Đắng lòng người đàn bà có chồng và con bị tâm thần

author 09:46 14/04/2014

(VietQ.vn) - Gần 10 năm nay, người phụ nữ ấy hàng ngày vẫn miệt mài không quản mưa nắng đi bộ gần 20 cây số vượt qua 2 quả đồi để đốn củi, về bán lấy tiền đong từng bát gạo lo cho gia đình nhỏ có con bị tàn tật và chồng bị tâm thần.

Chị tên Vũ Thị Hồng Hạnh ở thôn Cao Quang, Thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc). Nhiều năm nay người dân trong thôn khôn còn lạ gì với hình ảnh người phụ nữ gầy gò gánh những gánh củi to gấp mấy lần thân mình, nhặt nhạnh từng đồng lẻ để lo cho cuộc sống gia đình mình.

Cũng là "tấm" chồng

Sẩm tối, lặc lè gánh củi về tới đầu sân, người phụ nữ với thân hình nhỏ nhắn không vượt quá 30kg, khuôn mặt hốc hác, gượng cười mời khách vào nhà. Căn nhà cấp bốn lụp xụp không có gì đáng giá ngoài chiếc tivi nhỏ chập chờn lúc có lúc không, chiếc giường kê xát vách tường và bộ bàn ghế uống nước cũ kỹ.

Từ ngày lấy chồng đến nay đã gần 10 năm, nhưng chưa một ngày nào chị Hạnh được nhờ vả ở chồng. "Trước khi lấy anh, cũng có vài ngươì giơí thiêụ cho chị  đám này đám nọ, ai cũng cao to khỏe mạnh, nhưng duyên số làm sao mà mình đều không dám nhận lời...", người phụ nữ bé nhỏ bắt đầu câu chuyện như thế...

Chị Hạnh một mình chăm sóc 2 "người đàn ông" trong nhà

Cho tới ngày, trong một lần đi chợ chị Hạnh tình cờ người đàn bà, sau này trở thành mẹ chồng của chị. Bà tâm sự rất nhiều về hoàn cảnh gia đình, nhất là về đứa con hiền lành, tính tình chỉ chậm chạp, mát tính, ít nói của mình. Trong câu chuyện, bà chỉ đau đáu nỗi niềm: Không biết sau này bà mất đi, đứa con trai ấy sẽ lấy ai để nương tựa? 

Không hiểu trời đất run rủi thế nào mà chỉ sau lần gặp ấy, chị Hạnh cũng năng ghé thăm nhà người đàn bà nọ. Lần nào qua chơi, cũng thấy người con trai ai hỏi gì cũng chỉ cười khì khì...Vậy mà chị Hạnh cũng thấy mến vì nghĩ "anh sẽ là người dễ sai, dễ bảo"....

Rồi một đám cưới cũng diễn ra, nhưng đó là đám cưới  “trần đời chỉ có một” mà người đời “dành tặng” cho chị, bởi không ai lành mà lại đi lấy một người không bình thường.Cuộc sống vợ chồng diễn ra không lâu thì chị Hạnh phát hiện chồng mình bị bệnh thần kinh từ nhỏ. Con tim chị như chết ngất khi chứng kiến cảnh chồng lên cơn, nổi khùng, điên điên dại dại...

Gánh nặng cơm áo đè nặng lên đôi vai bé nhỏ

Hơn 1 năm trôi qua, chuyện về cái đám cưới “trần đời” của anh chị tạm khép lại trong tâm trí, miệng lưỡi của người đời, thì kết quả của cuộc hôn nhân “kẻ lành người bệnh”, đã chào đời. Những tưởng cuộc sống sẽ ấm cúng và hạnh phúc hơn khi họ chào đón đứa con trai đầu lòng là bé Bùi Tuấn Tú.

Trớ trêu thay, cái tên cũng là niềm hi vọng ấy lại mắc bệnh tâm thần bẩm sinh và liệt nửa người. Một tháng sau khi sinh Tú mới bắt đầu tập khóc. Kể từ đó cho đến nay, dù đã lên 8 tuổi nhưng Tú chỉ biết nằm một chỗ không tự di chuyển được, miệng lúc nào cũng ú ớ mà không thể cất thành lời.

8 tuổi, con trai của chị Hạnh vẫn chưa biết đi, biết nòi

Gánh nặng lại đè lên đôi vai bé nhỏ của chị Hạnh, tiền thuốc, tiền viện cho chồng, cho con khiến chị mệt nhoài. Không đêm nào chị có giấc ngủ ngon khi chồng, con bệnh tật ốm đau. “Nhiều lúc bí quẫn cùng cực, tôi chỉ biết khóc thầm trong đêm tối, nghĩ sao số phận mình hẩm hiu vậy, người ta có vợ có chồng cùng lo lắng đỡ đần nhau, con cái thì mạnh khỏe, còn tôi chỉ có một mình, khi buồn khi vui cũng không biết chia sẽ cùng ai, giá như tôi được một phần như gia đình người khác là tôi đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi”, nói đến đây chị Hạnh lấy vạt áo lau nước mắt vì xúc động.

Hàng ngày chị đi bộ gần hai chục cây số chặt củi về bán kiếm tiền, tối đến nấu cơm, chuẩn bị bữa ngày mai cho chồng và con trai mình, may sao bé Tú cũng ngoan nên anh Mười giúp được khoản trông con cho chị đi làm. Một ngày bắt đầu với chị Hạnh từ 3g sáng. Chuẩn bị bữa ăn cho chồng con xong rồi chị đi cho tới xế chiều khi gom được gánh củi về đến nhà, để đó phơi khô ai mua thì bán..

.Nhưng có những hôm cả chồng và con chị đều phát bệnh, chị lại phải ở nhà cả ngày để chăm sóc chồng và con, đêm đến phải thức trắng đêm trông chừng.

“Những lúc trái nắng trở trời bố con thằng Tú phát bệnh, lúc nhìn thấy cảnh chồng vật vã đau đớn, lòng  tôi tan nát thương chồng con nhưng không làm gì được, nhà nghèo không đưa đi viện lớn được, trước kia tôi phải bán mấy sào ruộng để chữa chạy cho bố con anh ấy, giờ không còn thứ gì đáng giá nữa, mỗi lần phát bệnh tôi chỉ đưa đến trạm rồi xin thuốc về nhà cho 2 bố con uống thôi”, chị Hạnh tâm sự.

Ước muốn tột cùng của chị là muốn nhìn thấy con mình chạy nhảy chơi đùa, được đi học như những đứa trẻ khác. Nhưng đối với bé Tuấn Tú dường như hi vọng ấy không còn, điều duy nhất bây giờ là mong cho chồng con chị khỏe mạnh là động lực cố gắng cuối cùng cho người mẹ, người vợ ấy

Lâm Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang