Đại gia Việt 'giấu' 7,3 tỷ USD ở nước ngoài

authorĐăng Duy 06:09 14/04/2016

(VietQ.vn) - Tính đến quý 3 năm 2015 có 7,3 tỷ USD được các đại gia Việt gửi ở nước ngoài. Trong khi đó, ngân hàng trong nước lại phải ra nước ngoài vay ngoại tệ.

Sự kiện: Đại gia tỷ phú

Theo báo VietNamNet, số liệu này được đưa ra trong Báo cáo kinh tế Việt Nam quý I/2016 do Viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách (VERP) công bố chiều 12/4. Dẫn lại số liệu thống kê đến quý 3/2015, TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc VERP cho biết, cán cân thanh toán đã có những diễn biến bất thường sau sự kiện Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (CNY) trong tháng 8.

Cán cân tổng thể chuyển từ trạng thái cân bằng sang thâm hụt lớn 6,6 tỷ USD trong quý 3/2015, chủ yếu do cán cân tài chính đổi chiều. Đáng chú ý, 2 cấu phần quan trọng nhất của các cân tài chính là dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài không có sự biến động đáng kể.

Tuy nhiên, một nhân tố mới xuất hiện là dòng vốn đầu tư khác mà cấu phần chủ yếu là tiền gửi của các đại gia Việt ở nước ngoài, gia tăng đột biến lên mức 7,3 tỷ USD. Cùng thời điểm này trạng thái ngoại hối của hệ thống ngân hàng thương mại không có sự biến động quá lớn. “Đây là diễn biến bất thường” - ông Nguyễn Đức Thành nói và nhấn mạnh, “Diễn biến bất thường này, một phần, có thể xem như tình trạng “bẫy thanh khoản” với ngoại tệ của hệ thống ngân hàng".

Đại gia Việt

Lượng tiền gửi ở nước ngoài của các đại gia Việt tăng vọt lên 7,3 tỷ USD vào cuối năm 2015

Theo báo Kinh Doanh Và Pháp Luật, ông Phạm Văn Đại, Trưởng nhóm nghiên cứu vĩ mô VEPR phân tích, trước đây các ngân hàng trong nước nhận tiền gửi của ngân hàng nước ngoài vì Việt Nam là nền kinh tế thiếu vốn. Tuy nhiên, khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, Việt Nam cũng phá giá tiền đồng, ngân hàng huy động USD nhưng không cho vay được gì doanh nghiệp không muốn vay khi tỷ giá tăng. Lúc đó, ác ngân hàng có giải pháp duy nhất là gửi kỳ hạn ngắn ở ngân hàng nước ngoài để vớt vát lại lợi nhuận.

“Nếu chúng tôi dự báo đúng thì diễn biến mới này vẫn còn diễn ra cho tới hiện tại do quy định lãi suất huy động USD về 0% đã triệt tiêu động lực tiết kiệm ngoại tệ có kỳ hạn”, ông Đại cho hay. Các ngân hàng thương mại sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối thanh khoản ngoại tệ và cung ứng các khoản vay ngoại tệ cho doanh nghiệp, và do đó tiếp tục lựa chọn giải pháp gửi tiền ở nước ngoài.

“Chúng tôi cho rằng chống đô la hóa là một chủ trương đúng của ngân hàng nhà nước, tuy nhiên các giải pháp đồng bộ tạo niềm tin vào tiền đồng cần được triển khai. Chỉ khi đó, nền kinh tế mới sử dụng được nguồn vốn ngoại tệ khối lượng lớn đang gửi ở nước ngoài”, TS. Thành khuyến nghị.

Đăng Duy (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang