Đám mây băng đảng lơ lửng bầu trời Nhật Bản

author 10:56 09/10/2015

Cảnh sát Nhật lo sợ cuộc phân tách của Yamaguchi-gumi, một trong những băng đảng tội phạm lớn nhất và khét tiếng nhất thế giới, có thể kéo theo một trận chiến băng đảng đối địch, lôi kéo sự tham gia của 21 tổ chức tội phạm trên cả nước.

Kenichi Shinoda (giữa) - trùm băng Yamaguchi-gumi.

Yamaguchi-gumi, một trong những băng đảng tội phạm lớn nhất và khét tiếng nhất thế giới, tròn 100 tuổi vào năm 2015. Băng đảng lớn nhất Nhật Bản này khiến dư luận bất ngờ khi đầu tháng 9 vừa rồi, hơn 2.000 người đột ngột tách khỏi 23.400 thành viên để lập nhóm mới. Cảnh sát nước này lo sợ cuộc phân tách có thể kéo theo một trận chiến băng đảng đối địch, lôi kéo sự tham gia của 21 tổ chức tội phạm trên cả nước.

Tội phạm "hợp pháp"?

Biến động trên đã buộc Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản phải họp khẩn để bàn bạc cách xử lý khủng hoảng. Cảnh sát trên toàn quốc được đặt trong tình trạng cảnh giác. Lần Yamaguchi-gumi chia tách gần đây nhất diễn ra năm 1984. Hậu quả là Nhật Bản chìm trong vài năm trời chiến tranh băng đảng với các vụ ám sát, đánh bom, đấu súng khiến dân chúng kinh hoàng.

Yamaguchi-gumi trước khi phân tách có 72 nhóm phái. Nhóm mới tách có tên Kobe Yamaguchi-gumi. Sau khi băng này tách ra, các băng tội phạm có tổ chức (yakuza) ở Nhật Bản sẽ phải quyết định theo phe nào: nhóm cũ hay nhóm tách ra. Sự mâu thuẫn trong nội bộ các băng về việc ngả theo phe nào cũng sẽ khiến nhiều băng có khả năng phân tách tiếp.

Các yakuza ở Nhật Bản có hơn 53.000 thành viên. Trong đó, nhóm Yamaguchi-gumi lớn nhất, kế đến là Sumiyoshi-kai với 8.500 thành viên và Inagawa-kai với 6.600 thành viên. Băng đảng Yamaguchi-gumi lúc đầu chỉ là một nhóm làm dịch vụ điều phối lao động tại các bến tàu ở Kobe. Giờ đây, sau 100 năm phát triển, Yamaguchi-gumi kiếm được 6 tỉ USD mỗi năm nhờ buôn bán ma túy, bảo kê, cho vay nặng lãi, buôn bất động sản và chứng khoán.

Ở Nhật Bản, yakuza không bị coi là bất hợp pháp. Ngày nay, tìm một tụ điểm của giới băng đảng ở Nhật Bản không hề khó. Các tổ chức này được cảnh sát quản lý và giám sát. Nhiều hoạt động kiếm tiền của yakuza bất hợp pháp nhưng yakuza cũng điều hành những tập đoàn hợp pháp. Kazuo Taoka, lãnh đạo thế hệ thứ ba của Yamaguchi-gumi, từng nói với đàn em rằng "Hãy kiếm một công việc thực sự". Băng này tự coi mình là một tổ chức nhân văn giữ gìn trật tự ở Nhật Bản. Đó là lý do tại sao họ có các tòa nhà văn phòng, danh thiếp, tạp chí người hâm mộ, truyện tranh về băng đảng.

Thành viên Yakuza thường là những người bị gạt ra bên lề xã hội Nhật Bản truyền thống, như những người Nhật gốc Hàn có bố mẹ, ông bà bị đưa vào Nhật Bản làm nô lệ hay những người xuất thân từ tầng lớp từng bị ruồng bỏ.  Trong thời kỳ hiện đại hóa ở Nhật Bản, các yakuza xâm nhập sâu vào nền kinh tế.

Sau Thế chiến II, chúng phát triển mạnh trên thị trường đen. Đỉnh điểm sức mạnh của yakuza diễn ra vào những năm 1960 với ước tính 184.000 thành viên. Tại thời cực thịnh, yakuza có liên hệ chặt chẽ với giới chính trị gia bảo thủ và được đảng Dân chủ Tự do (LDP) sử dụng để chia rẽ các hiệp hội và giải tán biểu tình của phe cánh tả. Mối quan hệ giữa yakuza và chính trị gia đến giờ vẫn chưa biến mất hẳn.

Mối quan hệ lịch sử này phần nào giải thích tại sao yakuza không hoàn toàn bất hợp pháp ở Nhật Bản.

Ảnh hưởng của yakuza

Do đó, yakuza hiện hữu trong cuộc sống thường nhật ở Nhật Bản - điều không tưởng ở châu Âu hay Mỹ. Các tạp chí dành cho người hâm mộ yakuza, truyện tranh, phim ảnh góp phần tô hồng yakuza. Thủ lĩnh các băng đảng lớn không khác gì người nổi tiếng. Dù số lượng thành viên yakuza hiện nay đang ở mức thấp kỷ lục ở Nhật Bản nhưng phần lớn "công việc động thủ" đều được "thầu phụ" cho những tay anh chị hành nghề tự do không nằm trong hồ sơ quản lý của cảnh sát.

Ở Nhật Bản, yakuza đã kiểm soát một phần ngành giải trí. Nhiều công ty giải trí lớn có liên hệ với yakuza. Băng Yamaguchi-gumi còn tham gia tài trợ cho một trong những ban nhạc nữ tuổi teen nổi tiếng. Yakuza cũng tham gia tích cực vào hoạt động xây dựng, bất động sản, tiền tệ, điều phối lao động, công nghệ và tài chính. Các yakuza cung cấp phần lớn lao động cho ngành công nghiệp hạt nhân Nhật Bản và tham gia vào công tác dọn dẹp sau thảm họa hạt nhân Fukushima. Thậm chí, yakuza còn được cho là đang nhắm đến các hoạt động xây dựng, giải trí chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic Tokyo năm 2020.

Trong lĩnh vực chứng khoán, Yamaguchi-gumi được gọi là tổ chức chứng khoán tư nhân lớn thứ hai Nhật Bản. Các thành viên băng này còn tận dụng mạng lưới rộng để thu thập thông tin dùng để tống tiền các lãnh đạo công ty, chính khách và quan chức để tối đa lợi nhuận trong lĩnh vực chúng hoạt động. Bộ Tài chính Mỹ coi Yamaguchi-gumi là tổ chức tội phạm có tổ chức xuyên lục địa. Băng này có quan hệ với các tổ chức tội phạm ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ để thực hiện các hoạt động tội phạm. Tại Mỹ, Yamaguchi-gumi tham gia buôn ma túy và rửa tiền.

Ngay cả đảng cầm quyền Nhật Bản cũng không "miễn dịch" với ảnh hưởng của yakuza. Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản bị cáo buộc nhận tiền quyên góp từ một công ty của yakuza. Chủ tịch Ủy ban An toàn công cộng chịu trách nhiệm giám sát Cơ quan Cảnh sát Quốc gia bị nghi có giao du với một nhóm cánh hữu có liên hệ với yakuza. Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Nhật Bản cũng đã xuất hiện trong ảnh chụp cùng thành viên thuộc hàng chóp bu của băng Sumiyoshi-kai.

Trong bối cảnh hiện nay, Nhật Bản vẫn chưa biết liệu băng Yamaguchi-gumi phân tách có phải là dấu hiệu cho thấy yakuza đang chia rẽ và tan rã hay đây lại là khởi đầu cho một giai đoạn mới, trong đó các yakuza tái định hình và trở thành một dạng mới. Dù có thế nào đi chăng nữa, không người Nhật Bản nào hy vọng yakuza có thể bị ngăn cản quyết liệt, trừ khi bạo lực công khai tràn ra phố. Dường như Nhật Bản vẫn thích tội phạm có tổ chức hơn là tội phạm vô tổ chức (?).

Theo An Ninh Thế Giới


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang