Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện gì với con trai John Kennedy?

author 06:54 06/10/2013

Đến Việt Nam bằng con đường du lịch, nhưng anh ta lại được Ban Đối ngoại Trung ương cử người hướng dẫn đến thăm vị tướng danh tiếng của Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Vào một buổi sớm, tôi nhận được từ Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tin nhắn “Chiều nay, anh Văn hẹn đến sớm có việc”.

Hôm đó là chủ nhật - ngày 23.8.1998 , gặp tôi, Đại tướng bảo rằng, một tiếng nữa khách mới tới nên muốn trao đổi trước vài điều. Vị khách khá đặc biệt, là một người Mỹ, mới 38 tuổi, tức là thua chủ nhà đúng... nửa thế kỷ tuổi vì chỉ hai ngày nữa (25.8), vị lão tướng của chúng ta bước vào tuổi 88. 

Kennedy con (ngoài cùng bên phải), Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân và con gái. Ảnh: D.T.Q 

Điều được coi là đặc biệt vì khách là con trai của cố Tổng thống Mỹ John Fitzgerald Kennedy (JFK) và cũng mang tên của bố, chỉ kèm theo chữ “Junior”, còn gọi tắt là “John-John”. Đến Việt Nam bằng con đường du lịch, nhưng anh ta lại được Ban Đối ngoại Trung ương cử người hướng dẫn đến thăm vị tướng danh tiếng của Việt Nam.

Thời điểm ấy, Việt Nam và Mỹ mới bình thường hoá được đôi ba năm nên sự đến thăm này hẳn cũng mang theo một ý nghĩa nào đó (?). Trong câu chuyện, Đại tướng có lúc thoáng nói đến một cơ hội đã qua, khi tướng Westmoreland đã từng có dự kiến mời ông qua thăm Mỹ như biểu hiện cho sự hoà giải sau chiến tranh. Một dự án rất chi tiết và chứa đựng sự trọng thị của một sự kiện lịch sử đã được thiết kế. 

Từ Hồng Kong, một chiếc chuyên cơ sẽ đón vị khách đặc biệt tới Mỹ và một dạ tiệc trọng thể sẽ được tổ chức tại ngôi biệt thự hay trang trại gì đó có tên “Vườn Hồng” do chính viên tướng cựu Tư lệnh quân Mỹ và đồng minh trên chiến trường Việt Nam chủ trì, với rất nhiều quan khách cả dân sự lẫn quân sự có can dự vào cuộc chiến cùng những nghi thức tạo không khí thân thiện và hoà giải... Đương nhiên, hoàn cảnh đương thời chưa thích hợp khiến dự án này đã không trở thành hiện thực. 

Còn kể từ sau khi hai nước đã bình thường hoá quan hệ, Đại tướng đã có hai lần gặp mặt cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara cùng các tướng lĩnh của ông ta tại Hà Nội để cùng nhau thảo luận cái chủ đề “Có những cơ hội nào đã bị bỏ lỡ hay không?” và trước đó còn gặp lại nhiều “đồng minh” cũ trong đội Con Nai của Cơ quan Tình báo chiến lược của Mỹ (OSS) từng cộng tác với Việt Minh trong Đại đội Liên quân Việt-Mỹ trên chiến khu Việt Bắc để chống phátxít Nhật trước ngày Tổng khởi nghĩa tháng tám 1945 mà Đại tướng làm tư lệnh và thiếu tá A.Thomas làm cố vấn, còn ông Đàm Quang Trung làm đại đội trưởng. Những lần gặp ấy, tôi có may mắn đều được chứng kiến. 

Rất chu đáo dù chỉ chuẩn bị cho một cuộc gặp xã giao của một khách du lịch, vị lão tướng trao đổi với tôi nhiều chi tiết về lịch sử quan hệ hai nước để điểm lại những nội dung tích cực bên cạnh một hiện thực khốc liệt của cuộc chiến tranh mà chính ông là người cầm quân tham chiến. Không phải là những cựu đồng minh, cũng không phải là cựu đối thủ, mà lần này lại là một người Mỹ con nhà dòng dõi ở độ tuổi chín muồi, có cơ hội góp phần tác động vào tương lai quan hệ giữa hai nước mới được bình thường hoá... 

Ông còn hỏi tôi những chi tiết nào lớp trẻ quan tâm, vì vị khách thua ông đúng 50 tuổi. Ông còn hỏi “Mình nên xưng hô thế nào nhỉ?” để rồi tự trả lời rằng tiếng Mỹ cũng tựa tiếng Pháp có cái hay là “tutoyer” (cách xưng hộ trung tính với nguời đối thoại thân mật, nhưng lại không phức tạp trong các quan hệ xã hội như tiếng ta)...

Tôi chỉ nhắc ông phải khai thác cái hình ảnh mà cả thế giới đều chú ý khi cậu bé con trai của JFK vừa tròn 3 tuổi (25.11.1963), đứng cạnh mẹ giơ tay chào khi linh cữu của vị nguyên thủ quốc gia - cũng là bố của cậu - đi ngang. Hành động ấy khiến dư luận hâm mộ và tiên đoán tới một ''ngôi sao'' của dòng họ Kennedy trên chính trường tương lai...

Vị khách đến với một phóng viên nhiếp ảnh người Mỹ và một cô gái người Việt - là cán bộ của Ban Đối ngoại Trung ương. Tiếp khách chỉ có Đại tướng và phu nhân cùng một vài thành viên trong gia đình. Tôi được phép ngồi đối diện cùng nhà nhiếp ảnh, cán bộ trợ lý của văn phòng và người phiên dịch.

Với dáng vóc cao lớn (đến 2m) và nét mặt đẹp trai như một tài tử xinê, John Junior bước vào phòng khách của gia đình Đại tướng với một bó hoa lớn trong tay. Anh cúi xuống trang trọng trao bó hoa với lời xin lỗi vì không lưu lại thêm 2 ngày nữa để có dịp chúc mừng ngày sinh nhật chủ nhà.

Vị lão tướng của chúng ta cảm ơn cùng với bàn tay vỗ nhẹ vào vai chàng trai, với câu bình luận: “Thật không hình dung được đây chính là cậu bé nghiêm trang chào linh cữu người cha của mình năm xưa”. Câu giáo đầu ấy thực sự làm vị khách cảm động, khi đáp lại rằng rất nhiều chính khách đều có chung cảm nhận và nhắc tới hình ảnh ấy mỗi khi gặp anh. 

Câu chuyện bắt đầu bằng lời kể của khách về cảm nghĩ về chuyến thăm Việt Nam. Sau đó, lúc ở ngoài sân, tôi được biết rằng đây là lần thứ hai anh đến Việt Nam nhưng là lần đầu ra Hà Nội  vì lần trước du lịch lên Đà Lạt. Trong lần này, anh chỉ thăm hai địa điểm là vịnh Hạ Long - thời điểm đó mới được UNESCO công nhận là Di sản thế giới (1994) - và tiếp đó là... Pác Bó, trước khi về Hà Nội. 

Khen Hạ Long đẹp, nhưng anh dành nhiều thời gian hơn để nói về Pác Bó. Chọn điểm đến Cao Bằng, John hẳn không chỉ chú ý tới cảnh đẹp một vùng núi đá vôi với dòng Bằng Giang và cây cối xanh tươi. Anh và người đồng hành còn đem theo chiếc thuyền dã chiến bằng caosu để thăm viếng cảnh quan dọc sông và lưu lại một đêm tại cái di tích mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn làm bản doanh cho cuộc cách mạng giải phóng của mình. 

Năm ấy, John-Junior đã 38 tuổi. Ra đời lúc cha đã đắc cử tổng thống (1960), chưa hết nhiệm kỳ JFK đã bị ám sát trên đường đi vận động tái cử (22.11.1963). Cậu bé lên ba ấy đã trải qua những năm tháng trưởng thành trong hào quang của một gia tộc dòng dõi cùng nỗi ám ảnh về những tai hoạ như định mệnh luôn rình rập bởi những cái chết bất đắc kỳ tử, mà cha của cậu bé không phải là duy nhất... 

John-Junior vào thời điểm đó đã là chủ nhiệm một tờ báo ở thủ đô Hoa Kỳ (Washington Chronicle) và lúc Việt Nam có dư luận cho rằng anh đang chuẩn bị bước vào chính trường (tranh cử thống đốc bang hoặc thượng viện Mỹ) vào đầu thiên niên kỷ mới (2000). Rất có thể cuộc viếng thăm Việt Nam cũng nằm trong lộ trình đó (?).

Trong câu chuyện, vị khách Mỹ đưa ra những nhận xét rất tinh tế khi đặt câu hỏi với chủ nhà: Cảnh quan Pác Bó rất đẹp, nhưng dân cư ở đó còn quá nghèo. Tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chọn nơi đó là đại bản doanh cho cuộc cách mạng của mình?”. 



Tiếp khách, Đại tướng vẫn mặc quân phục, nhưng nghe ông trả lời thì lại mang phong cách của một ông giáo dạy sử khi  từ tốn giảng giải cho vị khách trẻ tuổi của nước Mỹ một bài lịch sử về chiến tranh và cách mạng Việt Nam, về một căn cứ địa và chiến tranh nhân dân...

Rồi Đại tướng chỉ tay về phía bức ảnh ông chụp với Bác Hồ vào thời điểm Hà Nội mới giành được chính quyền và nói với khách rằng bức ảnh này do một người bạn Mỹ trong “nhóm Con Nai” (tức những sĩ quan OSS) chụp khi gặp nhau ở thủ đô sau ngày phátxít Nhật đầu hàng. 

Ông giáo dạy sử nhắc vị khách rằng với các bạn trẻ thì chỉ biết đến quan hệ Việt-Mỹ là một cuộc chiến tranh khốc liệt, nhưng cần phải nhớ rằng trước đó đã từng có mối quan hệ “Đồng minh”, rằng Tuyên ngôn Độc lập Mỹ đã được trích trong Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam và từ những thế kỷ trước, chính người soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ (Thomas Jefferson) đã từng say mê với giống lúa của xứ Đàng Trong (Cochinchine)... Hơn thế, giới trẻ hai nước cần tìm thấy những bài học lịch sử từ trong chiến tranh để viết tiếp những trang sử tương lai phải là hoà bình và hữu nghị...

Khách ngồi im lặng ghi chép trong khi người trợ lý nhiếp ảnh “nổ” liên tục để ghi lại hình ảnh cuộc gặp gỡ. Đại tướng vừa dứt  một bài lịch sử khá dài thì John Junior đặt ra  một câu hỏi mà chắc anh ta đã dự kiến từ lâu: “Tướng quân nghĩ gì về cha tôi, Tổng thống John Kennedy?”. Đại tướng trả lời - điều mà chắc ông cũng dự liệu trước (đại ý): Tổng thống Kennedy là người đã có những bước thúc đẩy Mỹ can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Nhưng chính vào lúc ông nhận ra những sai lầm và dự định có những bước điều chỉnh thì ông bị ám sát. 

Johh Junior tỏ ra cảm động về quan điểm của Đại tướng và nói rằng anh sẽ tiếp tục suy nghĩ về Việt Nam và cảm ơn những gì Đại tướng và gia đình đã dành cho anh trong buổi tiếp kiến đáng nhớ này. Trước lúc ra về, trong khi chờ Đại tướng và gia đình ra ngoài sân chụp ảnh lưu niệm, tôi có cơ hội hỏi anh, mới được biết việc anh đã từng đến Việt Nam lần đầu ở Đà Lạt. Thời điểm này anh đã có vợ (cưới năm 1996) và mẹ anh đã qua đời từ năm 1994 mà lần này đến Việt Nam không đi cùng vợ, như thế có nghĩa là chuyến đi Việt Nam lần này không chỉ là du lịch thuần tuý. 

John Junior thổ lộ, đã đến lúc anh có ý định tham chính trường và nói rằng Việt Nam là trải nghiệm gần nhất và sâu sắc nhất đối với nền chính trị của nước Mỹ, nên cuộc khảo sát Việt Nam lần này sẽ rất bổ ích. Anh còn nhắc đến một nhận xét rất trực quan và không kém phân sắc sảo rằng: Trên đường từ Cao Bằng về Hà Nội, anh quan sát thấy một hiện tượng mà một người Mỹ như anh chưa giải thích được: Rất nhiều đàn ông ngồi trong quán nước, còn rất nhiều phụ nữ thì đang tham gia vào việc tu sửa đường - một công việc rất nặng nhọc. 

Anh còn kể rằng lúc đầu thấy các phụ nữ dùng những tấm khăn che kín mặt chỉ để hở hai đôi mắt, anh ngỡ tưởng ở đất nước này cũng phổ biến đạo Hồi. Khi nghe giải thích rằng đó chẳng qua chỉ là cách để chống nắng và bụi nhằm giữ... sắc đẹp thì anh cười rất hồn hậu và nói rằng còn quá nhiều vấn đề để khám phá Việt Nam. Điều này trùng khớp với một ý kiến của Đại tướng thường nói với các khách Mỹ rằng sở dĩ quốc gia hùng mạnh này đã không thắng (một cách nói khéo, tránh dùng từ “thua”) trong chiến tranh Việt Nam vì đã không hiểu Việt Nam...

Đã 15 năm trôi qua, tôi luôn nhớ đến sự kiện này, không chỉ vì mình là người quan sát hiếm hoi được tham dự để thuật lại với mọi người, nhưng điều để lại ấn tượng sâu sắc chính là hình ảnh vị Đại tướng trong cuộc gặp này đã hoá thân thành một ông thầy dạy sử để thuyết phục và cảm hoá một chính khách nhiều triển vọng của nước Mỹ như John-Junior.

Thật đáng buồn, như định mệnh, chưa đầy một năm sau, khi những ý tưởng dấn thân vào chính trường chưa diễn ra, JFK Junior đã chết bất đắc kỳ tử trong một chuyến bay cùng vợ và một số thành viên trong gia đình, trên một chiếc máy bay do chính anh cầm lái vào chập tối ngày 16.7.1999. Cho dù, trước khi lìa trần, mẹ của John đã căn dặn đứa con nối dõi của cố Tổng thống JFK phải tránh xa nỗi đam mê lái máy bay, vì dường như bà đã cảm nhận trước những tai họa định mệnh của dòng họ Kennedy. 

Cái kết cục đáng buồn ấy khiến tên tuổi của chàng trai John Junior chỉ còn tô đậm thêm bằng chứng về nỗi bất hạnh của dòng họ đã làm thiếu vắng trên chính trường của nước Mỹ gương mặt một chính khách đã chuẩn bị trong hành trang của mình những bài học về Việt Nam.

Sở dĩ ở đầu bài viết này tôi nhắc đến khung cảnh của vịnh Hạ Long vì chính trong chuyến đến Việt Nam cách đây 15 năm, một trong những mối quan tâm của anh là vấn đề bảo vệ môi trường của một đất nước đã từng bị tàn phá bởi cuộc chiến tranh của nước Mỹ lại sở hữu những di sản tuyệt vời như vịnh nước vừa được UNESCO công nhận là di sản này. John Junior khen di sản bao nhiêu thì chê dự án xây dựng cảng Cái Lân lúc đó đang rầm rộ triển khai bấy nhiêu. John có nói với tôi rằng sau chuyến thăm Việt Nam, khi về Mỹ sẽ mở một chiến dịch bảo vệ vịnh Hạ Long...

Nay thì John Junior không còn nữa. Ngồi trên thuyền vãn cảnh Hạ Long, quan sát thấy cảng Cái Lân sau bao nhiêu năm vẫn ảm đạm, vịnh Hạ Long không ngừng thu hút bạn bè mang lại nguồn lực cho đất nước nhưng cũng luôn đối mặt những thách đố giữa bảo tồn và phát triển, lại nhớ đến tấm lòng một người Mỹ nhiều khát vọng thay đổi hướng tới sự tốt đẹp, nay đã khuất. Nhắc lại cuộc gặp 15 năm trước cũng để hướng tới dịp chúc mừng Đại tướng sắp có thêm một tuổi.

Theo VTC News-Lao động

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang