Đảm bảo an toàn cao nhất cho nhà máy điện hạt nhân

authorMinh Hà 14:52 22/06/2015

(VietQ.vn) - Vấn đề được dư luận xã hội quan tâm nhất hiện nay đối với nhà máy điện hạt nhân là an toàn, đặc biệt từ khi xuất hiện một số sự cố tại Fukushima, Nhật Bản. Chính vì vậy, việc vận hành an toàn nhà máy điện hạt nhân luôn được đặt lên hàng đầu.

Sự kiện: Phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam

Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Vương Hữu Tấn - Cục trưởng Cục an toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Ông Vương Hữu Tấn - Cục trưởng Cục an toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ)

Thưa ông, với vai trò là đại diện cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân, ông đánh giá như thế nào về tính an toàn của những dự án điện hạt nhân Việt Nam trong tương lai? Bởi có lẽ đảm bảo an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân là mối quan tâm lớn nhất của toàn xã hội đối với phát triển điện hạt nhân, một công nghệ còn rất mới mẻ tại Việt Nam.

Ông Vương Hữu Tấn: Tôi nghĩ an toàn hạt nhân là khái niệm chung của quốc tế, không có nghĩa là Việt Nam kém an toàn hơn so với quốc tế. Đã làm điện hạt nhân thì phải đảm bảo yêu cầu chung Việt Nam làm điện hạt nhân là phải an toàn theo tiêu chuẩn chung của quốc tế, mà Nghị quyết số 41 /2009/NQ - QH12 của Quốc hội đã nêu rất rõ, mình phải đảm bảo yếu tố về công nghệ phải hiện đại, tiên tiến, phải đảm bảo kinh tế và an toàn ở mức cao nhất. Nên không thể nói Việt Nam làm điện hạt nhân là không an toàn. 

Việc đảm bảo an toàn bức xạ hạt nhân là yếu tố mấu chốt nhất của một dự án điện hạt nhân. Vậy ông có thể cho biết, chúng ta đã chuẩn bị cho vấn đề này như thế nào trong quá trình triển khai các bước của dự án điện hạt nhân Ninh Thuận hiện nay và đảm bảo vận hành an toàn khi dự án này hoàn thành trong tương lai?

Ông Vương Hữu Tấn: Quan điểm mang tính nguyên tắc đã được đưa ra trong Luật năng lượng nguyên tử (NLNT), đây cũng là nguyên tắc đầu tiên về đảm bảo an toàn của cơ quan NLNT quốc tế. Trách nhiệm đầu tiên về an toàn chính là chủ đầu tư, tập đoàn điện lực (EVN )phải quan tâm đảm bảo an toàn trong quá trình triển khai dự án từ ban đầu lựa chọn thiết kế, đến khâu chế tạo, để làm sao giám sát được chất lượng an toàn. Bên cạnh đó, là việc xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng nó, đảm bảo an toàn. Để đảm bảo an toàn thì EVN phải có đội ngũ nhân lực đủ trình độ để đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, đối với cơ quan quản lý nhà nước phải đặt ra các quy định, tức là phải xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để làm cơ sở cho việc quản lý đó. Tiếp theo đó là phải có hệ thống ứng phó sự cố. Hiện nay, thì khuôn khổ pháp lý đã xây dựng từ năm 2008, Luật NLNT sau đó thì có Nghị định hướng dẫn và có các thông tư, có liên quan. Đến giai đoạn hiện nay thì chúng ta đang thẩm định phê duyệt địa điểm, phê duyệt dự án đầu tư về cơ bản khuôn khổ pháp lý cho những việc này thì chúng ta đã có. Giai đoạn tiếp theo là cấp phép xây dựng thì chúng ta đang hoàn thiện tiếp hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Về nguồn nhân lực, hiện nay EVN đã cử cán  bộ sang đào tạo ở Nga và Nhật Bản, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã có nhiều chương trình để đào tạo, Tuy nhiên không phải ngay lập tức chúng ta có đủ hết. Ví dụ như đối với trách nhiệm của cơ quan pháp quy cục An toàn bức xạ và hạt nhân phải có trách nhiệm thẩm định báo cáo pháp lý an toàn thì cũng chưa đủ năng lực để thẩm định pháp lý đó. Hiện nay, đã xin ý kiến chỉ đạo của ban chỉ đạo nhà nước là cho phép sử dụng tư vấn quốc tế để thẩm định. Tuy nhiên, trách nhiệm vẫn thuộc về phía Việt Nam, cho nên chúng ta vẫn phải có đội ngũ nhất định để tư vấn quốc tế thực hiện và trình chúng ta, chúng ta có đủ năng lực để chấp nhận báo cáo đó và trình cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước. Hiện nay, chúng ta đang đi theo lộ trình đó và đang trong quá trình triển khai từng bước xây dựng đội ngũ để những dự án sau chúng ta có thể tự làm được. Đây cũng là cách mà các nước đang thực hiện để đảm bảo cho an toàn điện hạt nhân.

Ông có thể cho biết suy nghĩ của ông về tương lai của điện hạt nhân Việt Nam như thế nào?

Ông Vương Hữu Tấn: Điện hạt nhân là chủ trương lớn của Quốc gia, chúng ta đã có một sự chuẩn bị rất dài, để đưa ra chủ trương đó. Chúng ta phải căn cứ trên nhu cầu cung cầu năng lượng của quốc gia và tình hình chung của điện hạt nhân tại các nước trên thế giới. Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 41/2009/NQ - QH12  về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, xác định sẽ khởi công xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào cuối năm 2014 và vận hành tổ máy số 1 vào năm 2020. Và hiện nay chúng ta đang triển khai thực hiện chủ trương đó, 

Đánh giá chúng vấn đề hiện nay trên thế giới là mở, chúng ta không thể đi 1 mình một con đường. Điện hạt nhân trên thế giới vẫn là xu thế phát triển mặc dù sau sự cố Fukushima nó có thể là giảm hơn nhưng vẫn đang phát triển đặc biệt là ở những quốc gia lớn như Hoa Kì, Pháp, Anh, Trung Quốc, đều phát triển điện hạt nhân. Xu thế của các nước lớn sẽ là xu thế chung của thế giới, điện hạt nhân sẽ là xu thế phát triển chung của nhân loại.

Xin cám ơn ông!

Minh Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang