Đắp mặt nạ tía tô chữa nám coi chừng phản tác dụng

author 06:38 03/06/2021

(VietQ.vn) - Hiện nay nhiều chị em truyền tai nhau dùng mặt nạ tía tô để điều trị nám, tuy nhiên theo các bác sĩ da liễu không nên quá tin tưởng vào phương pháp này.

Nám da là một bệnh lý tăng sắc tố lành tính có cơ chế bệnh sinh phức tạp. Nám có rất nhiều nguyên nhân, có thể chia làm 2 nhóm nguyên nhân lớn: Nguyên nhân nội sinh và nguyên nhân ngoại sinh.

Nguyên nhân nội sinh bao gồm các yếu tố gia đình, nội tiết (tuổi dậy thì, mang thai và cho con bú, mãn kinh, bệnh lý tuyến giáp, tử cung - buồng trứng...) hay đơn giản là tình trạng lão hoá da theo thời gian và một số nguyên nhân khác.

Nguyên nhân ngoại sinh hàng đầu là do tia UV có trong ánh sáng mặt trời, tiếp đến là do lạm dụng nhiều loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kem lột tẩy, làm trắng, kem chứa corticoid. Ngoài ra môi trường ô nhiễm cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tình trạng nám da.

Để cải thiện tình hình nám nhiều chị em tìm đến các phương pháp trị nám tại nhà, một trong số đó là dùng lá tía tô đắp mặt nạ. Tuy nhiên theo các bác sĩ da liễu đây không phải là phương pháp an toàn và hiệu quả.

Toàn vùng má mẩn đỏ do đắp mặt nạ tía tô trị nám

Được biết đến là "thần dược" chữa nhiều bệnh cũng như công dụng dưỡng da, làm đẹp cây tía tô ngày càng được sự quan tâm đông đảo của chị em phụ nữ.

Theo đó, công thức làm mặt nạ tía tô sữa tươi chữa nám được rất nhiều chị em truyền nhau rất đơn giản chỉ cần rửa sạch lá tía tô cho vào cối giã hoặc máy say sinh tố với sữa tươi xay nhuyễn. Sau đó vệ sinh vùng da nám bằng nước ấm rồi đắp trực tiếp hỗn hợp tía tô, sữa tươi lên mặt để khoảng 10 phút thì rửa lại bằng nước sạch. Không chỉ đắp mặt nạ tía tô, nhiều chị em còn mách nhau để có thể đạt được hiệu quả nhanh hơn thì cần uống thêm sinh tố tía tô hoặc trà tía tô.

Tuy nhiên không phải điều gì cũng tuyệt đối, đặc biệt trong điều trị nám, loại cây này không mang lại hiệu quả thậm chí còn gây ra những điều đáng tiếc cho làn da chị em.

Điển hình, sau khi nghe bạn bè mách đắp mặt nạ tía tô chữa nám da, chị Hoa (Hà Nội) cũng xay luôn cả hộp dùng dần. Đắp mặt nạ đến ngày thứ 4, chị phải đến viện do toàn bộ vùng nám hai bên má mẩn đỏ. Đi khám bác sĩ nói chị bị kích ứng, sưng đỏ. Nguyên nhân do mặt nạ sữa tươi, tía tô… bị thiu.

Dùng lá tía tô trị nám nên cẩn trọng vì dễ phản tác dụng 

Lá tía tô lành tính nhưng khó có tác dụng ngoài da như đồn thổi

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, lá tía tô sở hữu lượng Vitamin A, C và hàng loạt các khoáng chất: Canxi, sắt, kẽm, tinh dầu. Các hợp chất này sẽ thẩm thấu vào biểu bì da, kích thích tăng sinh tế bào mới, giúp da sáng mịn và đều màu. Mặc dù lá tía tô lành tính, không gây hại cho người sử dụng, tuy nhiên, liệu rằng cách trị nám với lá tía tô có mang lại hiệu quả thực sự?

Ths.Bs. Nguyễn Ngọc Yến, Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Hà Nội, khẳng định “nguyên tắc những gì ăn vào mồm khó có thể có tác dụng ngoài da được. Bởi các chất chống ô xy hoá, vitamin C.. trong lá tía tô theo BS Thuỷ “không thể thấm qua được hàng rào bảo vệ của da làm thay đổi tính chất của da".

Đồng tình với quan điểm này, một bác sĩ da liễu khác cũng khẳng định các cách trị nám bằng tự nhiên nếu có tác dụng thì cũng rất chậm và đòi hỏi thời gian dài, liên tục. Bên cạnh đó, các nguyên liệu tự nhiên chỉ mang lại hiệu quả tạm thời với các vết nám nhạt màu và mới hình thành.

Đặc biệt, với những loại nám khó chữa, nám ăn sâu vào bên trong da,…chỉ sử dụng các phương pháp tự nhiên như đắp mặt nạ tự nhiên gần như không có kết quả. Do vậy nám tàn nhang – những chân nám ăn sâu trong da, nám sâu, nám hỗn hợp sẽ không thể trị tận gốc nếu chỉ dùng lá tía tô.

Thực hư về dược liệu có thể phòng ngừa COVID-19?(VietQ.vn) - Theo một nghiên cứu tại Thái Lan mới đây cho thấy, Ngải bún- một loại gia vị phổ biến trong các món bún ở miền Tây có khả năng kháng SARS-CoV-2.

Do đó, theo Đại tá, BSCK II chuyên ngành da liễu Nguyễn Xuân Trừ, để điều trị nám an toàn và hiệu quả cần có sự thăm khám, tư vấn của bác sĩ có chuyên môn. Đồng thời mỗi người phải có một quy trình chăm sóc da cơ bản: làm sạch- dưỡng ẩm- chống nắng, đặc biệt là chống nắng để có thể nâng cao cũng như duy trì tốt kết quả điều trị.

Theo ông, việc tự ý điều trị nám da bằng việc bôi đắp rượu thuốc, đắp các loại mặt nạ từ lá trầu không, tía tô sữa tươi... theo kiểu truyền miệng không những không có hiệu quả mà thậm chí còn để lại những hậu quả rất nghiêm trọng.

Theo đó, chị em có thể phải đối diện với những hệ quả nhẹ thì bị kích ứng da, da bị đỏ, sưng ngứa, nặng có thể rối loạn nội tiết, rối loạn sắc tố, sạm da, nám thứ phát, mất sắc tố, bào mòn da... Đây đều là những mặt bệnh cực kì khó điều trị.

Đồng tình với quan điểm này, BS CKI Trần Thu Trang – Phụ trách Đơn nguyên Laser- Thẩm mỹ - Da liễu, Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo, để đảm bảo an toàn, khi có vấn đề về da mặt như rám da, mụn trứng cá mọi người không nên tự mua, đắp các các sản phẩm theo đồn thổi, cần được đi khám, điều trị với bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Đặc biệt, khi bắt đầu sử dụng sản phẩm chăm sóc da trên da mặt các bác sĩ da liễu cũng khuyến cáo nên thử phản ứng bằng cách thoa mỹ phẩm vào vùng da ở mặt trong cánh tay để trong 24 – 48 giờ, nếu vùng da thoa không biểu hiện gì như ngứa, hồng ban, nổi mụn nước thì bạn có thể yên tâm dùng lên mặt.

Nếu chẳng may da mặt bạn bị mẩn đỏ, phát ban hay nổi mụn, ngứa, bong da, đau rát thì phải ngưng ngay sản phẩm và tham vấn bác sĩ chuyên khoa để có hướng xử lý kịp thời. Song song với đó nên duy trì thói quen chăm sóc da hàng ngày bao gồm làm sạch, dưỡng ẩm và chống nắng đồng thời kết hợp với lối sống lành mạnh ăn uống và tâp luyện, hạn chế stress và thức khuya.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang