Danh tính đại gia đất Bắc thâu tóm cảng Quy Nhơn với giá 'rẻ bèo'

author 15:11 19/09/2018

(VietQ.vn) - Trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại Cảng Quy Nhơn, cái tên công ty Khoáng sản Hợp Thành xuất hiện với vai trò là nhà đầu tư chiến lược, thâu tóm 86% vốn từ Vinalines.

Thâu tóm 86% Cảng Quy Nhơn chỉ với 440 tỷ đồng

Cảng Quy Nhơn là cảng biển trọng điểm khu vực miền Trung do công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn quản lý, có vốn điều lệ 192,579 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sở hữu 100%.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn theo phương thức Nhà nước (Vinalines) nắm giữ 49% vốn điều lệ, các nhà đầu tư trong nước nắm giữ 51% vốn điều lệ; sau đó cho phép bán hết 49% vốn do Vinalines đang nắm giữ tại công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cho các nhà đầu tư trong nước, bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chỉ đạo Vinalines thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn.

Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ mới đây đã chỉ ra nhiều sai phạm trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nói trên, trong đó nổi lên “ẩn số” về nhà đầu tư chiến lược (công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành) bất ngờ thâu tóm tới hơn 86% cảng biển quan trọng này với giá “bèo bọt” khiến nhiều cơ quan cùng lúc “nhúng chàm” sai phạm là Vinalines, bộ GTVT, cán bộ Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Định…

danh-tinh-dai-gia-dat-bac-thau-tom-cang-quy-nhon-voi-gia-re-beo

 Buổi lễ chuyển giao phần vốn của Vinalines tại Cảng Quy Nhơn cho công ty Hợp Thành. (Ảnh: CTCP Cảng Quy Nhơn)

Cụ thể, “công ty Hợp Thành đã được lựa chọn là nhà đầu tư chiến lược nhưng thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực cảng biển”, “bộ GTVT đã cho phép Vinalines chuyển nhượng cho công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp trái thẩm quyền, vi phạm quy định của pháp luật”. 

Ngoài ra, công ty này còn vi phạm thời hạn thanh toán gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng nhưng không hề bị xem xét, xử lý theo hợp đồng.

Từ đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao bộ GTVT chủ trì, chỉ đạo, thực hiện việc thu hồi 75,01% cổ phần tại công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn (đã bán cho công ty Hợp Thành) về sở hữu Nhà nước.

Bóng dáng đại gia đất Bắc thời PVN, PVC

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, năm 2002, ông Lê Hồng Thái (SN 1974, hiện ngụ tại TP Hà Nội) thành lập công ty TNHH Hợp Thành tại thành phố Thái Bình, chuyên sản xuất xơ sợi polyester.

Về sau, doanh nghiệp mở rộng hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực khai khoáng, luyện thép, bất động sản, xây lắp... (Mặc dù chẳng liên quan gì đến cảng biển nhưng không hiểu vì sao công ty Hợp Thành lại được Vinalines lựa chọn là “nhà đầu tư chiến lược” để bán toàn bộ phần vốn Nhà nước).

Năm 2015, sau khi thâu tóm Cảng Quy Nhơn, ông Thái giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc cảng biển này.

Trong tỉ lệ 86,23% cổ phần của Cảng Quy Nhơn mà công ty Hợp Thành sở hữu, ông Thái nắm giữ 45%; số còn lại đều do vợ, con ông đứng tên, lần lượt là 36% và 19%.

Đáng chú ý, ông Lê Hồng Thái từng là thành viên HĐQT tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), cùng thời điểm Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch HĐQT.

Ngoài ra, ông Thái còn là Chủ tịch HĐQT công ty CP Đầu tư Xây lắp Dầu khí Imico (PVC- IMICO), công ty con của PVC. Thời điểm này, không chỉ PVC mà PVC-IMICO cũng thua lỗ nghiêm trọng.

Cuối tháng 9/2010, Trịnh Xuân Thanh ký tờ trình bầu bổ sung ông Lê Hồng Thái làm Uỷ viên HĐQT của PVC. Ông Thái là đại diện do nhóm cổ đông ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và công ty CP Chứng khoán Thăng Long đề cử.

Năm 2011, Khoáng sản Hợp Thành là 1 trong 5 chủ đầu tư thứ cấp mua 46,8 ha tại dự án Vincom Village với giá trị 770 triệu USD (Hợp Thành mua 30 triệu USD).

Năm 2013, vào thời điểm bắt đầu thâu tóm Cảng Quy Nhơn, Khoáng sản Hợp Thành có tổng tài sản 2.733,6 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 460 tỷ đồng, nắm trong tay một loạt công ty con như công ty Gang thép Hà Tĩnh, công ty Sắt Vũ Quang, công ty Hoá Cốc Hà Tĩnh, công ty Khoáng sản Vạn Lợi Quảng Ngãi, công ty sản xuất Sô Đa Chu Lai, công ty Khoáng sản Miền Trung...

Công ty này cũng từng được biết đến thông qua những dự án bất động sản lớn như dự án 69 Nguyễn Du, tòa nhà văn phòng Mitec, dự án khách sạn SeaDragon tại Quảng Ninh, dự án HH3– khu đô thị Nam An Khánh... và những thương vụ mua bán đình đám như mua 24,27% cổ phần cảng Vinalines Đình Vũ hay thương vụ “sang tay” 70% cổ phần của tổ hợp khách sạn Daewoo từ tay công ty TNHH MTV Hanel vào những năm 2015, 2016.

danh-tinh-dai-gia-dat-bac-thau-tom-cang-quy-nhon-voi-gia-re-beo

 Đại gia Lê Hồng Thái từng được biết đến nhờ thương vụ thâu tóm khách sạn Deawoo - Hà Nội.

Tuy nhiên vài năm trở lại đây, doanh nghiệp bỗng yếu dần sau khi một loạt các dự án quy mô từ trăm tỷ đến nghìn tỷ bị thu hồi.

Năm 2016, dự án Nhà máy thép Vạn Lợi có vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng tại KKT Vũng Áng của công ty CP Gang thép Hà Tĩnh (thành viên của Hợp Thành) bị thu hồi sau thời gian dài đình trệ.

Tiếp theo, dự án Nhà máy tuyển quặng công suất 500.000 tấn/năm tại huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh (vốn đầu tư 158 tỷ đồng) cũng bị thu hồi.

Năm 2017, các công ty thành viên của Hợp Thành tiếp tục bị thu hồi các dự án lớn, gồm dự án Nhà máy sản xuất than cốc (vốn 1.400 tỷ đồng) và dự án Nhà máy sản xuất khí công nghiệp oxy, nito (vốn 200 tỷ đồng) tại KCN Vũng Áng đều do công ty CP công nghiệp Hóa Cốc Hà Tĩnh làm chủ đầu tư.

Một dự án khác cũng phải dừng hoạt động dù đã hoàn thành là Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai tại huyện Núi Thành, Quảng Nam.

Cuối tháng 2/2017, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thanh tra quá trình cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn.

Tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sửa đổi ngày 30/3/2017 cho thấy ông Lê Hồng Thái đã rút hết 45% vốn tại Khoáng sản Hợp Thành.

Trước đó, vào tháng 11/2016, ông Lê Hồng Thái cũng đã rút toàn bộ 53,87% vốn tại Công ty TNHH Hợp Thành.

  Theo Người đưa tin

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang