Đánh giá chất lượng môi trường biển tại bốn tỉnh miền Trung

author 09:40 28/08/2016

Các nhà khoa học đã đưa ra kết quả điều tra, đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường biển và ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển do SCMT nói trên gây ra.

Ngay sau khi xảy ra sự cố môi trường (SCMT) do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (gọi tắt là Công ty Formosa Hà Tĩnh) gây ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã huy động một đội ngũ lớn các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Đại học Quốc gia Hà Nội và các địa phương liên quan để triển khai quan trắc, đánh giá, xác định mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường và suy thoái hệ sinh thái biển tại vùng biển bốn tỉnh miền trung. Đến nay, các nhà khoa học đã đưa ra kết quả điều tra, đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường biển và ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển do SCMT nói trên gây ra.

Về chất lượng môi trường nước biển

Chất lượng môi trường nước biển được đánh giá trên cơ sở kết quả phân tích của 1.080 mẫu (tháng 5-2016), 331 mẫu (tháng 6-2016) và 68 mẫu kiểm chứng (tháng 8-2016). Các nghiên cứu và đánh giá cho thấy các thông số lý hóa, dinh dưỡng, kim loại nặng, nhóm hợp chất hữu cơ và tổng coliform vẫn nhỏ hơn giới hạn cho phép của QCVN 10-MT:2015/BTNMT. Trong tháng 5-2016, 3,8% số mẫu nước biển có hàm lượng sắt cao hơn giá trị cho phép của QCVN 10, tập trung chủ yếu ở Hà Tĩnh và Quảng Bình, mẫu có hàm lượng cao nhất (0,9 mg/l) thuộc bãi tắm Kỳ Ninh (Hà Tĩnh). Trong tháng 6-2016, hàm lượng sắt trong nước biển đã giảm đi đáng kể, số lượng mẫu có hàm lượng vượt giới hạn cho phép cũng đã giảm xuống chỉ còn 1,8%. Các mẫu nước biển có hàm lượng sắt cao phần lớn thuộc vào tầng đáy và các khu vực biển thuộc tỉnh Quảng Bình và tỉnh Thừa Thiên-Huế. Hàm lượng xyanua trong nước biển

 Cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung (Ảnh: AFP)

Trong cả hai chương trình quan trắc vào tháng 5 và tháng 6-2016 đều nhỏ hơn giới hạn cho phép của QCVN 10 và có xu thế giảm. Tuy nhiên, hàm lượng tổng phenol trong nước biển có xu thế ngược lại. Trong tháng 5-2016, các mẫu nước biển đều có hàm lượng phenol nhỏ hơn giới hạn phát hiện đến 10mg/l, nhưng hàm lượng tổng phenol trong nước biển, chủ yếu là mẫu tầng đáy trong tháng 6-2016 lại tăng lên và có 2,7% số mẫu có hàm lượng cao hơn giới hạn cho phép của QCVN 10. Xu thế tăng của phenol trong nước tầng đáy là hệ quả từ quá trình nhả hấp phụ phenol từ phức hỗn hợp mảng bám, keo tụ ở đáy biển. Các khu vực có hàm lượng phenol cao trong nước biển đã được lấy mẫu và phân tích giám sát vào tháng 8-2016. Cho đến nay, hàm lượng tổng phenol trong nước biển đã giảm đến giá trị nhỏ hơn giới hạn cho phép của QCVN 10, nhưng vẫn có hàm lượng cao hơn các khu vực khác. Các khu vực biển có hàm lượng phenol cao gồm khu vực Sơn Dương - Hà Tĩnh, cửa Nhật Lệ - Quảng Bình và chung quanh hòn Sơn Chà - Thừa Thiên-Huế. Đây là các khu vực chịu tác động của dòng biển xoáy cục bộ nên khả năng đối lưu nước kém hơn. Các khu vực này cần được tiếp tục giám sát và quan trắc về chất lượng môi trường. Chất lượng nước biển tại 19 bãi tắm thuộc các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế đã được các tỉnh quan trắc liên tục theo chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường từ đầu tháng 5-2016 đến nay. Tất cả các thông số quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 10, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về tắm biển, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh.

Diễn biến suy thoái và hồi phục các hệ sinh thái biển

Vùng biển thuộc bốn tỉnh miền trung có hệ sinh thái biển đa dạng gồm rạn san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn và rạn đá. Các hệ sinh thái này một mặt đóng vai trò quan trọng trong duy trì đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản cho khu vực biển, nhưng mặt khác lại là đối tượng chịu tổn thương trước SCMT. Vì vậy, trong cả hai chương trình quan trắc, khảo sát, nghiên cứu, đánh giá các hệ sinh thái biển được ưu tiên đặc biệt nhằm có được hiện trạng ảnh hưởng của SCMT đến các hệ sinh thái, xu thế biến động/phục hồi của các hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản. Phương pháp lặn biển để quay phim, chụp ảnh, đo đạc định lượng các hệ sinh thái và thu thập 3.156 mẫu sinh vật phù du, động vật đáy, san hô, cá biển, thực vật ngập mặn và rong cỏ biển đã được thực hiện trong cả hai chương trình quan trắc vào tháng 4, 5-2016 và tháng 6, 7-2016. Ngay sau khi xảy ra SCMT, các rạn san hô đã bị ảnh hưởng mạnh, 100% các rạn san hô đều có dấu hiệu bị tẩy trắng và các nhóm san hô cành hầu hết bị chết hàng loạt. Tỷ lệ san hô chết cao nhất (khoảng 90%) đã quan sát được tại hòn Sơn Dương - Hà Tĩnh và 66,7% tại hòn Nồm (Quảng Bình) và Hải Vân, Sơn Chà - Thừa Thiên - Huế. Tập đoàn sinh vật trên các rạn san hô còn rất ít, mật độ cá biển rất thấp, thấp nhất là hòn Sơn Dương, hòn Nồm. Trong các hang, hốc rạn san hô rải rác có xác các cá thể cá có giá trị kinh tế chết. Do các nguồn thải đã được kiểm soát, chất lượng môi trường biển dần phục hồi, nên các đợt khảo sát trong tháng 6 và 7-2016 không quan sát thấy hiện tượng san hô bị tẩy trắng. Trên rạn san hô khu vực hòn Nồm, Hải Vân, Sơn Chà đã thấy dấu hiệu san hô phục hồi tự nhiên từ những tập đoàn đã bị chết từng phần và ấu trùng san hô bắt đầu định cư và phát triển trên nền đáy rạn. Ở khu vực đảo Hòn La vẫn còn rạn san hô phát triển khá tốt. Đặc biệt, cá có kích thước nhỏ và các động vật đáy đã xuất hiện với mật độ cao hơn thời điểm tháng 4 và 5-2016 tại các rạn san hô, ngay cả tại khu vực hòn Sơn Dương gần nguồn thải của Công ty Formosa Hà Tĩnh. Các khu vực có rạn san hô cần được tiếp tục giám sát và tuyên truyền để người dân có ý thức bảo vệ và bảo tồn các loài thủy sản tại các khu vực biển này.

Vẫn phải tiếp tục theo dõi chất lượng cá tại 4 tỉnh miền Trung(VietQ.vn) - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khẳng định kể cả môi trường biển 4 tỉnh miền Trung đã được khôi phục thì vẫn phải theo dõi chất lượng thủy, hải sản

Chất lượng hải sản đánh bắt đã được Bộ Y tế giám sát đánh giá từ ngày 28-4-2016 đến ngày 8-8-2016. Kết quả kiểm nghiệm đánh giá chỉ ra hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản đã giảm theo thời gian. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện giám sát hải sản đánh bắt tại các vùng biển an toàn đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.

Như vậy, các hoạt động quan trắc, đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường biển và ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển do SCMT gây ra tại bốn tỉnh ven biển miền trung đã được triển khai bằng các quy trình, phương pháp có cơ sở khoa học, đúng theo quy định của Việt Nam và phù hợp chuẩn quốc tế. Các kết quả thu được bằng các phương pháp nói trên cho thấy: chất lượng môi trường nước biển và trầm tích biển tại các khu vực được quan trắc đã nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh; các thông số của môi trường trầm tích nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 43-MT: 2012/BTNMT; tại các khu vực biển cách bờ 1,5 km thuộc Sơn Dương - Hà Tĩnh, cửa Nhật Lệ - Quảng Bình và chung quanh hòn Sơn Chà - Thừa Thiên-Huế vẫn có hàm lượng các hợp chất nói trên cao hơn các khu vực biển khác; với sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải từ Công ty Formosa Hà Tĩnh và do cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường, hàm lượng các chất ô nhiễm từ SCMT đang có xu hướng giảm theo thời gian; các hệ sinh thái biển gồm hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và nguồn lợi hải sản trong vùng biển ven bờ bốn tỉnh miền trung bị suy thoái mạnh cả về đa dạng sinh học và quy mô ngay sau SCMT, nhưng đến nay đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục.

Để bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, cảnh quan, tài nguyên môi trường biển vùng có SCMT, chúng tôi kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần thực hiện một số giải pháp chính sau: Tiếp tục các hoạt động quan trắc, giám sát môi trường biển, khả năng tự làm sạch của môi trường biển, nhất là các vùng tăng cao hàm lượng các độc tố, kết nối dữ liệu, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và các ứng dụng công nghệ hiện đại; nghiên cứu mức độ tích lũy độc tố trong chuỗi thức ăn trong môi trường và hệ sinh thái biển để đánh giá chất lượng môi trường và góp phần đánh giá mức độ an toàn hải sản; nghiên cứu đề xuất các giải pháp hồi phục môi trường và hệ sinh thái biển sau SCMT; giám sát chặt chẽ nguồn phát thải từ Công ty Formosa Hà Tĩnh và các khu công nghiệp, nhà máy ven biển. Về lâu dài cần xây dựng và thực hiện kế hoạch quốc gia chủ động ứng phó với các SCMT trên cơ sở đánh giá, dự báo mức độ nhạy cảm với các SCMT, thảm họa môi trường và những bài học rút ra từ SCMT ven biển miền trung vừa qua và chọn lọc các kinh nghiệm phù hợp của quốc tế, các nước nhằm bảo đảm và nâng cao mức độ an toàn môi trường, phục vụ phát triển bền vững đất nước.

Theo Nhân dân

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang