Đặc sản Tết bán online: Mua theo niềm tin, hại sức khỏe?

author 15:39 09/02/2018

(VietQ.vn) - Phần lớn các mặt hàng đặc sản Tết bán online đều được mua bán theo niềm tin, bởi các sản phẩm hầu hết không có tem dán, nhãn mác.

Người dân ầm ầm mua đặc sản Tết không nhãn mác

Vừa nhận từ shipper 3kg thịt lợn gác bếp của một người bán hàng trên group mua bán đồ quê nổi tiếng trên Facebook, chị Ngô Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Sản phẩm không có tem hay nhãn mác gì cả, chỉ là đồ nhà làm. Tôi biết là các sản phẩm handmade này, về quy trình sản xuất hầu như đều không theo quy định nào, không có nhãn mác đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, nhưng thấy nhiều người đặt mua quá vì được khen ngon, bà chủ khéo tay nên tôi cũng đặt mua”.

Chị Ngô Hà cho biết, chị thường xuyên ‘săn” đồ thực phẩm trên mạng, và phần nhiều là đặt mua của những bà nội trợ có uy tín, hoàn toàn là đồ nhà làm.

“Để so với thực phẩm trong siêu thị, thì các sản phẩm này có lợi thế là không phải hàng công nghiệp, không chất bảo quản, giá lại rẻ hơn do cạnh tranh trực tiếp. Đó là lý do tôi thích đặt mua thực phẩm chế biến online kiểu này hơn, thay vì mua hàng trong cửa hàng, siêu thị. Hơn nữa lại tiện lợi, thích ăn gì chỉ việc nhắn tin chờ ship đến là xong”

dac-san-tet-ban-online-mua-theo-niem-tin-hai-suc-khoe

 Thực phẩm tự làm được bán nhiều trên mạng. Ảnh minh họa: Facebook

Cũng là một khách “ruột” của group chuyên mua bán, chia sẻ đồ ăn trên mạng, chị Khánh Hồng (Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: “Bọn trẻ nhà tôi thích ăn xúc xích, lạp sườn, đôi khi mẹ lại thích kim chi cải thảo, thịt chưng mắm tép, bánh chưng, rồi cả chân gà rút xương chua ngọt nữa… Tất tần tật tôi đều đặt mua trên mạng, ở những topic được nhiều người comment và bình luận, được các bà nội trợ khen ngon”.

Khi được hỏi chị có ngại sản phẩm hầu hết đều không có nhãn mác xuất xứ, không có quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm, chị Hồng cho hay: “Tôi đơn giản chỉ thấy ngon thì thích mua, chứ cũng không quá quan tâm đến vấn đề này lắm. Thêm nữa, do các chị em bán hàng cũng cần uy tín, giữ khách, nên tôi tin họ cũng làm sạch và đảm bảo cho mình thôi. Với lại bấy lâu nay tôi vẫn mua ăn, thấy vừa ngon miệng lại không có vấn đề gì về sức khỏe cả

Trao đổi với PV, chị Thu Hà, một người chuyên bán thực phẩm chế biến trên Facebook cho biết: “Đồ tôi làm luôn đảm bảo vì toàn làm cho người quen, cũng là cho mình ăn luôn nếu muốn. Tôi thường chọn sản phẩm tươi, sạch, chế biến theo khả năng của mình, được mọi người khen ngon nên hàng bán cũng khá chạy”.

Chị Hà cũng thừa nhận: “Tất nhiên, về quy trình để đảm bảo theo quy định thì cá nhân tôi không thể làm được. Sản phẩm của tôi cũng không có nhãn mác gì, nhưng về cơ bản, mọi người mua vì niềm tin vào lương tâm của người bán, nên tôi cũng cố gắng không phụ lòng mọi người”.

Nhận biết sản phẩm sạch bằng tem, nhãn mác và QR

Nhằm giúp khách hàng phân biệt sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng, Chính phủ đã ban hành Nghi định số 43/2017/NĐ-CP quy định về nhãn hàng hóa, trong đó áp dụng với đối tượng hàng hóa là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng. 

dac-san-tet-ban-online-mua-theo-niem-tin-hai-suc-khoe

 Một sản phẩm bưởi Việt được dán tem truy xuất nguồn gốc. Ảnh: VTV

Tem nhãn mác có tác dụng là cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng thực phẩm trên thị trường. Dựa vào đó người tiêu dùng cần phải lựa chọn cho mình những thực phẩm tươi sạch, đảm bảo sức khỏe đồng thời khẳng định được thương hiệu của doanh nghiệp.

Theo đó, nội dung trên tem nhãn mác thực phẩm cần đảm bảo những yếu tố như ghi rõ đối tượng sử dụng, thành phần dinh dưỡng, cách bảo quản sản phẩm, ngày sản xuất và hạn sử dụng, tên địa chỉ nhà sản xuất và tiêu chuẩn cấp phép của nhà nước.

Ngoài ra, việc sử dụng mã QR để kiểm tra thông tin về sản phẩm, hàng hóa cũng đã được đưa vào áp dụng rộng rãi trong đời sống, nhằm giúp các khách hàng nắm rõ về sản phẩm mình mua.

Đơn cử, khi vào siêu thị, bạn nhìn thấy một sản phẩm như bưởi Đoan Hùng có dán tem truy xuất QR, bạn chỉ cần quét mã QR là có thể biết được bưởi trồng ở nhà vườn nào, địa chỉ ở đâu và những chứng nhận chất lượng đã đạt được.

Theo tìm hiểu của PV, các sản phẩm thực phẩm tươi sống cũng như chế biến sẵn tại các siêu thị lớn hầu hết đã được dán mã QR cũng như phải đảm bảo tem, nhãn mác theo quy định.

Tuy nhiên, thực tế là dù đã có tất thảy những quy định rõ ràng nêu trên, thì việc người dân sẵn sàng bỏ tiền ra mua đồ không nhãn mác trên mạng vẫn diễn ra thường xuyên.

“Tôi vẫn chưa nắm rõ được việc quét mã QR, cũng không biết các sản phẩm nào quét mã QR, nên tôi vẫn mua theo thói quen, mua của người quen, vừa ngon, vừa nhanh, lại tiền, đôi khi lại rẻ hơn”, chị Khánh Hồng chia sẻ.

Cũng giống như chị Khánh Hồng, chị Thúy Anh (Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho biết: “Tất nhiên tôi biết khá rõ rằng các thực phẩm chế biến sẵn trên mạng đều không có tem dán hay nhãn mác gì, nguồn gốc xuất xứ cũng không rõ ràng. Tuy nhiên, vì đều là chỗ quen biết cả nên tôi không ngần ngại gì. Với lại, hàng siêu thị không ngon bằng các chị đảm đang có tiếng, nên cũng không hấp dẫn lắm. So với hàng được giới thiệu là đặc sản gốc thì hàng siêu thị có vẻ kém hấp dẫn hơn vì “mang tiếng” là sản xuất theo công nghiệp”.

Chị em đổ xô mua hoa tuyết mai trắng xinh giá 400 nghìn đồng/bó chơi Tết(VietQ.vn) - Hoa tuyết mai với những bông hoa nhỏ xinh trắng ngần có giá khoảng 400 nghìn đồng/bó 6-7 cành đang được chị em săn lùng.

Tuy nhiên, chị Thúy Anh cũng chia sẻ: “Không có tiêu chuẩn, định lượng, lại không đảm bảo an toàn thực phẩm, tôi nghĩ một hai lần thì không sao, nếu dùng về lâu về dài thì sức khỏe bị ảnh hưởng thế nào cũng không biết chừng. Chắc tôi sẽ phải suy nghĩ lại về thói quen mua sắm của mình”.

“Tôi cũng nghĩ, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền rộng rãi hơn nữa các tác hại của việc mua bán theo niềm tin, nhằm ngăn chặn sự len lỏi sâu rộng của các sản phẩm thiếu đảm bảo an toàn. Chứ hiện tại, việc này vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ”, chị Hồng nói thêm.

Lâm Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang