Đại án nghìn tỷ tại Đắk Nông: VDB đã quản lý như thế nào?

author 11:13 13/03/2014

(VietQ.vn) - Hàng nghìn tỷ đồng đã ra khỏi ngân hàng với mục đích là cho vay các hợp đồng tín dụng xuất khẩu nhưng thực tế DN không hề kinh doanh, xuất khẩu mà dùng để đảo nợ và chi tiêu cho những mục đích khác. Điều này khiến người ta không thể không đặt câu hỏi Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã quản lý các nghiệp vụ, quy trình, quy định, kiểm tra, kiểm soát ra sao để dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như vậy. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, người đang tham gia tranh tụng tại phiên tòa.

Thưa ông, đại án tham nhũng tại Đắc Nông không khỏi khiến người ta cảm giác là tiền đi ra khỏi ngân hàng quá dễ dàng. Có thực thế không?

Đại án này liên quan đến 3 ngân hàng, VDB, Nam Á và Phương Đông (OCB). Đối với VDB, thì hàng trăm tỷ đồng đã bị chiếm đoạt, dường như là hậu quả tất yếu của việc trong suốt nhiều năm, Chi nhánh VDB Đắk Lắk - Đăk Nông cho vay sai mục đích, đảo nợ, cộng với sự lơ là kiểm soát trước, trong và sau cho vay. Bên cạnh đó là việc không sát sao của Hội sở chính đối với Chi nhánh trong việc phân giao hạn mức cho vay, giải ngân và giám sát thực thi chính sách ưu đãi tín dụng xuất khẩu. Đối với Nam Á và OCB bị tội phạm chiếm đoạt tiền dễ dàng bởi việc đã cả tin đặt toàn bộ rủi ro tín dụng vào việc xác nhận hỗ trợ tài sản bảo đảm của VDB. Các bị cáo phạm tội lừa đảo đã lợi dụng lòng tin của ngân hàng này vào uy tín của ngân hàng kia để chiếm đoạt tiền.

Ông có thể phân tích rõ hơn những tồn tại trong quản lý, giám sát của VDB với các chi nhánh được thể hiện ra sao qua trường hợp Đăk Nông – Đắk Lắk,?

Nếu chỉ nói là “có vấn đề” có lẽ vẫn còn là nhẹ. Hồ sơ vụ án thể hiện nhiều điều hơn so với diễn biến, tình tiết được nêu tại phiên tòa

Chẳng hạn VDB đã giao thẩm quyền hạn mức cho vay quá lớn cho Giám đốc Chi nhánh Đăk Lăk, Đăk Nông. Ban đầu bị cáo Vũ Việt Hùng được giao hạn mức tối đa 10 tỷ đồng cho một hợp đồng, sau đó được nâng lên gấp đôi 20 tỷ đồng nhưng lại không hề quy định mức tối đa cho vay đối với một khách hàng.

Chính vì quy định như vậy nên bị cáo Hùng tha hồ chia nhỏ hợp đồng để cho vay một khách hàng nhiều khoản lên đến cả nghìn tỷ đồng trót lọt mà Hội sở chính VDB không kiểm soát được.

LS Hải tại phiên tòa

Trong khi các ngân hàng khác đều giới hạn mức tối đa cho vay một DN để hạn chế rủi ro, thậm chí nhiều ngân hàng chỉ cho Giám đốc chi nhánh mức phán quyết vài trăm triệu đồng. Còn nếu chỉ giới hạn theo luật, thì với mức vốn điều lệ VDB là 10.000 tỷ đồng, thì Giám đốc Chi nhánh VDB có quyền cho vay mỗi khách hàng lên đến 1.500 tỷ đồng. Chính vì VDB trao thẩm quyền cho vay quá lớn mà không có công cụ kiểm soát hữu hiệu nên hậu quả rủi ro đã phát sinh.

Báo cáo Thường niên năm 2009 của VDB cho thấy khi đó Ngân hàng này có 56 đơn vị cho vay, tổng dư nợ cho vay tín dụng xuất khẩu là 14.467 tỷ đồng. Vậy mà riêng Chi nhánh VDB Đăk Lăk, Đăk Nông đã cho vay lên đến 1.580 tỷ đồng, chiếm trên 1/10 tổng dư nợ của toàn Hệ thống VDB. Cho đến tháng 12/2010, sau khi đã giảm hạn mức cho vay đối với Chi nhánh VDB Đăk Lăk, Đăk Nông xuống còn 1.046.tỷ đồng thì Chi nhánh này vẫn xếp thứ 4 trong tổng số 56 Đơn vị cho vay có hạn mức cho vay tín dụng xuất khẩu lớn nhất.

Giao cho Chi nhánh VDB Đăk Lăk, Đăk Nông thẩm quyền cho vay nhưng lại “quên” giới hạn cùng với tổng hạn mức cho vay cao chót vót, đòi hỏi phải có sự sự kiểm soát vô cùng chặt chẽ, gắt gao thì mới hạn chế được rủi ro.

Nhưng giai đoạn đó, VDB hẳn là phải có kiểm tra chứ?

Có, nhưng trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2010, Hồ sơ vụ án chỉ cho thấy duy nhất một biên bản kiểm tra ngày 30-7-2010 của Hội sở chính kiểm tra nghiệp vụ tín dụng xuất khẩu tại Chi nhánh này. Biên bản đã ghi nhận hồ sơ vay vốn của các doanh nghiệp trong vụ án này thiếu báo cáo tài chính làm cơ sở thẩm định năng lực tài chính; tờ trình duyệt vay chưa chuẩn xác, không hợp lý; nhiều tờ trình duyệt vay không chỉnh sửa, bổ sung cập nhật thông tin khách hàng; các hợp đồng đều không có thời điểm giao hàng cụ thể; khách hàng không bảo đảm nguồn vốn tự có tham gia phương án kinh doanh;… nhưng vẫn được duyệt vay.

Các sai phạm đều được nêu tương đối rõ. Từ trước, trong và sau giải ngân đều có sai phạm và đều là nghiêm trọng, cộng thêm thực trạng nợ quá hạn của các khách hàng đã rõ ràng.

Điều đó cho thấy VDB không đủ sâu sát đối với việc quản lý rủi ro tín dụng cho vay xuất khẩu tại Chi nhánh VDB Đăk Lăk, Đăk Nông. Vì vậy, hậu quả rủi ro tín dụng xảy ra gần như là một sự tất yếu.

Vậy theo ông, VDB và cả những ngân hàng khác cần làm gì để ngăn ngừa rủi ro tương tự trên hệ thống?

Người ta nói rằng vay tiền của ngân hàng là rất khó, nhưng lừa tiền của ngân hàng thì rất dễ. Sở dĩ như vậy, bởi ngân hàng luôn là hầu bao giữ tiền bạc của nền kinh tế, đòi hỏi việc cho vay phải rất an toàn, chặt chẽ, nhưng cũng là đích nhắm tới của nhiều loại tội phạm.

Để ngăn ngừa hậu quả mất vốn, thì các ngân hàng cần chú trọng kiểm soát chặt chẽ mục đích, phương án vay vốn. Tuy nhiên, chiến lược phòng chống rủi ro phải là quản trị toàn diện về rủi ro tín dụng. Điều này đòi hỏi hệ thống định chế, công cụ nghiệp vụ cũng như hợp đồng, mẫu biểu cần được trang bị, cập nhật thường xuyên các vấn đề rủi ro pháp lý. Việc khai phá nhận thức, ý thức trách nhiệm pháp lý, nhận thức rủi ro, hậu quả đối với cán bộ cần được ngân hàng chú trọng thực sự bằng tăng cường các nội dung đào tạo pháp lý thường xuyên. Và thực tế, thượng tôn pháp luật vẫn chính là yêu cầu căn bản nhất đối với hoạt động quản trị, điều hành ngân hàng để bảo đảm sự an toàn.

Hải Yến

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang