Cựu Thủ tướng Phần Lan: Cần nắm bắt công nghệ, đầu tư cho đổi mới sáng tạo

author 10:49 19/09/2017

(VietQ.vn) - Trong buổi thuyết trình tại Bộ KH&CN, Cựu Thủ tướng Phần Lan Esko Aho cho rằng cần nắm bắt công nghệ của tương lai và có chiến lược đầu tư cho đổi mới sáng tạo.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Trong khuôn khổ hoạt động đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ hoạch định chính sách của Việt Nam về quản trị đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thông qua Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan, giai đoạn II (IPP2) đã mời ông Esko Aho - cựu Thủ tướng Phần Lan - đến thuyết trình tại Bộ KH&CN vào ngày 18/9/2017 để chia sẻ kinh nghiệm của Phần Lan trong phát triển kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo.

Phát biểu khai mạc buổi thuyết trình, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh lại câu nói mà chính ông đã từng phát biểu tại buổi thuyết trình của GS Goran Roos tại, tháng 8 vừa qua: “Để bắt kịp với những yêu cầu đổi mới của đất nước trong bối cảnh mới, chính chúng ta – các nhà quản lý và hoạch định chính sách KH&CN, đổi mới sáng tạo cần thay đổi trước”.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại sự kiện

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết: “Trong các diễn đàn kinh tế gần đây, khái niệm nền kinh tế tri thức đang dần được thay đổi bằng khái niệm nền kinh tế đổi mới sáng tạo. Hướng đến một nền kinh tế mà vai trò dẫn dắt dựa trên đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với Việt Nam, mô hình tăng trưởng dựa trên lao động giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên đã không còn thích hợp, nguồn vốn trí tuệ trở thành đầu vào quan trọng trong hoạt động sản xuất và kinh doanh. Đầu tư khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược trong tăng trưởng kinh tế bền vững bên cạnh hai trụ cột là thể chế và hạ tầng đã được Đảng, Chính phủ và Quốc hội quan tâm tập trung chỉ đạo”.

Trong điều kiện một nước phát triển với nguồn lực có hạn, quy mô và tiềm lực của nền kinh tế còn thấp nhưng Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kích lệ so với các quốc gia thu nhập trung bình về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo và một số lĩnh vực nghiên cứu KH&CN có thế mạnh. Năm 2017, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam đã tăng 12 bậc, xếp thứ 47/127 quốc gia và nền kinh tế, vươn lên thứ nhất trong số 27 nước có thu nhập trung bình thấp. Trong nghiên cứu cơ bản, Việt Nam đạt thứ hạng cao trong khu vực Asean trên một số lĩnh vực như Toán học, Vật lý. Các nhà khoa học kỹ thuật của Việt Nam cũng đã làm chủ, thiết kế và thi công các nhà máy thủy điện lớn, công trình ngầm, nhà cao tầng, cầu dây văng, đường cao tốc đạt tiêu chuẩn quốc tế; Chế tạo thành công thiết bị cơ khí thủy công, nâng hạ siêu trường siêu trọng, tạo các giống cây trồng năng suất cao và đặc biệt đạt nhiều thành tựu tiên tiến trong lĩnh vực y dược như ghép đa tạng, sản xuất văcxin. Tuy nhiên, nếu so sánh với Phần Lan, chúng ta còn khoảng cách rất xa, và có lẽ xa hàng thập kỷ phát triển, cần rất nhiều nỗ lực, quyết tâm để thu hẹp khoảng cách.

Trong những năm gần đây, Phần Lan luôn ở top 10 quốc gia hàng đầu thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) và chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI). Các chỉ số về hiệu quả của các tổ chức công, hệ thống giáo dục đại học, mức độ đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, công bố và trích dẫn quốc tế, hợp tác công- tư của Phần Lan cũng luôn đứng ở top đầu thế giới. Bài học thành công của Phần Lan trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững dựa trên nhân tố đổi mới sáng tạo rất đáng để các quốc gia đi sau như Việt Nam tham khảo, học hỏi kinh nghiệm.

Nguyên Thủ tướng Phần Lan – Ngài Esko Aho tại buổi thuyết trình

Tại buổi thuyết trình, cựu Thủ tướng Phần Lan Esko Aho đã chia sẻ về kinh nghiệm của Phần Lan trong phát triển kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo.

Nhiều góc nhìn mới về đổi mới sáng tạo được cựu thủ tướng đưa ra, có thể kể đến biến khó khăn thành cơ hội phát triển. Cựu Thủ tướng cho rằng 4 nước gồm Phần Lan, Na Uy, Singapore và Thụy Điển trong những năm gần đây có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới với các chỉ số PISA (“Programme for International Student Assessment – Chương trình đánh giá học sinh quốc tế” do Hiệp hội các nước phát triển (OECD) khởi xướng) thuộc top đầu về giáo dục và đổi mới sáng tạo.

Các quốc gia này nổi lên như một hiện tượng mới của thế giới và đều có đặc điểm chung là đi lên từ con số 0. Từ khủng hoảng - không có tài sản, ít về nguồn lực nhưng họ lại rất thành công. Tuy nhiên, có một mẫu số chung cho sự thành công của họ đó là ý thức về ý thức về phát triển giáo dục với những chính sách như miễn học phí, chú trọng đến đổi mới sáng tạo, đặc biệt là phát triển KH&CN...

Tuy nhiên, theo nguyên Thủ tướng Esko Aho để đổi mới sáng tạo mang lại kết quả, cần thay đổi khái niệm về năng lực trí thức, nắm bắt công nghệ của tương lai và có chiến lược đầu tư cho đổi mới sáng tạo. Năng lực tri thức của một quốc gia sẽ thể hiện ở việc quản lý được sự thay đổi. Muốn vậy, cần có các chuyên gia giỏi có thể thích ứng và làm chủ công nghệ mới của thế giới. Bên cạnh đó, cần có chiến lược đầu tư cho đổi mới sáng tạo. Chính phủ cần hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ và thúc đẩy sự cạnh tranh của các doanh nghiệp.

CTV

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang