Dân chung cư chê siêu thị, chọn chợ cóc

author 17:50 19/08/2012

(VietQ,vn) - Tại nhiều khu đô thị mới ở Hà Nội, hệ thống siêu thị không đáp ứng được kỳ vọng của người dân về nguồn thực phẩm giá rẻ, tươi sống, sự phong phú của các mặt hàng, hay việc đảm bảo chất lượng sản phẩm. Chợ cóc, vì thế, lại mọc như nấm.

Bà D.T, giúp việc cho một gia đình ở chung cư CT5 Đơn nguyên 1, khu đô thị Mỹ Đình 2, huyện Từ Liêm, Hà Nội kể: "Nhiều năm nay thực phẩm, rau, củ quả… tôi đều mua ở vỉa hè hết. Siêu thị, cửa hàng tự chọn ngay dưới chân nhà CT5 có nhưng cùng một mớ rau muống ngoài chợ bán 3.000 đồng thì trong này họ bán đến 5.000 – 6.000 đồng, lại không được tươi như ngoài chợ. Thịt lợn, thịt gà để đông lạnh về nấu chín ăn bị bở, không được thơm ngon, đã thế bao giờ mỗi cân cũng đắt hơn cả chục ngàn".

Tương tự, ông Nguyễn Quang Huy sống tại khu đô thị Mỹ Đình 2, chia sẻ: "Cách chưa đầy một cây số, ngay trên đường Lê Đức Thọ cũng có siêu thị bình ổn giá nhưng nhà tôi chẳng ai thích ăn đồ đông lạnh cả. Thịt, cá mua ngoài chợ cóc tươi sống vẫn thích hơn nhiều".

Tại khu chợ cóc Mỹ Đình có khoảng 100 gian hàng nằm cuối đường Đỗ Xuân Hợp, ngay sát bệnh viện Thể thao Việt Nam, được dựng lán kiên cố. Theo các tiểu thương buôn bán trong chợ, chợ được hình thành đã gần 1 năm nay, hàng ngày lực lượng công an xã Mỹ Đình đến từng ki-ốt thu 10.000đ/ki-ốt/ngày. Các tiểu thương nói công an xã thu tiền đó để làm công tác vệ sinh và giữ gìn an ninh trật tự chợ. Ông N.V.N, chủ ki-ốt bán hoa ngay cổng chợ phấn khởi kể: “Ngày xưa chúng tôi bán ở phố Hàm Nghi, Mỹ Đình, nhưng ngày nào cũng bị công an xã đi dẹp. Từ ngày tập trung về đây, bán hàng ổn định, không còn ai đuổi dù vẫn không được cấp phép”.

Chợ cóc quy mô hàng trăm gian hàng tại cạnh khu đô đô thị Mỹ Đình 1, 2, Từ Liêm, Hà Nội.
Chợ cóc quy mô hàng trăm gian hàng cạnh Khu đô thị Mỹ Đình 1, 2 (Từ Liêm, Hà Nội)

Ông Dương Văn Mạnh, tổ trưởng tổ dân phố số 17, nhà N03, khu đô thị Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, trước kia khi chưa có chợ cóc dưới đường Trần Quý Kiên (Cầu Giấy, Hà Nội), 105 hộ dân với 400 nhân khẩu trong khu chung cư này chủ yếu mua thực phẩm tươi sống ở chợ Nghĩa Tân (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) – cách khu chung cư chừng 1km, hoặc trong siêu thị Quan Nhân nằm trong làng Quốc tế Thăng Long (Cầu Giấy), siêu thị Fivimart Cầu Giấy). Nhưng từ ngày có chợ cóc, bà con hầu như chỉ còn mua đồ khô, hay những nhu phẩm thiết yếu: bột giặt, kem đánh răng, đồ khô... trong siêu thị thôi.

Anh Dương Văn Thành - Trưởng phòng dịch vụ đô thị, Xí nghiệp quản lý Nhà và đô thị số 2, cũng thừa nhận hệ thống siêu thị chủ yếu là siêu thị mini và không chiến thắng được tập quán tiện đâu mua đấy của người dân. Nhiều chủ siêu thị phản ánh, do kèm theo chi phí thuê mặt bằng nên giá các mặt hàng thực phẩm cao hơn ngoài chợ cóc. Các siêu thị hoạt động mấy năm nhưng mới chỉ đạt doanh thu hòa vốn.

Trong khi đó, từ 6 giờ sáng, chợ cóc Trần Quý Kiên với gần 20 gánh hàng đã tấp nập hoạt động dưới chân nhà N03, N11A khu đô thị Dịch Vọng Cầu Giấy. Các loại rau xanh, thịt, cá tươi sống... đủ cả. Chợ hoạt động đến 9 giờ sáng là tan, nhưng cũng có một số hàng thịt, rau bày bán cả ngày. Xe tuần tra công an phường Dịch Vọng – Cầu Giấy đi ngang qua, các gánh hàng chạy tán loạn một lúc rồi lại bày bán bình thường. Dù bị chợ cóc, quán ăn, quán trà đá lấp đầy vỉa hè, không còn không gian tập thể dục buổi sáng nhưng người dân ở khu đô thị này lại không bức xúc mà còn tỏ ra vui mừng vì đi chợ rất gần. Thực phẩm ở đây không có nguồn gốc nhưng không thấy bà nội trợ nào thắc mắc.

Chợ cóc họp trên vỉa hè đường Trần Quý Kiên, trong lòng khu đô thị Dịch Vọng, Cầu Giấy hoạt động tấp nập đã nhiều tháng nay.
Chợ cóc họp trên vỉa hè đường Trần Quý Kiên, trong lòng khu đô thị Dịch Vọng, Cầu Giấy hoạt động tấp nập đã nhiều tháng nay

Tại khu đô thị Nam Trung Yên, Cầu Giấy, nằm ngay dưới chân những tòa chung cư cao cấp là khu chợ cóc hoạt động tấp nập vào buổi sáng sớm và chiều tối hàng ngày. Dù khu đô thị này cách siêu thị BigC chưa đầy một Km nhưng chợ cóc vẫn đắt hàng.

Ông Trịnh Văn Quế - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Đình, thừa nhận khu chợ cóc này hoạt động trên địa bàn xã, nhưng ông khẳng định chợ mới hoạt hoạt động khoảng một tháng nay. Thừa nhận chợ không có giấy phép, các tiểu thương không được cấp phép kinh doanh nhưng ông Quế phủ nhận chuyện công an xã Mỹ Đình đi thu tiền của các tiểu thương kinh doanh trong chợ. “Ban lãnh đạo xã Mỹ Đình không chỉ đạo công an xã thu tiền của các tiểu thương kinh doanh không phép ở khu chợ này. Các đồng chí công an xã cũng không báo cáo việc thu tiền”, ông Quế nói.

Ông Quế giãi bày, cực chẳng đã xã phải cho các hộ kinh doanh bán hàng tập trung ở khu vực đường cụt Đỗ Xuân Hợp, còn hơn để họ buôn bán rải rác khắp các phố trong lòng hai khu đô thị Mỹ Đình 1 và 2 khiến xã rất khó quản lý vấn đề ô nhiễm môi trường và an ninh trật tự. Còn về nguồn gốc và chất lượng của khối lượng lương thực khổng lồ đổ vào khu chợ này mỗi ngày, xã đành bó tay.

Bài và ảnh: A. Nhiên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang