Đào tạo tiêu chuẩn đo lường chất lượng: Chuyện một giảng viên trẻ nhiều lần từ chối mức lương nghìn đô

author 09:08 13/02/2021

(VietQ.vn) - Chuyên gia đào tạo, tư vấn về tiêu chuẩn đo lường chất lượng không phải là một ngành nghề mới. Tuy nhiên, để có thể gắn bó với công việc này, nhiều chuyên gia đã phải trải qua không ít những khó khăn, thách thức và cần có sự hy sinh cùng lòng đam mê nghề nghiệp.

Nhân dịp đầu Xuân Tân Sửu 2021, Chất lượng Việt Nam Online xin giới thiệu tới độc giả câu chuyện của một chuyên gia đào tạo tiêu chuẩn đo lường chất lượng

Bén duyên với nghề đào tạo, tư vấn

Vào một buổi chiều cuối năm 2020, chúng tôi đã có buổi trò chuyện thú vị với anh Trần Tuấn Anh, giảng viên đào tạo, tư vấn về lĩnh vực quản trị năng suất & chất lượng, đang công tác tại Trung tâm Đào tạo, thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Rất cởi mở, anh chia sẻ cho chúng tôi nghe về những ngày đầu “bén duyên” với nghề: “Đi làm part time từ khi còn là sinh viên năm thứ 2. May mắn nhờ có gia đình hỗ trợ, tôi không phải chịu áp lực về tài chính. Nhờ vậy, tôi có cơ hội được trải nghiệm những công việc mà tôi thấy tích luỹ được kinh nghiệm và kỹ năng. Tới khi hoàn thành chương trình đào tạo tại Đại học Bách khoa Hà Nội, định hướng của tôi chưa bao giờ có một ý nghĩ nào về việc sẽ trở thành một tư vấn, một “giảng viên hay diễn giả” đứng trước đám đông”.

“Hồi nhỏ tôi khá nhút nhát, ngại giao tiếp với người lạ. Đến thời học phổ thông, môn văn vẫn thường bị giáo viên nhận xét là khả năng diễn đạt trình bày chưa tốt. Vận câu nói ăn không nên đọi, nói không nên lời vào tôi hồi đó cũng không sai. Đó cũng chính là lý do mà đến khi tốt nghiệp Đại học, tôi không có định hướng mình sẽ làm công việc của một người giảng viên hay một chuyên gia đào tạo”. Nhưng không phải người chọn nghề, nghề lại chọn người một cách rất bất ngờ, anh chia sẻ.

Anh Trần Tuấn Anh, giảng viên đào tạo, tư vấn về lĩnh vực quản trị năng suất & chất lượng (Trung tâm Đào tạo - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng).

Nhớ về khoảng thời gian bắt đầu công việc của một giảng viên, tư vấn, anh cởi mở chia sẻ: “mới thử việc được hơn 2 tháng, buổi giảng đầu tiên của tôi lại đến hoàn toàn bị động, tôi đã làm giảng viên đóng thế khi sếp nghỉ ốm đột xuất trong một dự án tư vấn tại doanh nghiệp. Đến giờ không hiểu bằng cách nào, tôi đã đứng giảng nguyên 1 ngày với một nội dung tiêu chuẩn ISO 9001 còn khá mới với tôi hồi đó. Và lý do nào, hơn 20 người của doanh nghiệp, bao gồm cả Ban Giám đốc vẫn kiên nhẫn lắng nghe tôi giảng 1 ngày. Đầu xuôi thì đuôi lọt, có thể coi đó là thành công ban đầu của tôi để bắt đầu bén duyên với nghề.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức,

Giảng viên Trần Tuấn Anh tâm sự với chúng tôi về những khó khăn thuở đầu khi anh mới bước chân vào công việc của một giảng viên, tư vấn. Những kiến thức về tiêu chuẩn đo lường chất lượng ban đầu đều là con số 0. Tôi học hỏi mọi lúc có thể, tự mày mò nghiên cứu, học hỏi từ những người trong nghề, học từ doanh nghiệp. Cuốn sổ tay hồi đó ghi chép chi tiết đến từng bài phát biểu và các chú thích chỉ mình tôi mới hiểu. Tôi cũng tham gia nhiều khoá học từ chuyên môn đến kỹ năng, chứng chỉ không đếm bằng cái mà có thể tính bằng lạng (cười).

Anh chia sẻ, mỗi doanh nghiệp có những vấn đề khác nhau. Công việc của một giảng viên, tư vấn là phải thực sự hiểu về hiện trạng doanh nghiệp, xem doanh nghiệp đó đang yếu ở khâu nào, họ cần gì ở  mình trong vai trò giảng viên, tư vấn và khả năng thay đổi của họ ra sao, cũng như năng lực đáp ứng của mình? Giá trị là mình trao cho cái họ cần, giải quyết được vấn đề của họ, chứ không phải bán cái mình có. Công việc này không đơn giản và đầy áp lực. Nhưng đó lại là động lực buộc tôi phải nố lực phát triển hoàn thiện năng lực bản thân.

Nhìn chung, một giảng viên đào tạo, tư vấn cũng cần phải hội tụ nhiều yếu tố như sự kiên nhẫn, sự thấu hiểu, đồng cảm và phải có chuyên môn, kiến thức vững. Những phẩm chất đó cần phải được thể hiện linh hoạt tùy vào từng trường hợp cụ thể. Có trường hợp doanh nghiệp cần kiến thức chuyên ngành, có trường hợp họ cần chuyên gia đóng vai trò là người giám sát khách quan, cũng có lúc phải đóng vai trò là người “hòa giải” để hài hòa lợi ích, tháo gỡ những điểm bất đồng trong nội bộ doanh nghiệp.

Mỗi lần đào tạo là một lần được chiêm nghiệm lại, giúp phát triển năng lực và hoàn thiện thêm phương pháp và kỹ năng. Tôi đến nhiều doanh nghiệp, tôi học được cái hay của họ và chia sẻ lại cho những doanh nghiệp, những học viên khác. 12 năm trong nghề của tôi, hàng trăm doanh nghiệp với gần 10,000 lượt học viên, biết cách khai thác từ nguồn này kiến thức, kinh nghiệm cực kỳ đa dạng và lớn vô cùng (anh cười).

Anh Trần Tuấn Anh chia sẻ với phóng viên Chất lượng Việt Nam Online về những kỷ niệm trong thời gian làm nghề. 

Nhiều lần từ chối lời mời làm việc với thu nhập đáng mơ ước

Trong buổi trò chuyện, chúng tôi (PV) có đặt vấn đề rằng, lý do nào anh lại gắn bó với công việc của một chuyên gia đào tạo lâu đến vậy, phải chăng là vì thu nhập khá hơn các nghề khác?

Không một giây suy nghĩ, anh cười và nói: “Hầu hết mọi người, vấn đề thu nhập rất quan trọng, nhưng nó không phải là số một, là tất cả. Việc gắn bó với nghề xuất phát từ cái tâm. Và năng lực của mình tới đâu thì giá trị mình tạo ra cho học viên, cho cộng đồng doanh nghiệp tới đó”. Anh nói vui: “tôi làm không phải vì tiền mà cố gắng vì rất nhiều tiền”. Tư duy nhận thức của người lao động được thay đổi tích cực, cải tiến phương pháp quản lý thực hiện giúp doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn. Đó chính là giá trị có thể cân đo đong đếm bằng nhiều tiền.

Anh chia sẻ, đã nhiều lần từ chối doanh nghiệp khi được mời làm “full time” với mức lương thưởng rất hấp dẫn. Anh trân trọng vì sự đánh giá và tin tưởng lớn của họ. Nhưng anh vẫn quyết định tiếp tục gắn bó với công việc hiện tại, một công việc có thể ảnh hưởng lan toả và sâu sắc cho sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp, của xã hội.

Những kỳ vọng trong tương lai

Chia sẻ về những dự định nghề nghiệp trong tương lai trước khi khép lại buổi phỏng vấn, chuyên gia Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, điều bản thân anh mong muốn và luôn hướng tới chính là trong thời gian tới có thể bổ sung thêm nhiều kiến thức, phát triển năng lực phương pháp kỹ năng đào tạo, tư vấn. Bởi theo anh càng học bản thân mình càng thấy thiếu, phải học liên tục mới có thể sống với đam mê của chính mình.

Hoạt động đào tạo, tư vấn chuyên sâu trong hoạt động quản lý nâng cao năng suất chất lượng đã được nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm trong vài năm trở lại đây. Anh mong mỏi sẽ có những thước đo chuẩn mực để hoạt động này được xác định đúng giá trị và vai trò, góp phần thúc đẩy phong trào năng suất chất lượng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Hán Hiển - Yến Hoa

Tiếp tục đồng hành, tạo tiền đề vững chắc giúp doanh nghiệp hội nhập 4.0 (VietQ.vn) - Khép lại năm 2020 với đầy ắp hoạt động và sự kiện nổi bật, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã gặt hái được nhiều thành công từ sự nỗ lực không mệt mỏi. Nhân dịp Tết đến Xuân về, PV Tạp chí Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Trần Văn Vinh để cùng đánh giá lại thành quả trong năm qua và đưa ra những định hướng trong tình hình mới.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang