Đại gia Tôn Hoa Sen Lê Phước Vũ ‘ngụp lặn’ trong món nợ hơn 18 nghìn tỷ

author 14:56 09/08/2018

(VietQ.vn) - 3 đại gia ngân hàng Việt là BIDV, Vietcombank, VietinBank đang “kẹt” khoản tiền cho vay lớn tại Tập đoàn Tôn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ.

CTCP Hoa Sen tiền thân của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) thành lập năm 2001 với số vốn ban đầu 30 tỷ đồng và 22 nhân viên hoạt động chính trong ngành sản xuất tấm lợp bằng thép mạ kẽm, hợp kim nhôm mạ kẽm; ống thép mạ kẽm; lưới thép mạ, dâp thép mạ; sản xuất ống nhựa…..

Sau hơn 15 năm hình thành và phát triển, HSG có hơn 10 nhà máy sản xuất và 371 chi nhánh phủ khắp từ Bắc và Nam. Năm 2017, HSG chính thức đặt chân vào những doanh nghiệp tỷ đô của Việt Nam khi ghi dấu doanh thu thuần năm tài chính 2016 – 2017 lên đến 26.149 tỷ đồng.

Đồng thời, Tập đoàn Hoa Sen giữ vị thế dẫn đầu tại thị trường nội địa với hệ thống phân phối liên tục được mở rộng, mạnh, sản phẩm đang chiếm hơn 34% thị phần tôn mạ và gần 20% thị phần ống thép. Bên cạnh đó, HSG cũng xuất khẩu sản phẩm đến hơn 70 Quốc gia/lãnh thổ.

Mặc dù vậy, tình hình kinh doanh hiện tại của Tập đoàn Hoa Sen không "đẹp đẽ" như lịch sử của nó. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2018 (niên độ 1/4 – 30/6), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đạt doanh thu thuần 10.325 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng 51% lên 9.294 tỷ đồng đã kéo lãi gộp của HSG xuống còn 1.031 tỷ đồng, giảm gần 6% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng, Hoa Sen đạt doanh thu 25.876 tỷ đồng, tăng 35% nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm mạnh 55% xuống còn 512 tỷ đồng.

dai-gia-le-phuoc-vu-ngup-lan-trong-mon-no-hon-18-nghin-ty-3-chu-no-lon-nay-co-lo-lang

 Một phần nợ vay của HSG trong BCTC chính hợp nhất quý 3/2018 (niên độ 1/4 – 30/6).

Một con số đáng lưu ý là tính đến hết quý III niên độ 2017 – 2018 (từ 1/4/2018 đến 30/6/2018), nợ phải trả của Tập đoàn Hoa Sen là 18.385 tỷ đồng, gây sức ép lớn lên đến sự tăng trưởng của tập đoàn đại gia Lê Phước Vũ.

Trong niên độ này, Tôn Hoa Sen phát sinh 6 khoản vay mới, trong đó khoản vay 1.120 tỷ đồng của BIDV có giá trị lớn nhất.

Cộng gộp khoản vay phát sinh từ BIDV, HSG đang vay tại 16 ngân hàng trong và ngoài nước. Hai ngân hàng lớn khác của Việt Nam là Vietcombank và VietinBank đều đang cho Tôn Hoa Sen vay hàng nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, hiện VietinBank là chủ nợ ngắn hạn lớn nhất của HSG với tổng giá trị vay nợ hơn 8.284 tỷ đồng tại 5 chi nhánh. Hầu hết các khoản vay đều có tài sản bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, máy móc thiết bị, hàng tồn kho… Còn Vietcombank đang cho HSG vay tại 3 chi nhánh với số tiền lên tới gần 3.000 tỷ đồng.

Được biết, tình hình vay nợ của Tôn Hoa Sen đã được nhà đầu tư cảnh báo từ các năm tài chính trước đó, dựa trên các dấu hiệu lao dốc về lợi nhuận, cổ phiếu sụt giảm và nhà đầu tư thi nhau thoái vốn.

Ông chủ Vinaxuki với nỗi buồn 'buôn tài không bằng dài vốn'Chủ tịch Bùi Ngọc Huyên cay đắng vì ngân hàng chỉ cho vay một đến ba năm, trong khi để nội địa hóa được xe con cần tới 10 năm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu dòng tiền không kịp về để HSG trả nợ thì hậu quả khó lường trước trong cả ngắn và dài hạn. Đây cũng là mối lo ngại đối với các ngân hàng đang "chôn vốn" tại HSG, nhất là 3 ông lớn ngân hàng là BIDV, Vietcombank, VietinBank.

Lâm Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang