Dân tỉnh lẻ: "Chúng tôi không lên Hà Nội để ăn xin"

author 07:06 29/10/2012

(VietQ.vn) - Khi nào những người dân tỉnh lẻ như chúng tôi lên Hà Nội để ăn xin, làm nặng gánh Thủ đô thì hãy hạn chế chúng tôi nhập cư nơi đây - một lái xe taxi Mai Linh.

Người tỉnh lẻ là lao động chính ở Hà Nội?

Khảo sát của Chất lượng Việt Nam trên địa bàn Hà Nội cho thấy, hầu hết các công việc ở Thủ đô đều có vai trò của người dân có quê ở nơi khác (chúng tôi tạm gọi là "tỉnh lẻ", nhưng không có ý miệt thị).
Người ngoại tỉnh đang giúp người Hà Nội giàu hơn? Ảnh: internet
Người ngoại tỉnh đang giúp người Hà Nội giàu hơn? Ảnh: internet
Từ việc cung cấp thực phẩm, cứ mỗi sáng, hàng trăm nghìn người lao động ở các vùng lân cận đã trở rau xanh, thịt, gia vị...vào nội đô, cung cấp cho các đầu mối. Chủ các kiot trong các chợ cũng có rất nhiều người từ quê lên đây.

Trong các công sở, lực lượng các công chức, viên chức cũng có rất nhiều người quê ở nơi khác. Ngay ở tòa soạn Chất lượng Việt Nam, lực lượng cán bộ - phóng viên quê ở Hà Nội chỉ chiếm 5%.

Trong số các Bộ trưởng đương nhiệm, số các Bộ trưởng được thống kê quê ở Hà Nội chiếm khoảng 3/22.

Trong các kỳ thi Olympic quốc tế, số lượng các thí sinh đạt giải đến từ các tỉnh lẻ đã và đang tăng, phá vỡ việc áp đảo các trường chuyên của Hà Nội trong những kỳ thi danh giá này.

Sao lại hạn chế nhập cư?

Những người đồng tình với dự Luật Thủ đô, khi phát biểu thảo luận trước Quốc hội cho rằng, cần cơ chế đặc thù cho Hà Nội, và với việc dân số cơ học tăng nhanh, cần có biện pháp kiềm chế tình hình. Mặt khác, nhiều nước phương Tây cũng làm vậy.

Tuy nhiên, nhiều người đã từng sống và làm việc ở Mỹ và các nước phương Tây cho biết, cuộc sống của người dân nông thôn các nước đó đều rất khá.

Ngôi nhà của gia đình nông dân Brad Tucker, bang Illinois, nước Mỹ . Ảnh : Việt Hùng
Ngôi nhà của gia đình nông dân Brad Tucker, bang Illinois, nước Mỹ .
Ảnh : Việt Hùng
"Trong hành trình đi dọc nước Mỹ, tôi đã gặp những nông dân Mỹ chính hiệu, có thu nhập tới 90.000 USD sau thuế mỗi năm, một tay họ làm mà đủ nuôi cả một gia đình sống sung túc" - nhà báo Việt Hùng, báo Tiền Phong đã nhận định như vậy trong chuỗi ký sự của anh về đất nước mà một số người đang viện dẫn để ủng hộ dự Luật Thủ đô.

"Chúng tôi lên Hà Nội làm ăn vì ở quê không kiếm đủ tiền cho con ăn học. Làm ruộng thì đến bao giờ mới xây được nhà khang trang chống nóng mùa hè, rồi khi bệnh tật biết bán gì để lo tiền thuốc?" - chị Nguyễn Thị Sen, bán hoa quả ở chợ Xanh, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết.

"Chúng tôi lên Hà Nội là để làm việc, kiếm tiền. Khi nào những người dân tỉnh lẻ như chúng tôi lên Hà Nội để ăn xin, làm nặng gánh Thủ đô thì hãy hạn chế chúng tôi nhập cư nơi đây" - một tài xế taxi Mai Linh, quê ở huyện Xuân Trường, Nam Định tâm sự với chúng tôi, khi được chúng tôi nói qua về dự luật Thủ đô.
 
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Dương chỉ ra tình trạng nhiều cơ sở sản xuất ở Hà Nội chưa chuyển ra ngoài. Có đại biểu khác còn chỉ ra việc chậm trễ trong việc di chuyển các đại học và bệnh viện ra nội đô theo đúng lộ trình. "Những người được coi là học cao ở bệnh viện, trường học còn muốn níu kéo ở nội đô, vậy sao cứ muốn đưa dân nghèo ít học ra ngoài?" - một kỹ sư quê ở huyện Gia Lâm, Hà Nội nói.

"Giá chạy trường" sẽ tăng?

Một phụ huynh cũng quê ở Nam Định, đang sinh sống ở đường Phạm Văn Đồng, huyện Từ Liêm, Hà Nội lo lắng: "Nếu hạn chế đăng ký thường trú thì gia đình sẽ khó có cơ hội cho con học các trường phổ thông công lập. Mà nếu học ở các trường tư thì tốn tiền. Mình thích con học trường công hơn, vì trường công có cả học sinh giàu và nghèo, nên cháu sẽ phát triển nhân cách toàn diện hơn".

"Hạn chế nhập cư thì giá chạy trường sẽ tăng lên bao nhiêu?" - anh LQH, một phụ huynh là viên chức, làm việc ở đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy nói.

Đà Nẵng dừng hạn chế nhập cư

Sau khi một số ít tờ báo (trong đó có Chất lượng Việt Nam) và dư luận đưa nhiều ý kiến trái chiều về việc hạn chế nhập cư ở Đà Nẵng, cuối cùng, cuối tháng 9/2012, chính quyền thành phố bên sông Hàn đã ra văn bản dừng việc làm sai với pháp luật này.

 
Đông Phương
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang