Trong đó, nổi bật nhất là CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC). Kết thúc 9 tháng, Vingroup ghi nhận mức tăng trưởng cao khi doanh thu thuần hợp nhất 9 tháng đạt 21.524 tỉ đồng, tăng 86%; lợi nhuận sau thuế từ hoạt động kinh doanh chính đạt 3.427 tỉ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ năm 2013. 

Tính riêng trong quý III, hoạt động kinh doanh của tất cả các thương hiệu Vinhomes, Vincom Retail, Vinpearl, Vinmec đều đóng góp mạnh vào mức tăng trưởng doanh thu chung của tập đoàn. Doanh thu chuyển nhượng bất động sản chủ yếu được ghi nhận từ việc tiếp tục bàn giao các căn hộ tại hai dự án Times City và Royal City với tổng giá trị là 6.144 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 80% tổng doanh thu quý. Doanh thu cho thuê TTTM/Văn phòng đạt 536 tỉ đồng, tăng 46%; doanh thu kinh doanh khách sạn, du lịch và vui chơi giải trí đạt 581 tỉ đồng, tăng 22%; doanh thu cung cấp dịch vụ bệnh viện đạt 187 tỉ đồng, tăng 119% so với cùng kỳ năm 2013.

Bên cạnh đó, cũng có những công ty có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tốt như CII, LHG, KDH, PDR. Lợi nhuận sau thuế trong quý III của CII đạt 77 tỉ đồng, tăng 8%, trong khi lợi nhuận lũy kế 9 tháng đạt 221 tỉ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2013. KDH có kết quả kinh doanh khởi sắc đột biến khi ghi nhận mức lợi nhuận ròng hơn 30 tỉ đồng trong quý III, trái ngược hoàn toàn với mức lỗ 91 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái. 

LHG cũng tương tự khi có mức doanh thu tăng trưởng 1,73 lần trong quý vừa qua, đồng thời chuyển từ trạng thái lỗ 11 tỉ đồng trong quý III/2013 sang mức lãi 14,4 tỉ đồng trong năm nay. PDR là một trường hợp khác có doanh thu và lợi nhuận cải thiện vượt bậc khi đạt 52 tỉ đồng doanh thu trong quý vừa qua, gấp 4,6 lần doanh thu cùng kỳ và đạt 7,7 tỉ đồng lợi nhuận, gấp 11 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Duy Phương - chuyên viên phân tích cao cấp của CTCK VCSC - nhận định vẫn có một số lý do để kỳ vọng nhóm ngành này có thể tạo sóng trên TTCK trong các tháng cuối năm. Cụ thể, diễn biến giao dịch từ đầu năm đến nay, chỉ số ngành bất động sản mới chỉ tăng khoảng 11%, đứng thứ 10 về mức tăng của chỉ số ngành. So với Vn-Index (tăng hơn 22% kể từ đầu năm) thì mức tăng của ngành bất động sản chưa bằng một nửa thị trường chung. Tuy nhiên, sự phục hồi của thị trường bất động sản đang giúp KQKD của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này dần có sự khởi sắc. Thị trường cũng đã bắt đầu có sự phân hóa dòng tiền đầu tư vào nhóm CP bất động sản. 

Theo đó, lợi thế đang đứng về phía những doanh nghiệp có quỹ đất rẻ, ít sử dụng vốn vay, sản phẩm nằm trong phân khúc bình dân và hàng tồn kho sẵn có như: CTCP Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCI), CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (TDH), TCty CP Đầu tư phát triển xây dựng (DIG), CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG), CTCP Đầu tư phát triển đô thị Sông Đà (SJS).

Một lợi thế nữa là các chính sách vĩ mô đang được ban hành theo hướng thuận lợi cho thị trường bất động sản như mặt bằng lãi suất cho vay giảm xuống, điều kiện vay mua nhà được nới lỏng, tín dụng cho bất động sản được các ngân hàng đẩy mạnh. Đặc biệt, chính sách cho người nước ngoài được sở hữu nhà ở Việt Nam đang được Quốc hội thảo luận. Nếu sớm được thông qua trong kỳ họp lần này, đây sẽ là một cú hích đối với phân khúc trung và cao cấp (vốn đang có tỉ lệ tồn kho cao) trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, quý IV thường là quý cao điểm về ghi nhận doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản. Nhiều công ty thường có những khoản “của để dành” cho quý cuối năm, do vậy khả năng đột biến trong kết quả kinh doanh của một vài doanh nghiệp mang tính chọn lọc trong nhóm ngành này là có. Đây sẽ là yếu tố hấp dẫn để dòng tiền quay vòng, tìm đến những mã bất động sản tiềm năng trong quý IV.

Theo Lao động