Đặng Lê Nguyên Vũ: "Tôi bị Trời đày"

author 14:24 05/02/2013

(VietQ.vn) - Tôi là người như vậy, giống như bị trời đày. Luôn ưu tư lo lắng cho xứ sở, sợ lại rơi vào những giai đoạn khó khăn. Tôi cứ cố tìm câu trả lời. Tôi nghĩ nó cũng không xa vời gì với sự nỗ lực tất cả vì tinh thần cà phê...

Ngay từ những năm đầu khởi nghiệp, Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên – đã không chỉ được biết đến với những sáng kiến táo bạo cho cà phê, nông sản Việt Nam, anh còn luôn trăn trở với đất nước và thế hệ trẻ qua nhiều chương trình cộng đồng có sức hút lớn như các diễn đàn Nước Việt nhỏ hay không nhỏ? (báo Thanh Niên), ngày Tuần hành vì nước Việt, Quỹ học bổng Khơi nguồn sáng tạo tài năng trẻ,…

Gần đây, cùng với Trung ương Đoàn, anh lại cùng tập thể Trung Nguyên tạo ra một sự thao thức của tuổi trẻ với khát vọng khởi nghiệp kiến quốc.

Đặng Lê Nguyên Vũ từng theo học ngành y rồi...bỏ học làm kinh doanh. Ảnh: TN
Đặng Lê Nguyên Vũ từng theo học ngành y rồi...bỏ học làm kinh doanh.
Ảnh: TN
Phong trào khởi nghiệp cho thanh niên được tổ chức trong lúc khó khăn, bao nhiêu doanh nghiệp chết yểu. Anh có thấy lo lắng không?

Tôi không nhìn vào hiện tượng tức thời mà xem xét mọi việc theo cả một quá trình. Từ lâu, tôi đã nỗ lực đóng góp tối đa từ việc đề xuất các chiến lược cho đến thực thi mẫu ngay cả trong hoàn cảnh dễ làm cho con người sợ, không dám nghĩ. Tất cả đều bắt đầu từ tư tưởng.

Trong một thế giới đầy rẫy các cuộc khủng hoảng đan xen như hiện tại thì thế giới cũng cần phải tư duy lại, thiết kế lại, vận hành lại. Một cách biện chứng thì tôi nhìn đỉnh điểm này, mâu thuẫn nào rồi cũng phải có cách giải quyết. 

Anh thấy thanh niên có thật sự khao khát khởi nghiệp, hay họ chỉ quan tâm làm sao có một việc làm thuê?

Niềm khao khát của họ là có thật! Câu chuyện khởi nghiệp quả đã đánh đúng nỗi niềm của họ. Trong chương trình ngày hội Sáng tạo vì Khát vọng Việt (23/11/2012), chúng tôi không thể ngờ có tới 60 ngàn lượt người tham dự, trong đó tới hơn 80% là các bạn trẻ.

Hai khán phòng hội thảo chật kín, họ khao khát được nghe và được nói, họ có hết: mong mỏi, khao khát, quan tâm... nhưng họ chưa được quan tâm giúp đỡ đúng mức. Động cơ, lý tưởng không có thì học công cụ làm gì, phương tiện dùng làm gì? Như xác không hồn, mà ngay cái xác cũng không phải của mình luôn. Phải dám nghĩ: người khác làm được, mình cũng làm được.

Nước khác làm được, Việt Nam cũng làm được. Vấn đề là thanh niên cần được chuẩn bị tâm thế để hoài bão lớn, khát vọng lớn, được hướng dẫn. Chính vì thế cuộc vận động này sẽ chia làm hai giai đoạn, giai đoạn đầu cung cấp cho họ những cuốn sách hữu ích (chúng tôi dự định tặng 100 triệu cuốn sách cho 23 triệu thanh niên). Ở giai đoạn tiếp theo, chúng tôi sẽ tiến hành giúp trao cho họ công thức để thực hiện thành công những khát vọng, hoài bão đó. Đây là giai đoạn đòi hỏi sự nỗ lực cao độ của toàn bộ đội ngũ của chúng tôi và sẽ là lý tưởng nếu nó trở thành cuộc vận động của toàn xã hội.

Anh cũng từng vạch ra một trong những điểm yếu của dân tộc Việt là thiếu tinh thần doanh nhân. Điều này có là cản trở thanh niên không?

Người Việt mình vốn không “ưa” thương mại, thường nghĩ tới việc làm giàu theo nghĩa tiêu cực. Đây chính là điểm yếu cần phải sửa đổi vì một quốc gia mạnh chỉ khi có nền kinh tế mạnh. Theo tôi, tinh thần doanh nhân phải nằm trong mọi tầng lớp chứ không phải chỉ ở doanh nhân hay thanh niên. Nhà chính trị, văn hóa… mọi lĩnh vực khởi nghiệp đều phải có tinh thần doanh nhân cao độ. Nhưng chỉ tinh thần doanh nhân thôi thì chưa đủ.

Cần có nhiều con người trong một con người. Chúng ta còn cần cả tinh thần sáng tạo, cũng đồng nghĩa với việc phải tạo ra và có được một môi trường phản biện, tư duy độc lập, óc quan sát, sự trải nghiệm – thứ mà chúng ta đang thiếu. Và cuối cùng, chúng ta cũng cần phải có tinh thần chiến binh thách thức áp lực, chứ không thể vì khó khăn mà như con chim di trú bỏ chỗ khó đi tìm nơi khác, không chịu cải tạo hoàn cảnh.

Nhưng người ta bảo vậy là khôn ngoan, trời lạnh thì đi tìm nơi ấm áp, hết lạnh lại về?

Trái đất này nay chạy đi đâu? Khôn vặt để đạt được kiểu giao thông leo lề hay sao?

Gần đây anh lại xuất hiện nhiều trên truyền thông nước ngoài. Họ quan tâm không phải những chuyện kinh doanh thông thường, mà hay hỏi về trí tuệ, suy nghĩ và khao khát đặc biệt ở anh, những điều mà trong nước có người bảo “đại ngôn”. Anh thử giải thích vì sao?

Tầng lớp doanh nhân ở các nước phát triển đều là những nhà văn hóa, những nhà tư tưởng… Đó không phải là những gì xa lạ hay khó hiểu ở các xã hội đó, nên truyền thông quốc tế cũng không thấy cái gì là quá, là “đại ngôn” trong những phát biểu hay tranh luận của tôi. Điều họ quan tâm có lẽ là vì ở Việt Nam lại có một doanh nhân muốn xây dựng triết lý và mô hình phát triển.

Xã hội họ đã trải qua những giai đoạn như chúng ta nên họ rất nhạy bén với những tư duy mới lạ, thú vị và có thể có tác động, giá trị. Thế giới đang tư duy, thiết kế, vận hành lại nên họ cũng chú ý những đề xuất của tôi về vấn đề tư duy lại, xác lập lại hệ giá trị phát triển với những lý lẽ kêu gọi trên tinh thần cà phê hài hòa và bền vững.

Anh nghĩ gì khi có ý kiến phản ứng lại việc khi trả lời phỏng vấn Reuters, anh dám chê cà phê Starbucks, và anh nghĩ sao về sự cạnh tranh với họ?


Starbucks là một hãng lớn, họ hơn hẳn chúng tôi về tuổi đời và khối tài sản vật chất khổng lồ. Họ lại có bệ đỡ là bộ máy thực thi tuyệt vời – điểm rất thiếu và yếu ở người Việt. Suốt quá trình khởi nghiệp của mình, tôi đã đi nhiều quốc gia, đã tự hỏi rất nhiều lần rằng tại sao nước này lại thành công, nước kia lại nghèo khổ? Phải chăng vì tài nguyên, vì những điều kiện thuận lợi này nọ?

Nhưng nếu chỉ vì những lý do như thế thì người Do Thái, Nhật Bản, Hàn Quốc,… sao dù quá nghèo tài nguyên, quá khó khăn về vị trí địa lý,… mà vẫn giàu có, vẫn phát triển, thậm chí kiểm soát những điểm then chốt của thế giới. Vậy là cái gì đây? Theo tôi, vốn lớn nhất chính là hoài bão, khí phách, niềm tin cao độ.

Tôi thấy lạ là trong nhiều cuộc trao đổi về Starbucks với giới giáo sư giảng dạy của nhiều trường bên Anh, Mỹ, và nhiều chuyên gia trong ngành cà phê của Đức, Ý, Úc,… thì họ đều ủng hộ quan điểm của tôi. Còn người Việt, một số ở trong và ngoài nước lại phản ứng. Tôi nghĩ là vì người Việt mình thiếu niềm tin vào đồng bào mình! 

Sao anh không chỉ tập trung phát triển sản xuất kinh doanh cà phê mà còn suy nghĩ đệ trình chiến lược hùng mạnh… rồi xây dựng triết lý để Việt Nam có “tư tưởng gì ảnh hưởng thế giới bên ngoài”, cho… đau đầu?

Người ta bảo bao đồng đó… Nhưng tôi là người như vậy, giống như bị trời đày. Luôn ưu tư lo lắng cho xứ sở, sợ lại rơi vào những giai đoạn khó khăn. Tôi cứ cố tìm câu trả lời. Tôi nghĩ nó cũng không xa vời gì với sự nỗ lực tất cả vì tinh thần cà phê.

Trên báo chí và bà con ngoài chợ xôn xao hình ảnh anh cùng nhân viên ra tận chợ, đó là thực hiện nhiệm vụ gì vậy?

Chúng tôi muốn hiểu tâm tư, muốn lắng nghe tận bên dưới một cách trực tiếp, không chỉ để hiểu bà con tiểu thương mà hiểu chính đời sống của nhân viên mình. Phải ra chợ để biết các thương hiệu chết sống ra sao và xem buôn bán, xem hàng lên quầy lên kệ. Thương hiệu nước ngoài có chính sách ưu đãi đầu tư, chuyển giá… nên có nhiều điều kiện chi phí cho quảng bá, thứ mà trong nước không có. Chúng tôi phải đi để thu hoạch nhiều vấn đề thực tiễn phong phú.

Theo anh, nếu tuyển một người cho Trung Nguyên thì phải đòi hỏi đặc biệt thế nào để thấm nhuần ý tưởng của anh?

Đầu tiên phải có động lực khát khao với mục tiêu đưa Trung Nguyên ra toàn cầu và toàn ngành cà phê Việt Nam đạt con số 20 tỉ USD, đồng thời xây dựng triết lý cà phê đóng góp vào mô hình phát triển, chứ không là người chỉ đi làm cốt lấy đồng lương. Sau đến có bản lĩnh và kỹ năng giải quyết vấn đề. Cuối nữa là điều tất nhiên phải có kỷ cương.

Chúng ta có những điểm yếu nào trong tính cách phải giải quyết để vươn lên?

Tôi thấy người Việt mình có một số điểm yếu cốt tử.

Thứ nhất là tư tưởng nô lệ về học thuật bên ngoài, người học theo Tây thì coi Tây là nhất, người theo các lý thuyết phương Đông thì cũng nói thế mới sâu sắc, đúng đắn.

Thứ hai là chúng ta không có tính kế thừa, sóng sau xô bỏ sóng trước.

Điểm yếu thứ ba là khả năng thực thi vô cùng yếu. Cộng thêm vào đó là tính đố kỵ, tư duy cào bằng, không muốn người khác hơn mình.

Nhưng điểm yếu đáng lo ngại nhất có lẽ là não trạng của người Việt mình luôn hướng vào bên trong, quay về quá khứ.

Đây là thời đại nào rồi? Cả thế giới đang thay đổi, chúng ta cũng phải nhìn ra bên ngoài, hướng về tương lai, không thể nào đi ngược xu thế thời đại được. Để sửa tất cả những điểm yếu cốt tử này, tôi nghĩ phải bắt đầu từ văn hóa– văn hóa là mấu chốt mọi vấn đề. Chúng ta phải chuyển từ văn hóa âm tính, hay e dè, sợ hãi, thấy gì đồ sộ là ngại, là sợ,… sang văn hóa khát khao chinh phục, mong muốn tạo dựng ảnh hưởng,… Nếu chúng ta không có tư tưởng đua tranh với thế giới, chúng ta sẽ tụt hậu!

Cái gì làm nên niềm tin mãnh liệt của anh?


Không biết thật rõ. Nhưng tôi tin tố chất dân tộc, sức mạnh của dân tộc này, sẽ làm được đấy… Ai cũng thao thức đào sâu thì sẽ gặp nhau. Con người thức tỉnh cùng nhau mọi việc sẽ khác… 

Cảm ơn anh !
 
Theo Tia Sáng
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang