Đảo Lý Sơn: Taxi, khách sạn, nhà hàng,... gì cũng có

author 09:11 17/04/2015

(VietQ.vn) – Từ ngày có điện, cuộc sống của người dân trên huyện đảo Lý Sơn “thay da đổi thịt” từng ngày. Ở đây giờ không thiếu thứ gì, từ taxi, khách sạn, wifi, nhà hàng ăn uống…

Tối 15/4, Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức đón tiếp, giao lưu với Đoàn báo chí trung ương và Hà Nội đi thực tế tại huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Trần Văn Minh, Trưởng ban chỉ đạo Phát triển huyện Lý Sơn; UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi dự.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, thông báo khái quát tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh cho biết, dù còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế của tỉnh vẫn đạt kết quả khá, nổi bật là thu ngân sách đạt 28.000 tỷ đồng. Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng giới thiệu những điểm đặc biệt của đảo Lý Sơn gắn liền với Hoàng Sa, Trường Sa…

Trong chuyến hành trình đi thực tế tại đảo Lý Sơn, đoàn cũng đã đến thăm bệnh xá Đặng Thùy Trâm tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

bệnh xá đặng thùy trâm

Bệnh xá Đặng Thùy Trâm. Ảnh Viết Cường

Bệnh xá Đặng Thùy Trâm được khởi công xây dựng ngày 24/3/2006 trên diện tích 3.900 m2, do bạn đọc Báo Tuổi trẻ cùng nhiều nhà tài trợ như: DNTN Liên Sơn, Công ty Văn hóa truyền thông Võ Thị, cá nhân, đơn vị,…đã đóng góp và ủng hộ kinh phí xây dựng với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng gồm: tiền mặt, vật liệu xây dựng, dụng cụ thiết bị y tế,... Bệnh xá được khánh thành vào ngày 20/12/2006.

Anh hùng Liệt sĩ, Bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh năm 1942 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, sau đó xung phong vào chiến trường miền Nam và được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi-một bệnh xá dân sự nhỏ chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh trong chiến tranh.

Tháng 6/1970, trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, bác sĩ Đặng Thùy Trâm bị địch phục kích và hy sinh anh dũng khi chưa đầy 28 tuổi đời, 2 tuổi Đảng và 3 năm tuổi nghề.

Tháng 2/2006, Chủ tịch Nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Liệt sĩ - Bác sĩ Đặng Thùy Trâm vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nói về kiến trúc, Bệnh xá Đặng Thùy Trâm mang hơi hướng kiểu nhà Rông Tây Nguyên, dễ làm khách tham quan cảm nhận được sự gần gũi và thân thiện. Những hàng cọ dọc lối đi và trước hiên nhà khiến khu bệnh xá càng giống khu nghỉ dưỡng có sân vườn.

Nổi bật trong khuôn viên chính là tượng đài Anh hùng-Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm với tay cầm nón che đầu, chân sải bước, như đang tất tả vượt rừng trong những lần làm nhiệm vụ. Ngoài khu chữa bệnh, bệnh xá có riêng một khu trưng bày giới thiệu những hiện vật, hình ảnh liên quan đến Anh hùng-Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm nói riêng và truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi và Khu 5 nói chung.

khách sạn tại đảo lý sơn

Nhiều khách sạn to đẹp được xây dựng trên huyện đảo Lý Sơn từ ngày huyện có điện. Ảnh Viết Cường

Chiều ngày 16/4, đoàn đã ra thăm huyện đảo Lý Sơn. Tại buổi gặp với lãnh đạo chủ chốt huyện Lý Sơn, đoàn đã được nghe giới thiệu tổng quan về vị trí địa lý, lịch sử, văn hóa và con người Lý Sơn; tình hình kinh tế - xã hội, Quốc phòng, an ninh.

Theo lãnh đạo của huyện Lý Sơn, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế năm 2014 đạt 765 tỷ đồng, tăng 17,4% so với năm trước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt 18,7 triệu đồng/người/năm…

Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi, nằm chếch về phía đông bắc tỉnh, cách đất liền 15 hải lý. Diện tích 9,97km2.

Người dân trên đảo sống nhờ vào đánh bắt hải sản và trồng tỏi. Từ tháng 9/2014 ở Lý Sơn đã được kéo cáp ngầm cung cấp điện lưới quốc gia, góp phần nâng cao đời sống của bà con trên đảo, kèm theo các dịch vụ nhà hàng khách sạn, ăn uống phát triển theo. Huyện đảo đang hướng tới là 1 đảo du lịch trong tương lai.

Viết Cường


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang