Đắp ếch nhái sống, sán ngoe nguẩy trong mi mắt

author 10:19 03/03/2015

(VietQ.vn) - Thói quen chữa đau nhức mắt bằng cách giã nát con ếch, nhái sống đắp lên mắt khiến nhiều người gặp họa vì hàng chục con sán ngoe nguẩy trong mi mắt.

Từng hội chẩn tại bệnh viện Mắt Trung ương cho những bệnh nhân phát hiện thấy giun sán trong mắt, Ths.Bs Nguyễn Quốc Thái - khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết đó là do thói quen lạc hậu của các thế hệ trước. 

Đắp ếch nhái sống, sán ngoe nguẩy trong mi mắt

Cách chữa bệnh đau mắt "có 1 không 2" này khiến sán nhái dễ dàng làm tổ trong mắt

Theo đó, khi đau nhức mắt, bệnh nhân thường nghe theo cách chữa dân gian truyền miệng bằng cách giã nát con ếch, nhái sống đắp lên mắt. Có trường hợp vô tình khỏi đau mắt khiến bệnh nhân càng tin tưởng phương pháp chữa này và tuyên truyền khiến không ít người rơi vào tình trạng giun sán lúc nhúc trong mi mắt. Tuy nhiên, bác sĩ Thái cho biết, đa số các trường hợp chữa bệnh kiểu này thường không thể khỏi bệnh lại thấy vướng, cộm, buồn trong mi mắt. Khi đi khám mới hoảng hốt khi bác sĩ gắp ra tất nhiều sán nhái dưới mi mắt.

"Sán nhái thường làm tổ dưới mi mắt. Khi lật mi mắt lên, rất nhiều sán ngoe nguẩy gây ra hiện tượng nổi cộm và buồn mắt. Đây là cách chữa bệnh nguy hiểm và phản khoa học, người dân không nên nghe theo", bác sĩ Thái khuyên.

Giải thích thêm về hiện tượng sán nhái, bác sĩ này cho biết, ếch nhái là loài chưa rất nhiều ấu trùng sán ký sinh. Việc giã nát sống con vật này đắp lên mắt gây ra rất nhiều nguy cơ bệnh tật, trong đó có hiện tượng sán chui vào mắt. Thậm chí, nếu chưa được nấu chín, sán nhái có thể làm tổ trong cơ thể rồi di chuyển lên mắt... 

"Ấu trùng sán nhái đặc biệt rất thích giác mạc và sẽ tìm mọi cách di chuyển lên vị trí này, vì thế khi chế biến món ăn cần chú ý nấu chín kỹ", vị này nhấn mạnh.

Những năm gần đây, bệnh viện Mắt Trung ương cũng tiếp nhận một số bệnh nhân có ký sinh trùng trong mắt và khi phẫu thuật đã gắp ra một con giun chỉ vẫn đang ngọ nguậy có chiều dài... từ 4 - 12,5cm, chiều rộng 0,5 - 1mm. Vị trí giun chỉ ký sinh trong mắt những bệnh nhân này nằm dưới lớp kết mạc mắt.

Qua nghiên cứu và giải mã gen, các nhà khoa học đã xác định được đó là loài giun chỉ có tên khoa học Dirofilaria repens.

Nguyên nhân mắc loài ký sinh trùng này do các loài muỗi phổ biến ở Việt Nam như: muỗi sốt rét (Anopheles), muỗi vằn truyền sốt xuất huyết (tên khoa học Aedes) và muỗi nâu (Culex) truyền nhiễm từ chó, mèo sang người.

Đây là một loại ký sinh trùng sống trong mắt người. Chúng thường sống ở màng kết, khu vực thoáng khí phía dưới mi mắt, bám chặt vào nhãn cầu và là nguyên nhân gây mù lòa thứ hai trên thế giới. Khi giun chỉ tấn công mắt, bệnh nhân chỉ còn cách duy nhất là phẫu thuật để gắp bỏ ký sinh trùng.

Vị trí ký sinh của giun chỉ Dirofilaria repens không chỉ ở mắt mà còn nó còn ký sinh ở nhiều nơi khác trên cơ thể như: dưới da, tim, phổi, phúc mạc, tuyến vú, tinh hoàn…

Phương Phương




Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang