não không có máu nuôi dưỡng bị tổn thương nặng nề. Các phản ứng có hại do thiếu máu não gây ra tiếp tục gây hủy hoại tế bào não mặc dù đã phục hồi được máu lên não. Hậu quả là não sẽ bị phù nề, viêm, và hoại tử dẫn tới chết não và tử vong.

Thông thường với các bệnh nhân ngừng tim, đã được cấp cứu thành công nhưng vẫn không tỉnh, các bác sĩ sẽ tiến hành hạ nhiệt độ cơ thể bệnh nhân. Các biện pháp trước đây như chườm đá, truyền nước lạnh... được áp dụng nhưng không kiểm soát được nhiệt độ một cách chính xác nên hiệu quả rất hạn chế.

Với việc áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy, các bác sĩ sẽ đưa một ống thông chuyên biệt vào mạch máu của bệnh nhân và từ đó tiến hành hạ thân nhiệt điều trị xuống khoảng 33 độ C. Sau đó máu sẽ duy trì ở nhiệt độ này trong vòng 24 giờ để giúp cho các tế bào não hồi phục.

các bác sĩ sẽ đưa một ống thông chuyên biệt vào mạch máu của bệnh nhân và từ đó tiến hành hạ thân nhiệt điều trị xuống khoảng 33 độ C

Các bác sĩ tiến hành hạ thân nhiệt điều trị xuống khoảng 33 độ C để cấp cứu bệnh nhân ngừng thở, ngừng tim

Đối với các bệnh nhân được cứu sống sau ngừng tuần hoàn thường để lại di chứng tổn thương não rất nặng nề. Mức độ nhẹ là mất trí nhớ, liệt nửa người, co giật, động kinh. Mức độ nặng là liệt toàn thân, nằm tại chỗ, hôn mê (sống thực vật). Hậu quả sẽ làm tăng gánh nặng chăm sóc, chi phí lên gia đình và xã hội. Điều này vẫn xảy ra, mặc dù các bệnh nhân này đã được cấp cứu kịp thời đúng cách bằng các biện pháp tích cực như cấp cứu ngừng tim, thở máy, cung cấp oxy, dinh dưỡng.

"Thời gian vàng cho người bệnh để tiến hành kỹ thuật hạ thân nhiệt là trước sáu giờ. Nếu bệnh nhân đưa vào cấp cứu sau sáu tiếng thì hiệu quả sẽ không như mong muốn", Bác sĩ Quân chia sẻ.

Còn theo TS Nguyễn Văn Chi, Phó khoa Cấp cứu BV Bạch Mai, cho biết từ đầu tháng 5, BV đã áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt cho trên 10 bệnh nhân. “Nhờ kỹ thuật này, các bệnh nhân ngừng tim sẽ có nhiều cơ hội sống hơn, khả năng phục hồi ý thức và vận động tốt hơn. Đây là một hướng điều trị nhiều triển vọng có thể áp dụng cho nhiều bệnh nhân rơi vào tình huống nguy hiểm liên quan đến thương tổn não cấp” - ông Chi nói.

Được biết, ngừng thở, ngừng tim (còn gọi là ngừng tuần hoàn) là hậu quả của nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau, như (ngạt và thiếu oxy ở trẻ sơ sinh, chấn thương sọ não đụng giập lan tỏa, đột quỵ thiếu máu lớn, xuất huyết não, nhồi máu cơ tim, suy hô hấp…). Tình huống nguy hiểm này có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi như đang làm việc trên cánh đồng, đang tập thể dục buổi sáng hoặc đang làm việc ở công sở, ở sân vận động, trong bệnh viện… Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới tử vong. 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang