Đại biểu Đương: “Đằng sau các dự án lớn là bóng dáng quan lớn”

author 15:06 24/03/2016

(VietQ.vn) - Đại biểu Đỗ Văn Đương nhấn mạnh điều này tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội sáng 24/3.

“Nếu đúng như báo cáo nêu thì hồng phúc cho dân quá!”

Báo Sài Gòn giải phóng dẫn lời Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) băn khoăn, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài tuy vẫn nằm trong giới hạn nhưng con số tuyệt đối là rất đáng ngại. Nợ nước ngoài đã trên 80 tỷ USD, rất lớn. Về các giải pháp trong thời gian tới, phải đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và biến đổi khí hậu gay gắt.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM).

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM).

Thứ nhất về hoàn thiện thể chế, chúng ta đang tập trung cho kinh tế thị trường mà thiếu đi vấn đề thể chế về mặt an dân, theo đó phải lo vấn đề an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông (còn đáng sợ hơn khủng bố), chống buôn lậu, hàng giả..

Thứ hai, tái cơ cấu nông nghiệp phải hiệu quả trong bối cảnh gia nhập TPP, biến đổi khí hậu.

Thứ ba, về đầu tư phải quản lý chặt chẽ về đầu tư ODA, đầu tư công để giảm nợ công, kiềm chế nợ nước ngoài. Về đầu tư, muốn thu hút được vốn dân doanh, phải làm mạnh cải cách hành chính, tái cấu trúc thị trường tài chính, môi trường đầu tư minh bạch.

Đại biểu Đỗ Văn Đương

Đại biểu Đỗ Văn Đương

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) thẳng thắn, thành tựu mà báo cáo nêu nếu đúng thì như có ý kiến ĐBQH nói “thế thì hồng phúc cho dân quá”. Nhưng thực sự, dân đang lo nợ nước ngoài (khoảng 80 tỷ USD); bội chi cao, chi thường xuyên tới 4.000 tỷ đồng/năm;  tốn 3 tỷ USD bia rượu/năm…

Về bài toán tinh giản biên chế hiện nay, Đại biểu Đương nêu quan điểm, để giảm bớt số cán bộ trung gian cần thể chế hóa một số chức danh, hạn chế số cán bộ trung gian, làm phong trào; coi trọng thực sự những người có chuyên môn với mức lương cao. Cùng với đó chống tham nhũng hiệu quả, cần dám đánh giá đằng sau các dự án lớn là bóng dáng các quan lớn có cổ phần, kể cả những dự án đình chùa miếu mạo. Cần tiến hành xã hội hóa một số lĩnh vực, những gì dân làm được thì nhà nước không làm được để hạn chế số lượng cán bộ công chức. Thời gian tới cần coi trọng chống tội phạm tham nhũng, học kinh nghiệm chống tham nhũng của Trung Quốc.

Về phát triển kinh tế, Đại biểu Đương nhấn mạnh, nếu không có tầm nhìn dài hạn với vựa lúa ĐBSCL thì nguy cơ mất là điều hoàn toàn có thể bởi khu vực này đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; các nước xây đập ở đầu nguồn gây cạn kiệt nguồn nước...  Phải tính toán các giải pháp đối với khu vực này một cách dài hạn, không thể chỉ là tình thế như hiện nay. “Đất đai hiện này quá lãng phí, rất nhiều dự án để hoang hóa, lãng phí kéo dài, cần kiên quyết thu hồi những dự án theo kiểu lấy đất rồi để đó”, Đại biểu Đương chỉ ra.

Tram thu phí BOT mọc lên như nấm

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) bày tỏ sự không bằng lòng trước tình trạng trạm thu phí BOT mọc lên như “nấm sau mưa”.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ

Theo ông Vẻ, có những đoạn đường dài chưa đầy 100km nhưng lại có đến 4 trạm thu phí, khiến cho chi phí đi lại của người dân và doanh nghiệp tăng cao. Trong đó có nhiều đoạn đường trạm thu phí BOT mọc lên bằng cách rất đơn giản là “rải thảm lên tuyến đường cũ”.

“Tôi đề nghị chỉ làm BOT trên những đoạn đường, tuyến đường mới 100%. Còn những tuyến đường cũ thì muốn cải tạo, nâng cấp nhà nước sẽ bỏ tiền ra làm và miễn phí. Chứ chỗ nào cũng để BOT làm hết thì người dân không đủ sức để gánh phí”, ông Vẻ bức xúc nói.

Cũng trong phiên thảo luận, vấn đề chủ quyền đất nước cũng được nhiều Đại biểu ý kiến.

Đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) cho rằng sau những biến động về tình hình chủ quyền đất nước trong thời gian qua, cần phải nói rõ nguy cơ bị xâm phạm chủ quyền sẽ ảnh hưởng thế nào đến đất nước trong 5 năm tới.

Tờ Tuổi trẻ dẫn lời bà Dung, đề nghị: “Chúng ta không dự báo được thì làm sao có chiến lược phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển. Tôi đọc báo cáo thấy dự báo rất mờ nhạt. Cần phải xem việc xâm phạm chủ quyền là một nguy cơ nguy hiểm, bên cạnh các nguy cơ khác về thiên tai, biến đổi khí hậu như đã nêu”.

Theo bà Dung, chỉ khi dự báo được cụ thể, thì mới có sự chủ động trong việc ứng xử trong đường lối đối ngoại, điều hành chỉ đạo đất nước một cách bền vững.

Hoàng Nguyên (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang