Đại học quốc gia, sư phạm, ngoại ngữ...biến thành chợ

author 08:22 13/04/2013

(VietQ.vn) - Bà hàng chợ, quẩy từ gánh hàng xúc xích, chả cá cho đến những chiếc xe đẩy bán trà đá, nhân trần dạo từ lâu đã thành thân quen trong khuôn viên các trường cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH). Điều đáng lo ngại là những “căng tin di động” ấy nguồn thực phẩm không rõ ràng và liệu có đảm bảo vệ sinh?

Gánh hàng rong “uy hiếp” trường học

Trường CĐ, ĐH vốn là nơi chỉ dành riêng cho đào tạo, giáo dục. Là nơi mà ý thức, giáo dục và văn hóa được tôn thờ, lành mạnh. Thế nhưng giờ đây, không ít trường đang biến thành những khu “chợ” dân sinh, xô bồ, bát nháo với những gánh hàng rong, tiếng rao inh tai, nhức óc. Điều lạ là dù nội quy, quy định của các trường đã được lập ra nhưng những “căng tin di động” ấy vẫn ngang nhiên mọc lên.

 

Đường trong khuôn viên trường trở thành nơi bán rong của nhiều loại hàng hóa. Ảnh: N. H

Theo khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam, để phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt cho học sinh, sinh viên, giảng viên, mỗi nhà trường dù lớn nhỏ đều xây dựng một khu vực căng tin riêng. Tuy nhiên, những căng tin đó lại không mấy được ưa chuộng. Thay vào đó là gánh hàng rong, xe đẩy chất đầy hàng cho đến những quán nước trong sân trường. Các bà, các cô nghiễm nhiên biến trường học thành “chợ cóc”, kinh doanh, kiếm lời mặc những biển cấm bán hàng đặt cạnh bên.

Khuôn viên trường ĐH Quốc Gia, ĐH Ngoại Ngữ, ĐH Sư Phạm là “trung tâm buôn bán” của những gánh hàng rong. Phía cổng chính là địa phận của dăm ba hàng xôi. Trong trường, đối diện với tòa nhà CLUB là những giá xúc xích, những xe đẩy bán ngô, khoai, bỏng ngô, bò bía… gần trưa những quán nước bắt đầu được dựng lên.

 

Phía sau trường là những tiếng rao vặt inh ỏi của thợ người bán báo, thợ sửa khóa, thợ ép plastic... những công việc đó ngày nào cũng tiếp diễn nhưng không một ai lên tiếng.

Bác Lê Thị Thanh – một phụ huynh chia sẻ, đầu tiên lên thăm ký túc xá nơi con học, thật sự ngỡ ngàng trước cảnh những gánh hàng rong la liệt bày bán trong trường.

“Liệu rằng những hoạt động này có ảnh hưởng đến môi trường học tập của các cháu”, bác Thanh đặt câu hỏi nhưng bác cũng đã biết một phần câu trả lời.

Trường đang biến thành nơi "họp chợ". Ảnh: N. H

Một nhân viên bảo vệ trong trường cho biết: “Chúng tôi đã cảnh báo họ rất nhiều lần, nhưng cấm làm sao được, đuổi đằng trước họ bày bán đằng sau.

“Cùng một lúc rất nhiều gánh hàng vây bủa, chúng tôi không tài nào ngăn lại nổi. Thôi vì mưu sinh nên cũng không làm căng” nhân viên bảo vệ cho biết.

Tình trạng hàng rong bủa vây các trường CĐ, ĐH, các ký túc xá xinh viên, biến khuôn viên trường thành “chợ cóc” không chỉ diễn ra ở một vài trường mà là phổ biến ở hầu hết các trường trên địa bàn Hà Nội. Trong đó, các trường như ĐH Giao thông vận tải, ĐH Điện Lực, CĐ Du Lịch…

Tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh

Giả làm một người mua hàng chúng tôi đã tiếp cận và quan sát được công nghệ làm hàng “siêu nhanh, siêu bẩn” của những gánh hàng rong. Những mặt hàng như: xúc xích, chả cá, nem cuốn, nhân trần… được chế biến thơm ngon nhưng đằng sau đó là mối hiểm họa khôn lường, nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe.

Xúc xích được đổ ra từ những bao không nhãn mác, được rán từ chảo “dầu phế” đen sì, chiên từ sáng tới tối. Thậm chí những ngày không bán hết, xúc xích ế đổ dồn vào túi ni lông, ngày hôm sau lại mang đem ra bán tiếp.

Những que nem, que xúc xích phơi bày giữa đường. Chúng được chiên nhiều lần trong dầu ăn dùng từ ngày này qua ngày khác, không biết rồi hậu quả sẽ ra sao. Ảnh: N. H

Giá xúc xích cũng là vấn đề bàn luận, trong khi giá của một chiếc xúc xích chín trong siêu thị bán ra với giá 18 – 20 nghìn thì giá xúc xích ở những quán hàng rong chỉ từ 8 – 10 nghìn. Đáng chú ý là giá nhập vào của những chiếc xúc xích “ vô danh” này chỉ từ 4 – 6 nghìn, trong khi đó ở siêu thị là 8 – 10 nghìn. Liệu rẻ, ngon nhưng có thực sự đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm?

Nem cuốn cũng là một món ăn yêu thích của đông đảo các bạn sinh viên, nhưng hiếm ai để ý tới nguyên liệu và công nghệ chế biến “siêu bẩn” của nó. Thịt lợn xay đã nhạt màu được cuốn bằng những tấm đa nem nhàu nhĩ, ẩm mốc sau đó rán qua bằng những chảo dầu “phế” vẫn thơm ngon, hấp dẫn người thưởng thức.

Dừng chân tại một quán nước ven đường cạnh trường ĐH Giao thông vận tải chúng tôi càng ngỡ ngàng hơn trước cách pha chế nước của chủ quán. Cái mà chủ quán gọi là “nước cốt” được nấu từ lá chè, lá nhân trần “chưa qua một lần rửa” được đổ dồn vào những can 5 lít đã ố màu vàng vì bụi bẩn.

Với giá siêu rẻ 3 nghìn, một cốc nhân trần được pha với 2/3 là đá và nước lọc. Nhưng điều lạ lùng là khi thưởng thức sinh viên vẫn cảm nhận được vị ngọt hấp dẫn.

Mặc dù tình cảnh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không ghi hạn sử dụng, lạm dụng phẩm màu chế biến cho bắt mắt, bảo quản không đúng quy trình, được bày bán la liệt xung quanh trường học mà không có lực lượng chức năng nào kiểm tra, giám sát và lập lại trật tự cho các trường.

Bạn Lê Huyền Trang là sinh viên năm 2, ĐH Quốc gia cho biết: “Có một vài lần mình ăn xúc xích, bánh bao của các bà bán hàng trong trường bị đau bụng, từ đó mình chừa vụ ăn quà vặt ngay”.

Duy Anh - sinh viên năm nhất của trường ĐH Ngoại ngữ phản ánh: “Một lần em ăn bánh bao bị hỏng, về nhà đau bụng 2 ngày mới khỏi. Kể từ đó khi nhìn thấy những hàng bán bánh bao là em dị ứng ngay”.

Sau mỗi buổi tan trường, nhìn lại góc sân trường đầy rẫy những thứ rác rưởi: túi ni lông, vỏ chai, cốc nhựa, giấy ăn…. Đó là “hậu trường” tệ hại nhất của những “căng tin công cộng” này.

Thiết nghĩ, bản thân các trường ngoài nỗ lực đào tạo nhân tài cũng cần phải nỗ lực làm sạch không viên trường mình, trả lại giá trị đích thực cho trường học, không để “trường thành nơi họp chợ”.

Nguyễn Huệ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang