Da mất màu vì mỹ phẩm tẩy nám

author 07:36 15/07/2013

Việc hãng mỹ phẩm Kanebo Nhật Bản thu hồi 54 loại sản phẩm làm trắng da từ khắp châu Á sau khi có các khiếu nại chúng gây ra triệu chứng da mất màu, và triệu chứng này không hết ngay cả khi ngưng sử dụng là lời cảnh báo mới nhất cho thảm họa tẩy nám, trắng da ở nhiều chị em.

Mù mờ thành phần

Cơ quan Khoa học sức khỏe Singapore vừa tịch thu hai loại mỹ phẩm (MP) có chứa chất thủy ngân. Cả hai loại MP đều không liệt kê các thành phần hóa chất trên bao bì hay trong tờ hướng dẫn sử dụng kèm theo.

Theo TS-BS Văn Thế Trung, Bộ môn Da liễu, ĐH Y Dược TP.HCM, hydroquinone là hoạt chất đã bị cấm dùng tại châu Âu vì được cảnh báo là có khả năng gây ung thư; tại Mỹ hiện cho dùng nhưng phải dưới sự kê toa của bác sĩ. Tuy nhiên ở VN, các dòng làm trắng sáng hay đặc trị những da bị nám, đốm nâu, sạm màu có chứa hydroquinone hiện vẫn được rao bán rất nhiều trên mạng và tại các đại lý MP, mỹ viện, spa. Hàng được nhập khẩu chính thức và “xách tay”. Điển hình là Obagi, được nhiều phụ nữ xem như “thần dược” trị nám. Thành phần của sản phẩm này có chứa hoạt chất hydroquinone 4%. Bên cạnh đó, còn có hàng loạt những sản phẩm khác cũng chứa thành phần hydroquinone: sản phẩm điều trị nám Neova Complex HQ Plus (hydroquinone 4%); sản phẩm làm trắng da Lightening Serum GloProfessional (hydroquinone 2%); bộ sản phẩm Sakura Whitening có chứa hydroquinone và một loạt các axit mang tính tẩy nhưng không ghi rõ hàm lượng…

Mặt khác, nhiều loại MP làm trắng hay trị nám của các thương hiệu nổi tiếng đều có chứa các chất gốc axit có tính lột tẩy A.H.A, PHA song đều không cho biết hàm lượng có trong sản phẩm, trong khi các loại MP này đều rất đắt tiền.

 

Mỹ phẩm “ba không”

Nhiều loại MP có giá vài chục nghìn đồng/sản phẩm cũng được nhiều chị em chọn dùng. Tại chợ sỉ Kim Biên (Q.5, TP.HCM) không thiếu chủng loại MP nào: kem dưỡng da, phấn trang điểm, son môi, kẻ mắt, giấy đắp mặt, sữa tẩy da… với hàng trăm nhãn hiệu. Đặc điểm chung của những sản phẩm này là hàng “ba không”: không hạn sử dụng, không số công bố chất lượng, không nhãn phụ tiếng Việt.

Đưa chúng tôi xem sản phẩm trên nhãn ghi chữ “Apricot Scrub” 50ml, người bán ở chợ An Đông (Q.5) chào hàng là sữa tẩy trắng da nhập khẩu từ Mỹ, giá bán 110.000đ/chai 50ml. Trong khi đó, qua sạp khác, chúng tôi lại được giới thiệu là sữa tẩy trang, hàng Pháp, giá 150.000đ/chai (!?). Đáng nói, ở chợ Kim Biên, sản phẩm này giá sỉ bán ra chỉ 15.000đ/chai. Nhiều người biết rõ MP giá rẻ như vậy chắc chắn không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn mua dùng. Nhiều tiểu thương chợ Tân Bình (Q.Tân Bình) cho biết, các cơ sở làm đẹp vẫn thường lấy các sản phẩm tẩy tế bào chết, sữa tắm trắng, kem trộn về dùng cho khách. Một bộ làm trắng da hiệu Elracle giá chỉ 70.000đ, người bán giới thiệu là hàng Thái, gồm ba lọ dung dịch và một gói cát để pha trộn với nhau bôi lên da theo hai bước tắm trắng, tắm dưỡng và khẳng định là “sữa tắm trắng đặc biệt không ăn nắng”. Trên nhãn sản phẩm họ cũng chẳng cần thông tin, hướng dẫn sử dụng, hạn dùng…

Làm đẹp hay hủy hoại nhan sắc?

ThS-BS Lê Thái Vân Thanh, Bộ môn Da liễu, ĐH Y Dược TP.HCM cảnh báo: hydroquinone giúp tẩy nám, làm trắng nhanh, nhưng do có khả năng làm mất hắc tố da vĩnh viễn (hủy luôn tế bào tạo hắc tố ) nên nếu dùng quá độ sẽ bị tai biến, gây nên bệnh da xám nâu (Ochronosis). Đây là bệnh do lắng đọng sắc tố xanh đen, không hồi phục được. Kết quả vùng da thoa thuốc sẽ bị xám, xanh, đen.

Một chất khác cũng có nhiều trong MP làm trắng là corticoid (thường có trong các loại kem tự chế, các loại MP rẻ tiền) sẽ gây nên tình trạng da xuất hiện nám nhiều hơn, lỗ chân lông to hơn, da mỏng đi, xuất hiện nhiều gân máu xanh dưới da, nổi mụn trứng cá…

Thủy ngân trong các sản phẩm làm trắng da có thể gây phát ban, kích ứng da và sưng tấy da. Do có thể hấp thu qua da nên việc tiếp xúc lâu dài với hàm lượng thủy ngân cao có thể gây ảnh hưởng đến thận và hệ thần kinh.

Khi mua MP, người tiêu dùng cần thận trọng và nên tìm hiểu thông tin từ bác sĩ nếu dùng MP có chứa chất hydroquinone hoặc các chất có gốc axit.

Công nghệ tắm trắng da: Nhiều nguy hại

 

BS Nguyễn Hữu Sáu, Bệnh viện (BV) Da liễu Trung ương khẳng định: công nghệ tắm trắng hiện nay tại các cơ sở thẩm mỹ hoàn toàn không hiệu quả như quảng cáo. Các phương pháp được áp dụng tại các cơ sở này chỉ có tác dụng tại chỗ làm co mạch tức thì gây hiệu ứng trắng da nhanh, nhưng cũng chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, lại có hại cho cơ thể.

Thanh tra Sở Y tế Hà Nội vừa tiến hành kiểm tra những cơ sở có quảng cáo tắm trắng, kết quả cho thấy những hóa chất sử dụng tắm trắng đều không có nguồn gốc xuất xứ. Bản chất của các loại kem tẩy trắng da, kem lột da đều chứa những loại hóa chất tẩy. Những chất tẩy này khi được thoa lên da sẽ làm bong tróc lớp biểu bì, để lại phần da non.

“Tùy từng loại sản phẩm sẽ có liều lượng chất tẩy trắng khác nhau, sản phẩm làm trắng da càng “siêu tốc” bao nhiêu càng nguy hiểm bấy nhiêu vì chứa rất nhiều chất tẩy độc hại, làm bào mòn sâu hơn vào những lớp da non, làm vàng lông, biến đổi sắc tố da, thậm chí gây ung thư da” - BS Sáu khuyến cáo.

BS Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng khoa Lazer và phẫu thuật thẩm mỹ, BV Da liễu Trung ương cho rằng, thường những sản phẩm dùng tắm trắng tại các cơ sở thẩm mỹ chỉ ghi sử dụng các Đông dược như bột ngọc trai, sữa non, nhau thai cừu… mà không thấy ghi những hóa chất như axit nhẹ. Vì vậy, cụ thể hóa chất dùng trong tắm trắng là gì không được xác định chính xác. Điều nguy hiểm chính là không biết hóa chất pha trộn làm trắng là gì nên cũng không biết nồng độ để cảnh báo khi sử dụng nhằm tránh tổn hại trên da. Bất cứ sản phẩm mỹ phẩm nào cũng có những hóa chất gây kích ứng da như mẩn đỏ, rộp da khi dùng quá hàm lượng.

"Màu sắc da là do quy định bởi gen. Mọi người không nên quá tin vào sự thần kỳ của công nghệ làm trắng da hiện nay” - BS Sơn nói.

Trúc Khuê

Theo PNO

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang