Đặc sản Trà Vinh- Đậm chất Tây Nam Bộ

author 07:18 12/03/2013

(VietQ.vn) - Trà Vinh không những chỉ nổi tiếng với những thắng cảnh như ao Bà Om, bãi tắm Ba Động, các ngôi chùa Khơ-me cổ kính: chùa Hang, chùa Dơi, chùa Cò… mà còn là một vùng đất với nhiều món ăn ngon...

 Cháo ám

Cháo ám thực ra là cháo cá lóc (cá quả) ở đâu cũng có, nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến cháo ám Trà Vinh. Từ những năm 1930 xứ Trà Vinh đã được nhiều người biết đến với món cháo ám của bà Năm Biết. Ngày nay, đến Trà Vinh, du khách có thể tìm thấy các quán, hàng cháo ám ở trong chợ Châu Thành, ngon không thua kém cháo ám bà Năm Biết khi xưa.

 

Muốn nấu cháo ám phải tốn khá nhiều công sức. Đầu tiên là chọn mua con cá lóc thật tươi và to, mập, cắt thành từng khứa rồi đem luộc. Khi chín, gỡ thịt thành từng miếng vừa ăn rồi xào với hành mỡ. Nước luộc cá được cho gạo vào để nấu cháo. Bỏ thêm vào nồi cháo củ hành khô nướng, tôm khô, mực khô nướng. Trứng cá lóc được đánh nhuyễn rồi mới đổ vào nồi cháo như vậy nồi cháo mới có màu vàng óng ánh nổi trên mặt nồi.

Khi ăn, cho thịt cá đã xào xuống dưới rồi múc cháo nóng vào tô. Cháo được ăn với các gia vị gồm mắm nêm ngon đã được pha dịu, tương hột đâm nhỏ, ớt bỏ hột bằm nhuyễn, xào sền sệt với tỏi làm tương ớt, tiêu xay, dậu phộng rang giã nhỏ. Tất cả các gia vị trên được nêm vào tô cháo tùy theo khẩu vị của từng người. Cuối cùng là bỏ lên đỉnh tô cháo các loại rau sống xắt nhuyễn, hành ngò, giá trụng và bánh tráng mè nướng giòn bóp vụn.

Chỉ cần nhìn và ngủi hương thơm tỏa ra từ tô cháo đã thấy hấp dẫn và muốn ăn. Quả thực hương vị thật hấp dẫn, không thể tả được. Nếu có dịp đến Trà Vinh, hãy thử món cháo đặc biệt này và cảm nhận hương vị khó tả của nó bạn nhé!

Bánh tét Trà Cuôn

Làng nghề bánh tét Trà Cuôn (chợ Trà Cuôn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang) nằm trên tuyến Quốc lộ 53, cách trung tâm thị xã Trà Vinh khoảng 12 km

 

Để làm được đòn bánh tét ngon, người làm phải trải qua nhiều công đoạn. Từ khâu đầu đem nếp đi vo (khoảng 6-7 nước), để cho ráo nước, sau đó trộn đều với nước lá rau ngót (loại rau ngót dùng nấu canh) để tạo màu tươi và có mùi thơm. Thịt nạc, mỡ heo, lòng đỏ trứng vịt muối và đậu xanh là những nguyên liệu chính làm nhưn bánh tét. Nếp dẻo, thơm, ngon, gia vị độc đáo, người gói khéo tay và có “bí quyết” đã làm nên nét đặc trưng của bánh tét Trà Cuôn.

Bánh tét Trà Cuôn ngoài hương vị độc đáo còn có thể bảo quản được lâu (7-8 ngày). Nhiều kiều bào về quê ăn Tết còn mang bánh tét Trà Cuôn sang tận trời "Tây" để kiều bào xa quê thưởng thức hương vị độc đáo của quê nhà.

Bún nước lèo

Nói đến bún nước lèo thì Sóc Trăng, Trà Vinh (hai tỉnh có 70% đồng bào Khmer toàn khu vực) là hai nơi nấu ngon nhất vùng.

 

Nguyên liệu nấu, cách nấu, cách trình bày cũng rất khác, tuyệt ngon và độc đáo, không thể nào lầm lẫn được. Mùa mưa gió, bà mẹ Khmer thương chồng con vất vả liền trổ tài nấu bún nước lèo. Đơn giản thôi: Đun nồi nước nhỏ, bỏ mắm prô hốc vào nấu lửa liu riu cho thịt mắm rã trơ xương, lược bỏ xương là có “mắm cốt”.

Bắc nồi nước lớn (vừa đủ chan bún cho cả nhà ăn), chờ sôi, thả vào vài con cá lóc nấu chín vớt ra, rỉa thịt, bỏ vào cối đâm (giã) nhuyễn. Nêm từ từ “mắm cốt” vào nồi nước luộc cá, nhỏ lửa, hớt sạch bọt cho trong nước rồi mới cho thịt cá đã đâm nhuyễn vào cho “tan” trong nước, nêm nếm lại vừa miệng là có nồi nước lèo chính gốc ngọt lịm hương vị mắm và cá đồng.

Khi ăn, xé tơi từng lọn bún cho vào tô lớn, rau sống (giá, bông chuối bào, hẹ, rau thơm) đặt lên trên rồi múc nước lèo rưới lên, thêm muỗng ớt bằm. Ai muốn thêm rau, nước mắm trong, “mắm cốt”, ớt, chanh… tùy thích. Vừa ăn vừa hít hà vì nóng, vì cay. Ngoài kia gió mưa… mặc trời đất.

Bây giờ về Trà Vinh, ngay thị xã trung tâm tỉnh lỵ, chúng ta vẫn gặp những người mẹ, người chị Khmer với gánh bún nước lèo. Vẫn là thứ bún nước lèo mang hồn dân tộc Khmer Trà Vinh: nước lèo rưới bún, rau sống… không “bài trí” thêm con tép, miếng cá lóc, lát thịt quay 1.000đ/tô.

Trái quách

Ai lần đầu mới nghe tên trái quách chắc cũng không khỏi tò mò. Tò mò cũng đúng thôi vì loại cây này khá hiếm, không phải vùng nào cũng có. Quách Trà Vinh nổi tiếng là ngon nhất

Người dân ở đây rất tự hào về loại trái cây này không chỉ ở vị thanh ngọt, mát lành mà dường như với họ, hơn nửa thế kỷ qua, trái quách có mặt và trở thành một đặc sản độc đáo, góp phần làm phong phú hơn danh sách trái cây nơi miệt vườn Trà Vinh.

 

Hiện nay, cây quách chỉ trồng rải rác trong các phum sóc của người Khmer. Người dân Trà Vinh ưa trái quách mang về trồng, mỗi nhà chỉ vài cây quanh hè lấy bóng mát vá trái. Khách du lịch ngang qua Cầu Kè dễ dàng nhận diện cây quách đứng xen cùng các loại cây ăn trái bởi loại cây nầy thân to, tán rộng, được trồng thành hàng, đặc biệt những trái quách treo lủng lẳng trông như quả bóng nhựa, có nhiều hột nhỏ li ti trên thân màu xám.

Gần giống như trái dừa đã già, không cần nhọc công trèo lên thân cao hái, trái quách khi chín tự rụng xuống đất. Thịt trái quách được bao bọc bởi lớp vỏ cứng nên không dễ gì vỡ ra. Hằng năm cây cho cả trăm quả. Chủ vườn cứ ra gốc cây tha hồ mà nhặt lấy.

Quách mới rụng xuống (vừa chín tới) tuy đã thơm phưng phức nhưng thường người ta để dăm ba bữa, khi quách đã chín mùi, vỏ mềm mới dùng dao xẻ đôi trái, lấy muỗng múc hết ruột quách cho vào ly, thêm đường đánh tan đều, cho đá đã đập nhỏ vào. Đơn giản thế mà lại có được một ly nước thanh mát giải nhiệt. Những ai lần đầu thưởng thức, sẽ khó chịu đôi chút vì chưa quen mùi thơm, vị lạ đặc trưng của quách nhưng uống rồi đến ly thứ hai, thứ ba thì thèm ngay.

Người sành quách không thể bỏ qua món rượu quách. Ở Trà Vinh, những ai trồng quách bao giờ trong nhà cũng có một thẩu rượu quách. Khi có khách quý hoặc người thân đến thăm thế nào cũng mang ra lai rai vài câu chuyện. Rượu quách không những thơm ngon, người uống nếu theo giờ giấc, liều lượng nhất định thì rượu không những là đặc sản mà còn là vị thuốc bổ, giúp con người ta cường gân cốt, bổ thận, nhuận tràng, dễ tiêu…

Thường người ta dùng rượu gạo hoặc nếp để ngâm. Có nhiều cách pha chế rượu quách. Chọn những quả chín tròn trịa, mặt ngoài không có vết xước hay thủng sâu. Dùng ruột quách ngâm hòa cùng với rượu, hoặc bổ quả quách ra làm những miếng vừa cho vào chum rượu, cũng có thể dùng dao khoét vài lổ trên trái quách rồi để nguyện trái ngâm với rượu. Dù cách nào đi nữa khi thành phẩm rượu phải trong, còn nguyên mùi thơm của quách mới đạt.

Rời xa vùng đất Trà Vinh, có lẽ trong mỗi chúng tôi không chỉ nhớ đến bánh tét Trà Cuốn, bánh canh Bến Có, bún nước lèo,... mà còn nhớ hoài cái hương vị thơm nồng của trái quách nơi đây.

Dừa sáp

Đến Trà Vinh mà không thưởng thức dừa sáp thì đúng là phí cả chuyến khám phá Tây Nam Bộ...

 

Dừa sáp rất dày cùi, ngoài lớp cơm dừa giống như dừa bình thường, dừa còn có một lớp "sáp" chính là lớp cơm dừa dày ra "hút" lấy nước dừa tạo thành sáp xôm xốp, deo dẻo. Có những quả dừa sáp khi bổ ra lớp cơm trắng ngần lan hết quả dừa, chỉ còn sót lại một ít nước sền sệt y như quả dừa xiêm người ta làm thạch.

Dừa sáp ăn ngon nhất phải nạo ra làm sinh tố. Phải thêm ít đường, ít sữa, ít đá bào vào thì thôi rồi, nó tuyệt ngon. Theo nhiều du khách đã "kinh" qua thì khi hút hết ngụm đầu tiên của món sinh tố dừa sáp này đầu lưỡi tê đi vì vị mát, cuống họng thì ngọt lịm, còn mũi thì như... nức ra bởi mùi thơm ngào ngạt, beo béo.

Tại Trà Vinh, bạn bắt gặp rất nhiều hàng bán dừa sáp ở Cầu Kè, họ treo lủng lẳng những trái dừa để làm hiệu. Khi mua bạn nhớ quan sát qua hình dáng như miêu tả bên trên. Tuy nhiên, để chắc chắn, bạn nên nói chủ quán bổ luôn cho bạn, nếu bên trong ruột dày, phần sáp xốp lên như bánh kem, phần cùi còn ngậm nước thì sền sệt như món thạch thì đúng là dừa sáp chính hiệu.

Ngọc Anh (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang