Đại án ngân hàng Agribank: Các bị cáo khai khoản giải ngân 15 triệu USD

authorLan Ninh 07:21 21/12/2016

(VietQ.vn) - Tại phiên xét xử ngày thứ 3 vụ đại án Agribank, HĐXX tập trung hỏi các bị cáo về khoản tiền 15 triệu USD cho Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam vay.

Tin tức đăng tải trên Tri thức trực tuyến, trong ngày xét xử thứ 3, nhiều bị cáo nguyên là cán bộ chủ chốt của ngân hàng Agribank chi nhánh Nam Hà Nội cho rằng bản thân làm trái quy định do có sự chỉ đạo của cấp trên - Phạm Thị Bích Lương.

Bị cáo Trương Thị Út (49 tuổi, cựu Trưởng ban Tín dụng doanh nghiệp Agribank chi nhánh Nam Hà Nội) khai lúc đầu không đồng ý việc giải ngân 15 triệu USD cho công ty liên doanh Lifepro Việt Nam vay để mua 6 thương hiệu. Khi nhận được điện thoại của cấp trên từ nước ngoài về: "Chị cứ giải ngân đi, em chịu trách nhiệm", Út đã làm theo lời của Lương.

Đại án ngân hàng Agribank: Các bị cáo khai khoản giải ngân 15 triệu USD

Bị cáo Lương tại tòa. Ảnh: Tri thức trực tuyến 

Trước lời khai của người từng là cấp dưới của mình, bị cáo Lương đã phủ nhận. Cựu giám đốc Agribank chi nhánh Nam Hà Nội nói không chỉ đạo cấp dưới chuyển 15 triệu USD trên ra ngân hàng nước ngoài khi chưa có lệnh chuyển gốc.

Khai trước tòa, bị cáo Nguyễn Thị Nguyệt Thanh (36 tuổi, cựu Trưởng phòng Thanh toán quốc tế, Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội) cũng khẳng định bản thân đã chuyển tiền theo yêu cầu của Lương. Theo trình bày của nữ bị cáo 36 tuổi, khi nhận thấy sai sót, chị ta đã làm tờ trình mang sang phòng tín dụng, phản đối việc chuyển 15 triệu USD ra nước ngoài nhưng không được ai giải thích.

Thanh nói, khi cầm tờ trình sang gặp Lương đã nhận được chỉ đạo tiếp tục thực hiện lệnh chuyển tiền trái với quy định của ngân hàng.

Cũng trong phiên xét hỏi hôm nay, nhiều bị cáo thừa nhận bản thân có sai sót trong việc ký vào báo cáo dự án khả thi được làm từ một báo cáo không có thật để nâng quyền phán quyết cho vay của Agribank chi nhánh Nam Hà Nội đối với Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam.

Phạm Thanh Tân (61 tuổi, cựu Tổng giám đốc Agribank) cho rằng về trình tự mình đã làm đầy đủ. Ông Tân nhận thấy bản thân có một phần trách nhiệm khi được cơ quan chức năng cho biết báo cáo dự án khả thi không có thật.

Trong khi đó, bị cáo Phạm Thị Bích Lương vẫn khẳng định mình làm đúng. Lương khẳng định tất cả các hồ sơ đúng với thực tế dự án. "Bị cáo có xuống thực tế xem dự án. Đó là dự án kế thừa dự án đã có sẵn", cựu giám đốc Agribank, chi nhánh Nam Hà Nội nói.

Với lời khẳng định của bị cáo Lương, HĐXX chất vấn: "Nãy Lê Minh Hiếu (42 tuổi, cựu giám đốc Công ty cổ phần Vietmad và Công ty cổ phần Lifepro Việt Nam) khai công ty làm ăn thua lỗ, không có lãi. Vậy, bị cáo dựa vào cái gì nói lời khai của mình là đúng"?.

Lúc này, nữ bị cáo lí nhí: "Thời điểm đó bị cáo không biết vì trình đến ngân hàng là có lãi”. 

Cảnh sát cơ động, 113 được quyền xử lý vi phạm giao thông trong trường hợp nào?(VietQ.vn) - Trong những trường hợp nào thì Cảnh sát cơ động, 113 có thẩm quyền xử lý vi phạm giao thông?

Theo bản án sơ thẩm đăng tải trên báo Pháp Luật TP HCM, Công ty cổ phần Enzo Việt (sau này đổi thành Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam) do các thương nhân người nước ngoài làm chủ đã thông đồng với Công ty cổ phần Lifepro Việt Nam, Công ty cổ phần Vietmade (do Lê Minh Hiếu làm chủ tịch HĐQT) dựng lên nhiều thương vụ làm ăn khống để vay tiền của Agribank Nam Hà Nội (từ năm 2007- 2011) với tổng cộng 50 triệu USD…

Do sự thiếu trách nhiệm của các cán bộ ngân hàng và hải quan trong vụ án này, Agribank bị thiệt hại số tiền rất lớn, hơn 2.400 tỷ đồng. Các bị can người nước ngoài có trách nhiệm bồi thường, tuy nhiên do họ đã bỏ trốn nên các bị cáo có trách nhiệm liên đới trả.

Mộc Lan (T/h)

 



Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang