Đặc sản Gia Lai: Vươn xa văn hóa đại ngàn

author 20:01 04/03/2013

(VietQ.vn) - Đến Gia Lai, ngoài việc được đắm mình trong không khí trong lành, tươi mát của những khu rừng nguyên sinh, bạn sẽ được người dân bản địa giới thiệu những món ăn vô cùng độc đáo, không xa lạ nhưng lại vô cùng riêng biệt...

Bún mắm cua Gia Lai

Bún mắm cua là món “độc” của phố núi Pleiku. Có thể người nghe qua cái tên sẽ mường tượng ra một món ăn… “tương tự” với bún riêu cua hay canh bún. Thật ra, ngoài nguyên liệu là cua đồng, thì bún mắm cua xứ núi rất khác biệt, từ hình thức đến cách chế biến, đặc biệt là cái mùi khẳm đặc trưng mà người đã thích rồi đâm ra ghiền, còn người đã không chịu được thì phải… xách dép chạy dài.

Bún mắm cua là món “độc” của phố núi Pleiku

Món bún mắm cua muốn ăn hôm nay phải làm cua từ ngày hôm trước. Cua đồng bắt về, rửa qua nhiều nước và làm cho sạch. Sau đó đâm nhuyễn cua, lọc qua rây, lấy nước, bỏ xác, thêm một ít muối, ủ kín qua một đêm. Măng tươi xào cho săn, rồi cho nước cua đã ủ vào, nấu sôi kỹ, nêm thêm mắm nêm, đường, bột ngọt vừa ăn. Vậy là đã xong! Khi ăn cho bún vào tô, chan nước bún và măng vào.

Tùy theo sở thích của mỗi người, có người khi ăn cho thêm chả, nem chua hay bóng lợn cắt nhỏ chiên giòn, bánh phồng tôm nhưng nhất định phải có trái ớt tươi và dĩa rau sống gồm: xà lách, húng thơm, ngổ, quế, giá, và bắp chuối. Nếu “chịu” được mùi, thì người ăn sẽ không bao giờ quên vị mặn mà của mắm cua, vị ngọt của măng. Món này bình dân, trước đây chỉ 1.000đồng/tô, nay đã lên 2.000 – 3.000 đồng. Mấy quán bán món bún cua ở Pleiku còn rất “điệu nghệ”, bán kèm món tráng miệng là cơm rượu để… phòng cho khách được ấm bụng sau khi thỏa tò mò về món ăn lạ này.

Phở khô Gia lai

Phở khô Gia Lai dùng thịt bò trần và nạc heo băm nhỏ. Phở ăn kèm tương và sa tế rất hợp vị. Người Gia Lai xem món phở khô như một phần không thể thiếu trong nét văn hóa ẩm thực của nơi này.

Phở khô là sự kết hợp của hai nguyên liệu: thịt heo và bò trong cùng một món ăn. Để có nước lèo trong, ngọt, người ta nấu xương heo và bò trong nồi nước lèo và phải giữ lửa liu riu khoảng 5-7 giờ để ninh xương thì nước lèo mới ngọt đậm, và phải canh hớt bọt liên tục.

Người Gia Lai xem món phở khô như một phần không thể thiếu trong nét văn hóa ẩm thực của nơi này.

Thịt của phở khô là thịt bò non hoặc thịt bê. Thịt được thái mỏng, trụng thật nhanh qua nước lèo rồi cho vào chén nước, đây là phần nước dùng của phở. Còn thịt nạc heo băm nhuyễn được cho vào tô trên mặt của bánh phở đã trụng cùng với hành phi. Rau ăn chung với phở khô là xà lách, cần và rau quế.

Tô phở khô được dọn lên, ngoài chén nước dùng, các loại rau, còn một gia vị không thể thiếu là tương xay và sa tế. Tương có vị vừa mặn nhưng vẫn có chút ngòn ngọt của đậu được lên men. Cho tương vào tô, trộn đều với bánh phở, thêm tí sa tế để thêm vị thơm, cay. Vị ngọt của miếng thịt bò non mềm cùng vị ngọt của nước dùng cứ hòa lẫn, càng làm cho món ăn trở nên hoàn thiện. Hương vị của phở khô khác hẳn với phở xào, áp chảo, còn nước dùng của nó khác với món phở Bắc truyền thống. Ở thành phố, được thưởng thức một món đặc sản của vùng Tây Nguyên cũng thú vị.

Cá chốt

Cá chốt thuộc họ cá da trơn, thịt có màu vàng óng hoặc trắng, chỉ sống ở những khe đá tại khu vực nước chảy xiết, mực nước sâu từ 7 đến 7,5 m quanh lưu vực sông Ba và sông Ayun thuộc vùng đất phía Nam tỉnh Gia Lai.

Do đặc tính thích bơi ngược dòng nên thịt cá chốt vừa chắc, vừa dai lại thơm. Đặc biệt là phần da rất dai, vị béo ngậy.

Nhiều người cho rằng đây là loài cá chình sống ở các sông suối dọc miền Trung, nhưng cũng có người lại bảo là cá tra, cá basa của vùng Tây Nguyên vì hình dáng khá giống. Đầu cũng bè, bẹt; có râu loe hoe; da trơn và đặc biệt là phần bụng cũng có mỡ vàng ươm. Chỉ có điều cá chốt nhỏ hơn, con lớn nhất cũng chỉ nặng tối đa một kg.

Vị cay ngọt, thơm của muối, cộng với thịt cá nướng béo ngậy bên cạnh ly rượu nồng khiến nhiều thực khách cho rằng mình đang được thưởng thức món ăn “tiến vua” khi xưa.

Thưởng thức món cá chốt ngon nhất là vào khoảng tháng 8, tháng 9 âm lịch. Lúc này Tây Nguyên vào mùa lũ, nước chảy xiết nên cá chốt thường bơi ngược dòng. Món canh chua cá chốt rất ngọt, người dân cho rằng không loài cá nào sánh kịp. Để ăn với cơm, người ta thường kho tộ với mắm, tiêu (tiêu hạt xanh càng tốt), ớt, hành… Món này ăn với loại gạo dẻo của đồng bào J’rai bản địa thì chẳng còn chỗ nào để chê, nhất là trong những ngày giá rét.

Thế nhưng ngon nhất phải kể đến món cá chốt nướng. Chế biến món này người ta làm sạch vây, râu, ruột… rồi bỏ lên bếp than nướng. Bếp than phải thật đỏ nhưng không được quá đượm để khỏi cháy nhanh làn da cá, phải để cá chín từ từ mới ngon. Ăn kèm với cá chốt nướng là các loại rau sống, rau gia vị, bánh tráng và đặc biệt phải có muối é (một loại muối gồm ớt hiểm còn xanh, lá é, muối hạt sống được giã chung) hoặc muối kiến cỏ (ớt hiểm xanh, muối hạt sống, con kiến vàng, hạt một loại cỏ thơm do người đồng bào tìm ra), còn không thì cần muối kiến.

Vị cay ngọt, thơm của muối, cộng với thịt cá nướng béo ngậy bên cạnh ly rượu nồng khiến nhiều thực khách cho rằng mình đang được thưởng thức món ăn “tiến vua” khi xưa.

Cà phê Pleiku

​Người dân Cao Nguyên đã thành thói quen mỗi sáng với tách cà phê đậm đặc, vừa nóng vừa thơm, vị đắng ở đầu lưỡi tan dần thành vị ngọt đắng, đó là cảm giác của người phố núi. Hoa cà phê thơm ngào ngạt sẽ níu chân du khách khi đi ngang qua những trang trại cà phê bạt ngàn ở Gia Lai.

​Thành phố trẻ Pleiku có một vị trí địa lý khá đắc địa ở cao nguyên. Người ta hay gọi là “Phố núi”, “Thành phố sương mù”, “Thành phố cao nguyên”... Từ lâu Phố núi nơi này đã neo vào lòng du khách bởi vẻ đẹp đặc trưng và bản sắc văn hóa của nó. Nhớ về Pleiku người ta còn nhớ về cà phê. Khi đến Pleiku bạn sẽ ngạc nhiên, thú vị vì ở bất cứ con phố nào cũng có quán cà phê.

Bao người đến Pleiku uống cà phê một lần là thích rồi ghiền.

Bao người đến Pleiku uống cà phê một lần là thích rồi ghiền. Dù lê la cà phê cóc dọc phố Nguyễn Du, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi… hay đến các quán cà phê sang trọng, khung cảnh nên thơ, bí ẩn, trừu tượng nơi “phố cà phê” trên đường Wừu với những: Dáng Xưa, Đùng Đình, An An, Hình Như Là… đoạn Lê Quý Đôn có Đen, Hạ Vàng, hay ngược phía ngoại ô vào Biển Hồ Xanh cảm giác đều rất thú vị. Từ nơi sang trọng đến chỗ bình dân cách phục vụ cà phê của người dân Phố núi cũng mến thương lắm. Trong tiết trời se rét, mù mù sương sớm, cùng bạn bè co ro quây tròn bên bàn cà phê nghi ngút khói, giọt giọt đen sánh chầm chậm thả đáy ly trong veo như không còn biết thời gian hối hả ngoài kia. Ngắm giọt cà phê rơi cũng là cái thú, lẩn mẩn ngộ ra những triết lý nho nhỏ về cuộc đời như sư thầy Thích Giác Tâm từng nói: “…Khi vui ta uống cà phê và ta nhận diện ra rằng không có gì hạnh phúc bằng giây phút hiện tại, ta an lạc với giây phút này, bởi ta không biết trân quý giây phút này, thì biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”.

Sớm mai rét hay đêm sương giăng, một góc quán sofa êm ấm, một hông vườn lòa xòa cây bông, ghế mây tre, đèn nâu vàng ấm áp, một ven đường bạt dù xộc xệch, bụi đỏ lấm tấm mặt bàn ghế sờn cũ, khách uống cà phê ngồi mơ màng, rôm rả, trầm ngâm, cặm cụi… với ly cà phê đen sóng sánh. Có thể ai cũng từng đi nhiều nơi, thưởng thức cà phê của nhiều vùng miền khác nhau nhưng cái vị và hương đậm đà, ngầy ngậy và say của cà phê Phố núi cao nguyên, Phố núi sương giăng, Phố có em Pleiku “má đỏ môi hồng”, với thông, dốc cùng không gian bàn bạt gió, ngờm ngợp nắng mùa khô, lất phất, rả rích, xối xả mùa mưa… thì vẫn ghi dấu ấn trong lòng mỗi ai một lần tới nơi này.

Canh cua lá bép

Ngoài những loại thủy sản thiên nhiên có nhiều ở các khe lạch sông suối trên khắp rừng núi dọc theo miền Trung và Tây Nguyên như cá, lươn, ốc, ếch... dùng làm thực phẩm nuôi người, tăng thêm hương vị cho những bữa cơm đạm bạc thì con cua ở đây là món đặc sản của đồng bào khi nấu với những loại rau rừng tuyệt hảo, đó là món ăn có một không hai trên đất nước ta.

Trong những năm kháng chiến gian lao, khu năm, khu sáu là hai chiến khu vất vả, hy sinh nhiều nhất, ở đó khi nguồn lương thực bị cạn kiệt, hạn hán mất mùa, đường tiếp vận bị kẻ thù đánh phá ác liệt, đồng bào các vùng giải phóng như Đam Rông, Phi-sơ-Ron, Kor ở Trà Bồng... phải ăn củ mài, củ sắn, bắp chuối, măng rừng... thì lá bép lại là vị cứu tinh của những bữa ăn đạm bạc khô khốc này. Lá bép đã đi vào thi ca, đã sóng đôi cùng con người trên nhiều sân khấu lớn của cả nước, người Chill, Ê-đê, Kor... gọi nó là lá thịt gà, lá bột ngọt, bởi lẽ chẳng cần gia vị gì ngoài muối và nước, người ta có thể nấu nồi canh rau bép thơm phức ngon lành.

Canh cua lá bép thơm phức mặn mòi không gì sánh nổi...

Thêm một quà tặng của thiên nhiên dành cho đồng bào nghèo khó nơi đây nữa là con cá sứt mũi, nó cũng là một món ăn đặc hữu huyền diệu. Người ta bắt loại cá này thật đơn giản với một sợi dây rừng mảnh cột gút một đầu còn đầu kia cột vào một que gì cũng được, không nhất thiết phải là cần trúc... rồi cứ thế ngồi câu bình thường, đây là cách câu cá đơn giản nhưng hiệu quả nhất thế giới, không mồi không lưỡi... Với nguồn nước trong, người câu chỉ chờ con cá táp vào nút gút là giật... và con cá tạp ăn này bị văng lên bờ... Loài cá này nhỏ và dài cỡ ngón tay út, thân trong veo như cá bống, xương mảnh và mềm như cá cơm... kho tiêu thì nhất, nhưng ở rừng tiêu và mắm cũng là đặc sản quý hiếm nên đồng bào thường quẳng vào nồi canh lá bép là thượng sách. Ngoài con cá này thì tri âm của món canh lá bép phải là loài cua đá có nhiều ở khắp rừng núi Tây Nguyên.

Con cua đá ở đây cũng lắm tên gọi, nhưng chỉ cần ra dấu và chỉ tay xuống suối thì ai cũng hiểu... Nhiều hôm trời đang oi bức thì mưa rừng về đột ngột, nước sông suối dâng nhanh vội vã, bầy cua đá phải bỏ hang mà chạy ngơ ngác lên bờ đỏ đỏ đen đen lúc nhúc...

Có nhiều cách chế biến, nhưng nhanh nhất thì cũng chỉ tới món nướng trần giằm mắm é thơm tho hay chấm muối ớt cay nồng, còn chậm hơn một chút thì đem chúng ta giã dập lóng nước bỏ vỏ nấu sôi... rồi độn thêm lá bép hay măng rừng vào... thì ta sẽ có một món canh đặc sản có một không hai của núi rừng. Canh cua lá bép thơm phức mặn mòi không gì sánh nổi...

Ngọc Anh (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang