Dân ‘ngạt thở’ trong nước bẩn, chính quyền bảo 'phải từ từ'

authorDương Phương Ngọc 07:13 28/07/2017

(VietQ.vn) - 15 năm nay, người dân ở đường Nhữ Đình Hiền và Lê Thanh Nghị (Tp.Hải Dương) phải sống chung với mùi hôi thối, nồng nặc do nguồn nước bẩn, ô nhiễm của kênh T2. Họ đã “cầu cứu” khắp nơi nhưng chính quyền vẫn "bình chân như vại".

Thiệt đơn thiệt kép

Hiện trạng kênh T2 mặt nước quanh năm vẩn đục một màu đen đặc sệt, bốc lên nồng nặc mùi hôi thối kèm cảm giác cay mắt, hai bên bờ kênh có đoạn vẫn còn là bờ đất chưa được quy hoạch nên cảnh quan rất nhếch nhác, bẩn thỉu.

Với chức năng chính là chứa nguồn nước thải công nghiệp từ các nhà máy gần địa bàn và nước thải sinh hoạt từ các hộ dân đổ ra, mỗi khi trời mưa, kênh T2 còn tiếp nhận thêm lượng nước lớn đổ về từ phía tây thành phố nơi có diện tích khoảng 500 héc ta, thế nhưng, đoạn nút thắt cổ chai với chiều dài gần 100m rất hẹp có chỗ chỉ còn rộng 1,5m nên nước không thể thoát kịp. Chỉ cần trời mưa to bất thường là nước và rác bẩn có thể tràn vào nhà dân khiến cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn.

‘Người đàn bà thép’ ở FPT tiết lộ kinh nghiệm kinh doanh ‘có một không hai’ (VietQ.vn) - “Khi Apple còn chưa ngó ngàng gì đến thị trường Việt Nam, chúng tôi đã thể hiện sự chủ động hết mức, dù bị 'hành' lên xuống…” – CEO FPT Retail nói về kinh nghiệm làm lãnh đạo là phải lì lợm.

Ngoài việc chịu đựng sự ô nhiễm trên, người dân còn phải chịu thêm nguy cơ bùng phát dịch bệnh bởi nơi đây ruồi, muỗi sinh sôi phát triển rất mạnh và luôn tìm cách bay vào nhà dân trú ngụ.

 15 năm nay, người dân ở Hải Dương phải sống chung với nước bẩn.

Ông Nguyễn Thắng, người dân sống tại đường Nhữ Đình Hiền cho biết: “Ngoài việc mặt nước ô nhiễm phát tán mùi hôi ra môi trường, kênh T2 là nơi có lượng loăng quăng phát triển rất mạnh, nhà chúng tôi luôn phải đóng kín cửa cũng như dùng các biện pháp phòng ngừa nhưng vẫn bị muỗi đốt thường xuyên. Nếu xảy ra dịch bệnh thì chắc chắn nơi đây có nguy cơ bùng phát cao. Chừng nào cơ quan chức năng chưa có biện pháp khắc phục thì sẽ rất thiệt thòi cho bà con chúng tôi”.

Ông Nguyễn Hưng, một người dân sống ở khu vực này, cho biết thêm: “Không những chúng tôi phải hít thở bầu không khí ô nhiễm hôi thối bên ngoài bờ kênh mà trong nhà cũng bị mùi hôi xâm nhập qua đường ống thoát nước chạy ngược vào nên người lúc nào cũng có cảm giác rất khó chịu”.

 Trạm bơm Bình Lâu bơm nước bẩn đẩy ra sông Sặt.

Được biết nguồn nước ô nhiễm trên được trạm bơm Bình Lâu bơm đẩy ra sông Sặt rồi từ đó nguồn nước chảy thẳng ra sông Thái Bình, cách đó không xa tầm hơn 3km là Nhà máy nước Việt Hòa - nơi sẽ thu nước thô trực tiếp tại nguồn sông Thái Bình để xử lý và cung cấp nước sạch cho thành phố Hải Dương.

Mòn mỏi chờ chính quyền xử lý ô nhiễm

Cách đây hơn 1 năm, hiện trạng của kênh T2 cùng với môi trường ô nhiễm đã được PV Chất lượng Việt Nam phản ánh tới lãnh đạo Bộ Y tế. Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi Sở Y tế Hải Dương để yêu cầu xử lý, giải quyết bởi lẽ đây là vấn đề thuộc thẩm quyền địa phương nhưng theo phản ánh của người dân, kênh T2 vẫn chưa một lần được cơ quan chức năng phun muỗi phòng ngừa dịch bệnh.

Ngày 23 tháng 12 năm 2016, UBND tỉnh Hải Dương ban hành quyết định số 3865/QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình nạo vét, mở rộng kênh T2 và xây dựng trạm bơm Bình Lâu, TP. Hải Dương. Người dân sinh sống gần kênh T2 tưởng chừng có thể hi vọng môi trường được cải thiện nhưng tới nay dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Liên quan đến dự án trên, trước đó quý III năm 2016, UBND TP. Hải Dương đã cho đơn vị chuyên môn nạo vét một phần tuyến kênh đoạn từ ngã tư máy sứ tới đoạn tiếp giáp đường Bà Triệu bằng cách nạo vét bùn và rác đọng lòng kênh với chiều dài khoảng 200m, mục đích khơi thông dòng chảy và một phần giảm bớt ô nhiễm. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, nhận định đoạn đã được nạo vét vẫn bị ô nhiễm giống đoạn chưa được nạo vét.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Hồ Đăng, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hải Dương cũng đã từng khẳng định: Kênh T2 là dự án xây dựng kè, nạo vét bùn, mở rộng, dẫn về trạm bơm Bình Lâu, còn việc xử lý toàn bộ nước thải từ các nơi khác đổ về thì nằm trong một dự án khác vì cần phải vay vốn.

Hình ảnh nước thải của trạm bơm Bình Lâu bơm ra sông Sặt.

Được biết mục đích chính của dự án nạo vét, mở rộng kênh T2 và xây dựng trạm bơm Bình Lâu, TP. Hải Dương là để khơi thông dòng chảy và thoát nước chống ngập úng khi mùa mưa tới, đối với người dân đây không phải là công trình kèm theo biện pháp xử lý dứt điểm ô nhiễm kênh T2.

Ông Đăng cũng cho biết, về lâu dài, kênh T2 sẽ được quy hoạch thành khu đất công cộng, tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Các công đoạn đều phải từ từ thực hiện”.

Không biết thời gian, tiến độ thực hiện dự án “từ từ” tới mức nào nhưng sự chậm chễ trong công tác xử lý môi trường khiến người dân nơi đây đang hàng ngày, hàng giờ chịu cảnh “chết dần, chết mòn” bởi sự ô nhiễm.

 

 Nguồn nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối khiến cư dân quanh đây "sống dở, chết dở".

Để thực hiện dự án nạo vét, mở rộng kênh T2 và xây dựng trạm bơm Bình Lâu, TP. Hải Dương. UBND TP. Hải Dương có chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm nên đã giao cho UBND hai phường Tân Bình và Lê Thanh Nghị vận động người dân hiến đất giải phóng mặt bằng để mở rộng kênh. Tuy nhiên, một số hộ dân không đồng ý với các lý do khác nhau, trong đó có ý kiến cho rằng việc mở rộng kênh T2 phải gắn với việc xử lý dứt điểm ô nhiễm bằng cách cho xây cống hộp kín để tránh phát tán mùi hôi ra môi trường khi đó người dân sẽ ủng hộ chủ trương theo kiểu “Lợi ích tập thể gắn với lợi ích cá nhân”.

Thiết nghĩ, việc mong mỏi có một môi trường sống trong sạch – là một nhu cầu rất chính đáng của người dân sinh sống bên cạnh kênh T2, tuy nhiên, thái độ thờ ơ và thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng khiến họ đang cảm thấy vô cùng thất vọng. Và cho tới khi nào, việc xử lý ô nhiễm môi trường quanh kênh T2 chưa được đặt lên hàng đầu, người thiệt thòi nhất vẫn là chính là người dân.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang