Trầm trồ với đồng đá nổi có một không hai ở An Giang

author 16:12 31/03/2015

(VietQ.vn) - An Giang từng xuất hiện đồng đá nổi kỳ lạ. Đá nổi ở đây nghĩa là cục đá nằm nổi trên mặt đất, có chỗ đá nổi chất đống lại như cái gò. Nhiều cục nằm dưới lớp đất có màu sắc xanh, trắng, đen nhưng đưa chúng lên mặt đất thì thời gian sau biến thành đá màu trắng.

Ở An Giang từng có một cánh đồng gọi là đồng đá nổi hay cánh đồng vàng. Những hòn đá với đủ kiểu loại, màu sắc, kích cỡ nằm nổi trên cánh đồng hoang vu chạy dài cả chục ngàn công đất.

Bây giờ, cánh đồng đá nổi có tên mới là khu đá nổi nằm ở ấp Phú Tây (xã Phú Thuận, H.Thoại Sơn). Dù nằm ở đồng không mông quạnh nhưng con đường đất dẫn ra cánh đồng lúa luôn ồn ào tiếng xe gắn máy của những du khách tìm đến tham quan, cầu tự.

Dưới lớp đất đá của cánh đồng từng là kho vàng được dân bòn vàng rầm rộ kéo đến mong tìm sự giàu sang. Ông Văng Công Trạc (45 tuổi, dân cố cựu ngụ ấp Phú Tây) sống bằng nghề làm nông kể: “Kỳ lạ lắm, H.Thoại Sơn rất lớn nhưng không hiểu vì sao chỉ khu vực này là xuất hiện đá nổi”.

Ông Trạc giải thích, nhiều người nghe tưởng đá nổi là đá nổi lên mặt nước nhưng đá nổi ở đây nghĩa là cục đá nằm nổi trên mặt đất, có chỗ đá nổi chất đống lại như cái gò. Có cục đá nằm rời rạc nhau, có cục hình vuông, hình tròn, hình dẹp… Nhiều cục nằm dưới lớp đất có màu sắc xanh, trắng, đen nhưng đưa chúng lên mặt đất thì thời gian sau biến thành đá màu trắng.

Những cục đá nổi còn sót lại trên cánh đồng xưa

Những cục đá nổi còn sót lại trên cánh đồng xưa

Theo ghi nhận từ Tiền Phong, dù đá nổi nằm khắp các cánh đồng nhưng không ai dám nhặt đem về bởi đã từng có những chuyện kỳ lạ xảy ra như ai phóng uế trên đá đang khỏe mạnh bỗng dưng bệnh tật. Lúc trước, ông Mười Thị cũng là dân xứ này, thấy đá đẹp quá nên cho xe trâu đến đưa vài hòn đá về nhà chưng.

Vài ngày sau, ông đang khỏe mạnh bỗng nhiên bị ốm nặng nằm liệt giường, người thân lo sợ khấn vái đem đá trả lại cánh đồng thì ông mới hết bệnh. Từ đó, dân địa phương truyền nhau nghiêm cấm trẻ em, thanh niên trong vùng không được “hỗn” với đá, không được ngồi lên đá

Do sự huyền bí nên hơn 70 năm trước, nơi đồng không mông quạnh toàn sậy này người dân đã xây cái miễu đặt tên là miễu thờ Đá Nổi. Sau đó, khu miễu được nâng cấp, mở rộng đã thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

Ông Trạc giải thích những năm gần đây người dân đào đất làm ruộng vườn, không dám đem đá đổ đi nên bà con khấn vái “chôn” vùi đá xuống đất. Do vậy, cánh đồng đá nổi chỉ còn lại cái tên, còn bao nhiêu đá và đá đang nằm ngủ vùi yên bên dưới.

Người dân thờ hòn đá nổi hình lưỡi dao

Người dân thờ hòn đá nổi hình lưỡi dao

Hiện, chỉ còn lại một ít đá, một mảnh đá lớn như lưỡi đao được gom lại đặt trong khu đất miễu thờ Đá Nổi. Đặc biệt, vào ngày 9, 10, 11 của tháng 3 âm lịch hằng năm, hàng ngàn lượt người từ các nơi đổ xô về khu này cúng bái rất đông.

Ông Trạc kể tiếp: “Khoảng năm 1982, không hiểu từ đâu người dân về đây đào vàng đông lắm. Họ đào sâu xuống dưới hơn 2 m thu được nhiều vàng ròng, các cổ vật thời xa xưa. Vụ đào vàng này kéo dài nhiều năm mới chấm dứt".

Tin tức từ Người Đưa Tin, mới đây, ở An Giang cũng xuất hiện một hòn đá có mùi thơm kỳ lạ của ông Nguyễn Duy Hải. Ông Hải chia sẻ với phóng viên nói: "Hòn đá này rất lạ, nó nặng khoảng 50 ký, nhưng có rất nhiều màu sắc, nào màu đỏ, xám tro, rồi xám nâu…“trên mình” có rất nhiều vỏ sò, vỏ ốc".

"Dù “lên bờ” nhiều năm, nhưng đến nay, hòn đá vẫn có mùi thơm lạ. Ban đầu, tôi cứ nghĩ là hòn đá bình thường, nên đem cưa, đục để tạo hình cho đẹp, vậy mà đến khi làm mới phát hiện nó rất xốp, rất dễ cưa nhỏ và có thể tán thành bột”.

Bích Phượng(T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang