Đại gia địa ốc Novaland: Ôm đống hàng tồn kho 'cao như núi'

author 15:33 23/05/2019

(VietQ.vn) - Không ít doanh nghiệp có tỷ lệ hàng tồn kho/tổng tài sản ở mức cao, trong đó có những "ông lớn" địa ốc như Novaland.

Các doanh nghiệp bất động sản niêm yết tiếp tục có một năm tăng trưởng khá tốt. Kết thúc năm 2018, một loạt doanh nghiệp báo lãi lớn cho thấy nhiều gam màu sáng trong bức tranh bất động sản nói chung. Bên cạnh sự tăng trưởng của doanh thu và lợi nhuận, báo cáo tài chính cũng cho thấy lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp vẫn chiếm rất lớn.

Giá trị hàng tồn kho lớn hay nhỏ tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp cũng như dự án triển khai, song điều đáng ngại nhất về hàng tồn kho chính là tỷ trọng quá cao trong cơ cấu tài sản của một doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp có tỷ lệ Hàng tồn kho/Tổng tài sản ở mức cao. Trong đó có những "ông lớn" địa ốc như Novaland (HOSE: NVL). 

Novaland là doanh nghiệp vừa nằm trong nhóm có giá trị tồn kho cao vừa có tỷ trọng tồn kho/tổng tài sản trên 50%.

Cụ thể, trong 35.706 tỷ đồng hàng tồn kho của NVL cuối quý 1/2019, có hơn 26.200 tỷ là bất động sản dở dang, hơn 9.358 tỷ đồng là bất động sản hàng hóa, tức là dự án đã hoàn thành nhưng chưa bán hết. Tuy chỉ tăng 8,8% trong kỳ song tỷ trọng hàng tồn kho của NVL vẫn trên 51,3%.

Ngoài hàng tồn kho cao, NVL cũng đang gánh khoản nợ vay lớn. Tổng giá trị vay ngắn hạn và dài hạn của công ty trên 26.059 tỷ đồng. Điều này khiến mỗi quý NVL phải chịu khoản chi phí lãi vay không nhỏ, ăn mòn vào lợi nhuận của công ty.

Một dự án mà Novaland giao dịch trên sàn BĐS.

Bản chất của việc gia tăng hàng tồn kho là sự mở rộng việc xây dựng, phát triển các dự án của các doanh nghiệp. Mặc dù thuyết minh hàng tồn kho của các doanh nghiệp chủ yếu là bất động sản dở dang, tức là các dự án đang trong quá trình triển khai, tuy nhiên thực tế cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp triển khai mãi một dự án không xong và dự án vẫn luôn nằm trong danh sách "dang dở".

Các trường hợp hàng tồn ứ đọng một khoảng thời gian dài, quỹ đất chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính... sẽ trở thành gánh nặng. Lâu dần, hàng tồn có thể "bóp chết" khả năng tăng trưởng vì chi phí vốn đội lên. Doanh nghiệp chăm chút cho núi hàng tồn này còn bị mất chi phí cơ hội.

Ngoài ra, "soi" cơ cấu hàng tồn kho nói trên cho thấy chủ yếu nằm ở bất động sản dở dang. Điều này phần nào phản ánh sự tăng trưởng của thị trường đã thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng phát triển dự án. Chính điều này cũng gây lo ngại vì nguồn cung gia tăng có thể gây áp lực lên thị trường trong thời gian tới.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, lãnh đạo Novaland cho biết, doanh nghiệp dự kiến tung ra 4.500 sản phẩm nhà ở, phát triển thêm các dự án mới không giới hạn tạm gọi là F, P và T với quỹ đất khoảng 35 ha tại quận 2 và 32 ha tại quận 9 (TP.HCM). Trong 3 - 5 năm tới, tập đoàn sẽ tiếp tục phát triển các dự án bất động sản để ở tại TP.HCM, tận dụng quỹ đất hiện hữu 670 ha (chiếm 25% quỹ đất của doanh nghiệp). Còn ở các địa phương có tiềm năng lớn về bất động sản du lịch, Novaland cũng đã chuẩn bị được khoảng 2.000 ha đất (chiếm 75% còn lại của quỹ đất), đảm bảo sự phát triển của tập đoàn trong 10 - 20 năm tới.

Mới đây, Novaland cũng vừa có Quyết nghị thông qua việc đầu tư góp thêm gần 371 tỷ đồng vốn vào CTCP The Prince Residence. Sau khi hoàn tất việc đầu tư thêm vốn, Novaland sẽ sở hữu gần 56 triệu cổ phần phổ thông, tương đương tổng mệnh giá gần 560 tỷ đồng tại The Prince Residence.

Song song với việc rót vốn, Novaland cũng thực hiện hàng loạt đợt huy động vốn từ trái phiếu. Hối cuối tháng 4/2018, tập đoàn này đã huy động được 160 triệu USD từ việc phát hành trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore. Công ty cũng huy động thành công 150 triệu USD từ việc phát hành cổ phần riêng lẻ, nâng tổng số vốn huy động sau nửa năm lên 310 triệu USD. Đây cũng là đợt huy động vốn lớn nhất từ trước đến nay của một doanh nghiệp Việt từ phát hành cổ phần và trái phiếu.

Ngoài ra, Ngân hàng Credit Suisse cũng giải ngân thêm khoản vay 50 triệu USD không tài sản đảm bảo, nâng giá trị cho vay lên 125 triệu USD với Novaland. Công ty này cũng phát hành thêm trái phiếu CTCK Ngân hàng Quân đội 400 tỷ đồng, các khoản vay Sacombank, VPBank của công ty con mới là 1.147 tỷ đồng. Đại diện Novaland cho rằng việc tiếp cận được vốn của các tổ chức tín dụng lớn "cho thấy điểm tài chính của Novaland trong mắt các tổ chức tín dụng tương đối tốt". 

Có thể thấy, việc triển khai rất nhiều dự án, song việc bán hàng gặp khó khăn. Vì vậy, để có thêm dòng vốn lưu động và xử lý những khó khăn trước mắt, Novaland đường như đang trông chờ vào việc chào bán cổ phần và vay tín dụng nước ngoài.

An Nhiên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang