Đồng Nai: Xây dựng thương hiệu cho đặc sản chôm chôm Long Khánh

author 08:16 14/06/2015

(VietQ.vn) - Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý chôm chôm Long Khánh (Đồng Nai) sẽ góp phần nâng cao giá trị, chất lượng cao hơn cho đặc sản này.

Theo tỉnh Đồng Nai, hiện tại, tổng diện tích đề xuất bảo hộ chỉ dẫn địa lý Long Khánh cho chôm chôm là trên 6.700 ha. Trong đó bao gồm: thị xã Long Khánh gần 2.500 ha, huyện Xuân Lộc trên 1.200 ha, huyện Thống Nhất gần 1.200 ha và huyện Cẩm Mỹ trên 1.000 ha. Số diện tích này sẽ là cơ sở lập hồ sơ đăng ký xác lập quyền chỉ dẫn địa lý Long Khánh cho chôm chôm nhãn và chôm chôm Java.

Theo các chuyên gia, khi xây dựng chỉ dẫn địa lý, tỉnh cũng sẽ ban hành hệ thống văn bản làm cơ sở cho hoạt động chỉ dẫn địa lý như: quy trình trồng và chăm sóc, bảo quản chôm chôm; xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, quảng bá và phát triển sản phẩm. Tiếp đến là thúc đẩy áp dụng triển khai thực tế vùng canh tác nhằm đảm bảo sản phẩm được kiểm soát và đạt tiêu chuẩn như đăng ký.

Đồng Nai: Xây dựng thương hiệu cho đặc sản chôm chôm Long Khánh

Đặc sản chôm chôm Long Khánh

Theo ông Trần Văn Khuê, đại diện văn phòng phía Nam – Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, xây dựng, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) theo hình thức chỉ dẫn địa lý “Long Khánh” cho sản phẩm chôm chôm là hết sức cần thiết, không chỉ góp phần bảo vệ danh tiếng, chất lượng và đặc tính cho sản phẩm chôm chôm mà còn giúp nông dân thừa hưởng giá trị của loại trái cây này khi phát triển theo quy mô lớn, công nghiệp; đồng thời góp phần nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực tại địa phương.

Gần đây, Sở KH&CN Đồng Nai cũng đã giới thiệu tới bà con nông dân hệ thống nhận diện thương hiệu và hệ thống nhận dạng chỉ dẫn địa lý “Long Khánh” cho sản phẩm chôm chôm. Sở KH&CN cũng đã tổ chức thu thập ý kiến của nông dân về việc thành lập Hiệp hội sản xuất và kinh doanh chôm chôm Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) và lựa chọn logo cho chỉ dẫn địa lý “Long Khánh” đối với sản phẩm chôm chôm.

Được biết, hiện có khoảng hơn 10.000 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trên thế giới, với giá trị giao dịch thương mại hàng năm ước đạt 50 tỷ USD. Riêng khu vực ASEAN đã có hơn 120 chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ.

Hồng Anh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang