Đạo nhái trong âm nhạc: Sẽ không chấm dứt nếu vẫn giơ cao mà không 'đánh'

author 20:00 11/10/2016

(VietQ.vn) - Nếu khán giả, các cơ quan chức năng không có thái độ rõ ràng và dứt khoát với các sản phẩm âm nhạc đạo nhái thì thực trạng này sẽ không thể chấm dứt.

Đạo nhạc từ lâu đã trở thành một vấn đề nhức nhối của âm nhạc nước nhà. Tuy nhiên, sự bất thường ấy đang dần trở thành…bình thường. Điều này khiến cho chúng ta không khỏi lo lắng. 

Khi đạo nhạc được gián tiếp công nhận

Chung kết The Face 2016, bài hát Chúng ta không thuộc về nhau được Sơn Tùng đem lên sóng trực tiếp với những biến tấu đầy bất ngờ cùng dàn vũ công đông đảo đến rối mắt. Điều đáng nói là, chỉ cách đó không lâu, người ta từng lên án mạnh mẽ khi sản phẩm âm nhạc này của Sơn Tùng bị cho là đã “đạo” từ một ca khúc nước ngoài.

Bản thân VTV cũng có một phóng sự không hề ngắn lên án việc đạo nhạc của ca sĩ người Thái Bình này ngay trước thời điểm phát sóng trực tiếp The Face không lâu.

Trước đó, nhóm nhạc FB Boiz bị tước giải thưởng Bài hát Việt (phát trên sóng VTV3) vì đạo bản beat (bản phối) của nước ngoài. Một số ca khúc nghi đạo nhạc của Sơn Tùng cũng giành giải thường bài hát yêu thích.

Sơn Tùng M-TP là điển hình cho hiện tượng đạo nhái trong âm nhạc Việt được đón nhận một cách nồng nhiệt

Việc cho những ca khúc nghi đạo nhạc xuất hiện trên sóng truyền hình, thậm chí trao giải thưởng cho chúng là cách gián tiếp thừa nhận những sản phẩm âm nhạc đạo nhái. Đương nhiên, sự công nhận (dù không chính thức) đó vô tình cổ súy cho trào lưu “ăn cắp” các bản nhạc nước ngoài của một số nhạc sỹ trẻ hiện nay.

Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 70 ca khúc (nhất là của người trẻ sáng tác) đạo từ các bản nhạc nước ngoài. Sự phổ biến của những ca khúc đạo nhạc khiến những người yêu nhạc Việt lo lắng.

Đạo nhạc nhưng vẫn… nổi tiếng

Không phải ngẫu nhiên các ca khúc đạo nhạc lại phổ biến như vậy. Sự thiếu cương quyết trong việc xử lý các ca khúc đạo nhạc chính là yếu tố quan trọng khiến những người trẻ ngày càng thích đạo nhạc. Sơn Tùng từng mấy lần bị phạt, bị nhắc nhở vì “đạo nhạc”. Tuy nhiên, anh vẫn xuất hiện trong các show truyền hình trực tiếp. Điều này khiến cho Sơn Tùng nói riêng, một số nhạc sĩ trẻ nói chung không ngừng…đạo nhạc.

Mỗi khi có một ca khúc được đạo nhạc, các trang mạng xã hội lại tập trung khai thác một cách triệt để. Ở giới showbiz mà sự nổi tiếng bằng scandal cũng chẳng khác gì nổi tiếng bằng tài năng thì việc được báo chí nhắc đến (dù với bất kỳ hình thức nào) đã là một thắng lợi lớn. Người ta thậm chí cố tình tạo ra những scandal để mình được nhắc đến.

Thêm vào đó, sự tò mò của khán giả khiến cho các sản phẩm đạo nhạc có lượng người xem vượt trội so với các ca khúc khác. Điều này vô tình khích lệ tinh thần cho người đạo nhạc.

Nói cách khác, sự lẫn lộn giữa nổi tiếng và tai tiếng khiến cho việc đạo nhạc trở thành một thứ “mốt” với các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ. Họ sẵn sàng mang tiếng đạo nhái để được nổi tiếng. Đương nhiên, sự nổi tiếng luôn gắn liền với tiền bạc.

Rõ ràng, nếu các cơ quan chức năng không có những chế tài nghiêm khắc, minh bạch; nếu khán giả vẫn còn “dễ tính” trong việc thể hiện thái độ với những sản phẩm dính đạo nhạc thì hành động đạo nhái trong âm nhạc sẽ không thể thuyên giảm được.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang