Đánh bật đối thủ nhờ nâng cao năng suất chất lượng

author 09:41 20/04/2014

(VietQ.vn) – Nhiều doanh nghiệp đồ uống Việt Nam đã khiến các đối thủ nước ngoài nể sợ nhờ áp dụng thành công các công cụ quản lý tiên tiến, hệ thống quản lý chất lượng vào quản lý, điều hành, sản xuất, cho ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, người tiêu dùng ưa thích.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Cạnh tranh lành mạnh với đối thủ nước ngoài

Ông Nguyễn Phú Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, nâng cao năng suất và chất lượng (NS&CL) cho các doanh nghiệp rượu, bia, nước giải khát là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao NS&CL sản phẩm, hàng hóa ngành Công nghiệp” thuộc Chương trình Quốc gia “Nâng cao NS&CL sản phẩm, hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Thông qua chương trình, thúc đẩy các hoạt động nâng cao NS&CL sản phẩm, hàng hóa cho doanh nghiệp, đẩy mạnh áp dụng giải pháp quản lý tiên tiến và hiệu quả; ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ nhằm mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp.

Tan Hiep Phat

Dây truyền hiện đại hàng đầu khu vực về đồ uống của Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Ảnh: A. P

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Rượu – Bia – NGK Việt Nam (VBA), điển hình của việc chú trọng đến công tác nâng cao NS&CL sản phẩm, đầu tư xây dựng nhiều nhà máy mới có công nghệ, trang thiết bị hiện đại ngang tầm khu vực là trường hợp của các nhà máy thuộc HABECO, SABECO, Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Nhà máy rượu Hà Nội tại KCN Yên Phong (Bắc Ninh)…

Ông Việt cho rằng, các doanh nghiệp đồ uống trong nước đã cạnh tranh ngang ngửa, thậm chí còn “đánh bật” thương hiệu lớn ra khỏi thị trường Việt Nam. Cụ thể như Bia Hà Nội đã góp phần đẩy lùi Bia Vạn Lực (Trung Quốc) ra khỏi thị trường Việt Nam vào những năm 1990 của thế kỷ XX.

“Doanh nghiệp ngành đồ uống Việt Nam đã cung cấp đủ sản phẩm cho thị trường, không để thiếu hàng, cho ra đời nhiều sản phẩm có chất lượng cao, nâng cao sức cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập. Bài học được rút ra đối với các doanh nghiệp chính là phải đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, đào tạo đội ngũ nhân lực làm chủ được công nghệ, vận hành tốt thiết bị, có khả năng tài chính, làm tốt công tác thị trường”, ông Việt nói.

Cũng theo ông Việt, trong thời gian tới, các doanh nghiệp trong ngành cần quan tâm hơn nữa đến công tác nâng cao NS&CL sản phẩm vì nó có tính quyết định sự sống còn của đơn vị. Để làm tốt công tác này, nhận thức của người lãnh đạo và cán bộ công nhân viên là rất quan trọng, cần có con người định hướng và có nhân lực có trình độ để thực hiện được. Nguồn nhân lực không chỉ được đào tạo ở trong nước mà còn phải được học tập, trao đổi kinh nghiệm với doanh nghiệp nước ngoài.

Ở góc độ trực tiếp của doanh nghiệp, ông Nguyễn Hải Hồ - Phó Tổng giám đốc HABECO cho biết, doanh nghiệp này đã thực hiện 5S tại Nhà máy Bia Hà Nội – Mê Linh. Kết quả cho thấy, không gian làm việc, hiệu suất tốt lên, ý thức của người lao động nâng lên rõ rệt, họ cảm thấy hào hứng khi làm việc.

“Sắp tới sẽ triển khai 5S tại các bộ phận thuộc Tổng công ty. Ban lãnh đạo Tổng công ty đặc biệt quan tâm đến công tác nâng cao NS&CL, tổ chức các khóa đào tạo cho cán bộ quản lý, công nhân, sau khóa đào tạo mỗi người phải có báo cáo về sáng kiến tại đơn vị mình, trong các báo cáo đó có khoảng 70% áp dụng được vào thực tế. Đến nay có thể khẳng định tất cả các doanh nghiệp trong hệ thống HABECO có chất lượng đồng đều, ổn định. Mỗi doanh nghiệp đều có đội ngũ cán bộ kiểm soát chất lượng ở từng khâu sản xuất cho đến khi thành phẩm”, ông Hải Hồ nói.

Nhiều doanh nghiệp còn lúng túng

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Năng suất Việt Nam (VPC), từ kinh nghiệm của các nước như Singapore, Nhật Bản, Mỹ cho thấy, để thúc đẩy công tác nâng cao NS&CL sản phẩm, hàng hóa, điều đầu tiên là họ đã làm tốt công tác tuyên truyền cho người quản lý, người lao động về nhiệm vụ này. Mỗi người đều phải suy nghĩ làm sao để các khâu sản xuất được giảm bớt, tinh gọn, rút ngắn thời gian, giảm diện tích sản xuất… nhưng năng suất vẫn đảm bảo, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bia hơi Hà Nội xịn

Các sản phẩm đồ uống do trong nước sản xuất ngày càng chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng. Ảnh: A. P

Cụ thể, ở Singapore, phong trào năng suất đã được phát động từ năm 1981, với các khẩu hiệu như “Cùng nhau làm việc tốt hơn”, “Làm những điều tốt nhất có thể”, “Dám tạo sự khác biệt”… Năm 2011, sau 30 năm thúc đẩy năng suất, chất lượng, GDP của Singapore đã tăng từ 43,6 tỷ đô la lên 300 tỷ đô la, GDP bình quân đầu người đạt trên 50 nghìn đô la. Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, sản phẩm của Nhật Bản không cạnh tranh được trên thị trường thế giới và bị xem là kém chất lượng. Sau đó, Nhật Bản đã tạo cuộc cách mạng về cải tiến năng suất và chất lượng. Kết quả, sản phẩm thương hiệu “Madein Japan” như Honda, Sony, Nikon, Toyota... ngày nay đã trở thành biểu tượng của chất lượng và được người tiêu dùng ưa chuộng. Người Nhật tự hào về thương hiệu madein Japan, bởi chất lượng sản phẩm hàng hóa đảm bảo, luôn được người tiêu dùng tin cậy.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn - hiện nay một số doanh nghiệp trong nước còn lúng túng trong việc lựa chọn các giải pháp phù hợp để nâng cao NS&CL, trong khi đó đội ngũ chuyên gia các lĩnh vực còn thiếu. Các doanh nghiệp cần quan tâm đến việc xây dựng hệ thống quản trị cơ bản, đây là nền tảng để thực hiện những hoạt động cải tiến khác; cần áp dụng 5S để tạo ra môi trường khoa học, sạch đẹp. Ngoài ra, cần tập trung vào các dự án cụ thể để giải quyết từng vấn đề cụ thể của doanh nghiệp, lựa chọn các giải pháp phù hợp; cần có chuyên gia đánh giá kết quả hoạt động… Trong thời gian tới, các doanh nghiệp nên tập trung vào các giải pháp làm sao khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, vốn và tài sản cố định, đầu tư, lao động một cách hiệu quả nhất. Đẩy mạnh đào tạo đội ngũ chuyên gia có trình độ sâu để giúp cho doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt, giảm chi phí sản xuất, giảm số người cùng tham gia một công việc cụ thể; sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, phát triển thị trường để tăng hiệu suất sử dụng nguồn vốn và lao động, nâng cao năng lực quản lý…

Theo bà Vũ Hồng Dân – chuyên gia của Trung tâm Năng suất Việt Nam, muốn nâng cao năng suất, chất lượng thì doanh nghiệp phải có nhận thức về công tác này, từ đó chuyển thành hành động. Mô hình và công cụ nâng cao NS&CL, hiện mới chỉ có tính chia sẻ kinh nghiệm của công ty mẹ ở nước ngoài đối với doanh nghiệp trong nước, nhiều doanh nghiệp muốn những không có khả năng tài chính nên không thực hiện được. Hiện có 10 mô hình công cụ để các doanh nghiệp lựa chọn, mỗi mô hình sẽ giúp đơn vị giải quyết một vấn đề.

Bà Dân cho biết, các mô hình như Hệ thống quản lý dựa trên tiêu chuẩn: ISO 9000, ISO 14000,  ISO 22000, ISO 27000,  ISO 26000, ISO 14001… doanh nghiệp nên biết và đẩy mạnh triển khai, áp dụng.

Còn ông Nguyễn Khắc Sơn – Trung tâm Năng suất Việt Nam cho rằng, tiêu chuẩn ISO 50001: 2011 hệ thống quản lý năng lượng có thể áp dụng rộng nhiều lĩnh vực, dùng để chứng nhận hoặc tự công bố. Các doanh nghiệp đồ uống chiếm chi phí cho năng lượng khá lớn, làm sao giảm được chi phí năng lượng, chủ yếu là chi phí cấp hơi, làm lạnh. Các doanh nghiệp áp dụng hệ thống này có giảm được khoảng 10% lượng nước… Hiện nay, Trung tâm Năng suất Việt Nam đang giúp một doanh nghiệp đồ uống áp dụng hệ thống này như cải tạo hệ thống lạnh tập trung, giảm tiêu thụ, lãng phí năng lượng trong quá trình vận hành; tận dụng nhiệt từ khí thải của lò hơi quay lại làm nóng không khí cho lò hơi.

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang