Đã đến lúc cần xem lại toàn diện chất lượng xuất khẩu

author 16:49 09/08/2017

(VietQ.vn) - Theo ông Nguyễn Phú Hoà, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, đã đến lúc cần xem lại toàn diện chất lượng xuất khẩu bởi làn sóng xuất khẩu lần thứ 1 đã đạt đến ngưỡng phát triển

Tại Diễn đàn xuất khẩu được tổ chức ngày 8/8, ông Nguyễn Phú Hoà, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhận định nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp (DN) trong nước tiếp tục đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khá, cụ thể đạt 32,2%, tăng 14,6% so với cùng kỳ. Đặc biệt, xuất khẩu vào các nước có hiệp định thương mại tự do ngày càng tăng cao cho thấy các DN Việt đã tận dụng tốt cơ hội do các hiệp định này mang lại. Tuy nhiên hoạt động xuất khẩu nói riêng, và nền kinh tế nói chung đã bộc lộ nhiều điểm nghẽn, cần thay đổi để phát triển.

Theo ông Nguyễn Phú Hoà, kinh tế toàn cầu đã chứng kiến những diễn biến khó lường. Trước sự kiện Brexit, để bảo vệ sự đoàn kết, châu Âu chắc chắn sẽ đẩy mạnh đặt ra các hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu để bảo hộ thị trường, bảo hộ đầu tư ở các nước có trình độ phát triển chưa tương đồng.

Ở bờ bên kia của Đại Tây Dương, Tổng thống Mỹ Trump đã thẳng thừng bác bỏ TPP và nêu quan điểm rõ rệt về bảo hộ thị trường, sản xuất trong nước. Nước Mỹ với thế mạnh của mình sẽ đặt ra các rào cản kỹ thuật mà ví dụ mới nhất như đạo luật Farm Bill.

Trung Quốc đang tái cơ cấu, tập trung vào thị trường nội địa và có những chiến lược hết sức mạnh mẽ để cạnh tranh với Nhật, Hàn Quốc và cả với Mỹ trong lĩnh vực chất lượng và năng suất.

Trong khi đó, nước Nhật đang lặng lẽ trở thành quốc gia mà ở đó robot từng bước làm việc bên cạnh con người và năng lực sản xuất của Nhật sắp tới sẽ gia tăng theo cấp số nhân. Hàn Quốc đi vào năng lực thiết kế, sáng tạo, định ra xu hướng và tạo dựng thế lực dẫn đầu ở nhiều chuỗi sản xuất.

Đồng thời, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động hết sức mạnh mẽ, làm thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất, quản trị xã hội, dịch vụ, thương mại… làm cho chiến lược phát triển của các nước dựa vào thu hút đầu tư nước ngoài và lợi thế lao động giá rẻ có nguy cơ phá sản.

Theo phân tích của chuyên gia, Việt Nam cần có những biện pháp thích hợp để nâng cao chất lượng xuất khẩu. Ảnh: Tạp chí Tài chính

Theo ông Hòa, những diễn biến trên đặt ra những khoảng cách lớn và những rủi ro khó tránh khỏi cho DN Việt Nam. Đã đến lúc cần xem lại toàn diện chất lượng xuất khẩu bởi hiện nay, làn sóng xuất khẩu lần thứ 1 đã đạt đến ngưỡng phát triển. Bên cạnh đó, các chuyên gia Nhật Bản cũng cho rằng Việt Nam cần có những sản phẩm khác biệt, có chất lượng chứ không thể cạnh tranh bằng sản lượng mới có thể mang về giá trị cao.

Ông Yuichiro Shiotani- Tổng giám đốc Topvalu Japan- cho rằng, tự động hóa đang là xu hướng của thời đại ở khắp nơi trên thế giới. Các DN muốn khẳng định vị trí, muốn bán được sản phẩm thì phải tạo ra sự khác biệt trong sản phẩm. Phải cho người tiêu dùng thấy những đổi mới, sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng…

Đây đang là điểm yếu của đa phần DN Việt Nam, bởi lẽ trong số 600 triệu USD mà Nhật Bản đang phải bỏ ra để nhập khẩu các sản phẩm may mặc, hàng tiêu dùng… thì Việt Nam mới chỉ chiếm con số ít ỏi là 28 triệu USD với 50 nhà cung cấp (trong khi đó Trung Quốc đang chiếm tới 400 triệu USD và 430 nhà cung cấp).

Các chuyên gia cho rằng từ những đòi hỏi từ thực tế, Việt Nam cần một cuộc kiến tạo làn sóng xuất khẩu lần 2 thị trường thế giới để thay đổi năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đi vào giá trị gia tăng, nâng tầm thương hiệu, hình ảnh quốc gia. 

Phong Lâm

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang