Tìm kiếm máy bay MH370: Đại dương thách thức

author 15:09 12/04/2014

Hãy hình dung bạn đang đứng trên đỉnh núi cố gắng tìm ra chiếc vali dưới mặt đất. Và tưởng tượng tiếp mình làm việc đó trong đêm đen.

Sự kiện:

Theo hãng tin Mỹ CNN, về cơ bản, đó chính là những gì các đội tìm kiếm quốc tế đang thực hiện để lần ra dấu vết chiếc máy bay Malaysia mang số hiệu MH370 chở 239 người từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh mất tích sớm ngày 8/3.

Hôm nay (11/4), chiến dịch tìm kiếm đã bước sang ngày thứ 35. Các nhà chức trách tin rằng chiếc Boeing 777 đã rơi xuống nam Ấn Độ Dương.

Tàu Ocean Shield của Australia đang tìm kiếm MH370 ở Ấn Độ Dương.

Gửi gắm hy vọng vào những tín hiệu mới dò được và tin rằng chúng xuất phát từ các hộp ghi dữ liệu của máy bay, lực lượng tìm kiếm hiện đang thu hẹp trọng tâm vào khu vực rộng 58.000 km2 - gấp khoảng 45 lần diện tích bang Los Angeles.

Tuy nhiên, thách thức thực sự là độ sâu của vùng tìm kiếm.

Những tín hiệu nhịp xuất hiện hôm 5/4 và tái xuất hiện ngày 8/4 đến từ lòng đại dương sâu 15.000 feet (4,5km) tính từ mặt nước. Ngày 10/4, các nhà chức trách cho biết, các phao sonar có thể đã dò được tín hiệu khác.

Độ sâu 4,5km? Mức này tính ra còn dài hơn chiều cao của tượng Nữ thần Tự do (Mỹ), hơn cả Tháp Eiffel, thậm chí là tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa. Nếu nhân độ cao của tòa nhà này lên 5 lần thì mới đạt mức 14.000 feet, vẫn chưa bằng khoảng cách cần đạt tới nơi mà các đội tìm kiếm tin là phát ra tín hiệu "ping".

Ở độ sâu đó, đời sống thủy sinh không giống như những gì mà phần lớn chúng ta biết tới.

"Càng xuống sâu hơn thì bạn càng tìm thấy ít hơn", chuyên gia sinh vật biển Paula Carlson bình luận. "Bạn sẽ phải rất can đảm, chúng thậm chí còn không có mắt. Chúng có thể mù, bởi vì chúng không cần nhìn. Không hề có ánh sáng dưới đó".

Áp suất ở độ sâu 4,5km cũng rất lớn - đến mức rất ít tàu ngầm có người lái chịu đựng được.

"Chỉ có khoảng vài tàu ngầm có thể lặn khoảng nửa độ sâu đại dương, và chỉ một số nước có khả năng đó", nhà hải dương học Sylvia Earle làm việc cho National Geographic mô tả.

Chỉ một vài người từng lặn xuống độ sâu khủng khiếp như vậy. Một trong số họ là đạo diễn điện ảnh lừng danh James Cameron. Ông từng sử dụng một tàu tối tân và lặn sâu 35.000 feet, tương đương 7 dặm (11km), tới điểm sâu nhất trên trái đất - Challenger Deep ở Thái Bình Dương. 

Các thợ lặn Australia đang tham gia tìm kiếm MH370.

Việc tìm kiếm máy bay MH370 hiện đang được tiến hành gấp rút và gặp nhiều khó khăn. Nhưng kể cả tìm được thì việc đưa nó lên từ độ sâu đó thậm chí còn phức tạp hơn nhiều.

Khi tàu Titanic đâm vào băng và chìm dưới lòng Đại Tây Dương, người ta phải mất 70 năm mới tìm ra xác tàu. Nó nằm im lìm 12.500 feet (3,6km) dưới mặt nước, và vẫn ở đó cho đến tận ngày nay.

Khi chiếc máy bay số hiệu Flight 447 của Air France chở 228 người lao xuống nam Đại Tây Dương trong một trận bão năm 2009, địa điểm chính xác của xác máy bay vẫn là một bí mật cho tới tận gần 2 năm sau.

Khi đó, máy bay và những người chết được tìm thấy nằm trên một dãy núi sâu gần 4km dưới đáy biển. Các tàu lặn nhỏ đã tìm thấy hộp đen của chuyến bay và rốt cục 154 xác người cũng được vớt lên trong khi 74 người vẫn nằm dưới đó.

Tuy nhiên, một phụ nữ tên là Amirtham Arupilai vẫn không chấp nhận số phận đó của con trai bà, Puspanathan, một người có mặt trên chuyến bay MH370 định mệnh.

"Trái tim tôi vẫn mách bảo tôi rằng họ vẫn còn sống - tất cả các hành khách đều còn sống", Arupilai bày tỏ trong niềm hy vọng.

Con trai của bà, một chuyên gia công nghệ thông tin, đang trên đường tới Bắc Kinh để bắt đầu một công việc mới. Đối với cha mẹ, Puspanathan là tất cả.

Arupilai gọi vào số di động của Puspanathan và vẫn nghe giọng của con trai chào người gọi. Bà coi đó là một tín hiệu cho thấy anh chắc chắn vẫn an toàn.

Theo VNN


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang