Danh sách những người giàu nhất Việt Nam

author 10:05 09/07/2014

Chiều 8-7, Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN đã công bố cập nhật tình hình phát triển kinh tế VN, trong đó WB cũng công bố khảo sát về bất bình đẳng ở VN.

Ông Phạm Nhật Vượng - chủ tịch hội đồng quản trị Vingroup có tài sàn trên sàn chứng khoán gần 1 tỉ USD

Theo ông Gabriel Demombynes, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, ước tính VN có 110 người siêu giàu, với tài sản từ 30 triệu USD trở lên (khoảng 630 tỷ đồng).

Ông Gabriel Demombynes công nhận đây là con số không đầy đủ và WB không muốn đề cập gì về tình trạng tham nhũng ở VN.

Trả lời câu hỏi của báo chí nguồn thông tin lấy ở đâu, ông Gabriel Demombynes khẳng định thông tin ở VN không đủ và WB lấy thông tin trên từ công ty tư vấn quốc tế.

Dù dữ liệu còn hạn chế nhưng bài viết của ông Gabriel Demombynes nêu khi Việt Nam chuyển sang nền kinh tế theo định hướng thị trường, số người rất giàu đã tăng mạnh.

Cụ thể, số có tài sản trên 30 triệu USD đã tăng gần bốn lần trong mười năm qua. Tuy nhiên, phân tích của WB đánh giá  số lượng người siêu giàu tại Việt Nam hay mức tăng về số lượng đó không có gì quá lớn so với xu hướng chung trên toàn thế giới. Số lượng người siêu giàu tại Việt Nam tương đương với số lượng tại các quốc gia có cùng mức thu nhập như Việt Nam.

Cùng việc công bố số người giàu, WB nêu tình trạng bất bình đẳng thu nhập tại VN. Theo đó, dựa trên khảo sát nhận thức về bất bình đẳng do Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Khoa học Lao động và Xã hội thực hiện năm 2013, người dân đô thị - nhất là những người trẻ tuổi và những người có được thông tin qua tivi và internet tỏ ra quan ngại hơn về bất bình đẳng. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy trên ba phần tư người dân đô thị coi bất bình đẳng là một vấn đề. 

Theo WB, Việt Nam ngày nay đang phải đối mặt với hai quan ngại khác nhau về bất bình đẳng.

Thứ nhất là bất bình đẳng về cơ hội. Như tỷ lệ suy dinh dưỡng trong số trẻ em dân tộc thiểu số cao gấp đôi so với tỷ lệ đa số. Hay chỉ 13% trẻ người H’mông và người Dao học được lên trung học phổ thông, so với tỷ lệ 65% của người Kinh và người Hoa. Những thiệt thòi đó, theo ông Gabriel Demombynes làm hạn chế cơ hội của các em khi lớn lên, và do đó bất bình đẳng có thể vẫn tồn tại giữa các thế hệ, như trong một câu thành ngữ của Việt Nam “con vua rồi lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”.

Quan ngại thứ hai, cả ở Việt Nam và trên thế giới, nằm chính trong sự gia tăng bất bình đẳng trong nhóm thu nhập cao nhất. Những người trả lời khảo sát tại Việt Nam, theo ông Gabriel Demombynes, thường tỏ ra lo ngại về bất bình đẳng hơn khi họ cho rằng người giàu tích tụ của cải qua các hành vi thiếu chính đáng hoặc do quan hệ gia đình.

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế VN của WB cũng thì đánh giá căng thẳng Biển Đông không tác động lớn đến kinh tế VN. WB dự báo tăng trưởng GDP VN năm 2014 sẽ ở mức 5,4%, thấp hơn dự báo trước đây nhưng chủ yếu là do cầu yếu và đầu tư trong nước không mạnh…

Theo Tuổi trẻ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang