Chất lượng sống

Ẩm thực

Món ngon xứ Nghệ níu chân du khách thập phương

author 10:36 16/07/2016

(VietQ.vn) - Món ngon của Nghệ An mang chất riêng đặc biệt đến nỗi bất cứ ai có cơ hội được thưởng thức đều nhớ mãi không quên.

Sự kiện: Đặc sản các vùng miền Việt Nam

Khác với bánh bèo Huế làm từ bột gạo, bánh bèo xứ Nghệ được làm từ bột lọc. Người ta phải nhào bột nhiều lần cho kỹ mới có được một mẻ bánh ngon. Nhân của bánh bèo là nhân tôm hoặc nhân thịt, những con tôm được làm sạch rồi phi thơm cùng hành mỡ. Tôm xào càng kỹ thì càng ngấm gia vị, khi ăn càng thơm và càng ngọt bùi. Bánh bèo Nghệ An mang vị đậm đà thơm ngon, không lẫn vào đâu được khi thưởng thức cùng nước chấm, rau thơm (rau mùi),… Ăn một miếng bánh bèo, thực khách sẽ cảm nhận được vị dai dai của bột lọc, vị bùi bùi của tôm thịt, vị giòn giòn của hành khô và vị thanh mát của rau sống.
Cháo canh dường như đã trở thành “thương hiệu” không thể bỏ qua với mỗi du khách khi đến Nghệ An. Nét đặc trưng của món này là những sợi bánh được làm từ bột mì. Sợi mì phải mềm và dai, nhúng qua nước ấm rồi để ráo, sau đó trộn với bột gạo. Tuy nhiên để có một món cháo canh ngon cần phụ thuộc nhiều vào phần nước dùng được hầm từ xương ống. Đợi khi nước xương được hầm nhừ, thả những sợi mì trắng, cho thêm tôm, thịt băm đã xào với hành khô phi thơm phức là đã có một món cháo canh ngon lành.
Cháo lươn Vinh loãng, không đặc như cháo vịt Vân Đình, cháo dê Ninh Bình… Lươn xé dọc sợi, được xào nấu cẩn thận, mặn một tí, cay một tí; và mùi đặc trưng nhất của cháo lươn Vinh được làm nên từ rau răm. Cháo lươn có mặt hầu khắp thành phố. Ngoài ra, ngày nay có cả súp lươn cũng ngon không kém. Cháo lươn, súp lươn có thể ăn với bánh mì, bánh mướt… đều ngon. Vào mùa trời bắt đầu nóng, khách ăn cháo hoặc xúp lươn đừng quên gọi thêm một cốc trà (hoặc chè xanh) đá.
Tương Nam Đàn là một đặc sản tinh khiết, thơm ngon của xứ Nghệ. Nguyên liệu chính được làm bằng thứ đỗ tương xuân hè trồng trên chính đất Nam Đàn. Tương có hai loại mặn và ngọt. Tương mặn dùng ăn hàng ngày, tương ngọt làm vào những chĩnh nhỏ và làm quà biếu. Tương Nam Đàn dùng để làm nước chấm, kho cá, kho thịt… Trong một chai tương Nam Đàn có tới ba tầng khác nhau nếu nhìn từ ngoài vỏ. Tầng trên cùng là đậu hạt mới chỉ được dập vỡ làm đôi. Tầng giữa là nước tương có màu Hổ Phách, còn tầng dưới cùng là mốc tương có màu vàng thẫm. Vị mặn ngọt hòa lẫn tạo ra hương vị đặc biệt của tương, nếu làm nước chấm có dính thêm mẻ đậu thì có vị ngọt bùi.
Khoai xéo là một món ăn dân dã lâu đời, gắn liền với cuộc sống từ những tháng ngày khó khan nghèo khổ. Sau khi thu hoạch, người ta chọn những củ khoai ngon, nhiều bột nhất đem rửa sạch, sau đó cắt lát mỏng, phơi khô rồi đem dùng dần.  Khi chế biến, người ta đun hạt đậu trắng và hạt đậu phộng cho mềm, sau đó đổ khoai khô vào đun sôi, có thể cho thêm gạo nếp để tang độ dẻo. Đun cho tới khi cạn nước, cho thêm đường rồi bắc nồi xuống, sau đó tới công đoạn quan trọng nhất là xéo khoai. Xéo khoai phải nghệ thuật, phải thật nhuyễn, thật nát thì hương vị mới quyện đều vào nhau.
Mọc cua bể là món ăn được chế biến khá tỉ mỉ và cầu kì ngay từ khâu gỡ thịt, ướp gia vị cho đến khi chế biến. Mọc cua bể chính danh phải cắm chân cua đã luộc chín vào mai giống như cua đang sống. Mùi vị thơm béo của cua quyện lẫn với hương vị của hành và gia vị đậm đà khiến ai cũng muốn thưởng thức.
Cháo nghêu là một trong những món cháo nổi tiếng khi nhắc đến ẩm thực Nghệ An, đây là món ăn thực sự thú vị của Cửa Lò. Nghêu được làm sạch, băm nhỏ, phi với mắm hành thơm ngon. Sau đó được trộn vào cháo, ăn kèm với cả hành lá và hành khô. Một món ăn thực sự rất bổ dưỡng và thanh nhã.
“Cam xã Đoài mọng nước/ Giọt vàng như mật ong/ Bổ cam ngoài cửa trước/ Hương bay vào nhà trong”… Những vần thơ của Phạm Tiến Duật dường như đã lột tả được vị thơm ngon của những trái cam ở vùng đất xã Đoài thuộc huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Cam xã Đoài chín rộ vào dịp trước Tết nhưng ngay từ tháng 10, tháng 11 âm lịch đã có nhiều người đặt mua. Cam xã Đoài có mùi thơm đặc biệt, ngọt, vỏ mỏng, rất nhiều nước. Cam có thể ngâm với rượu để có một sản phẩm rượu vị ngọt thanh, có thể dùng làm món khai vị, bồi dưỡng sức khỏe.
Bánh mướt ở Nghệ An nhìn qua cũng khá giống với bánh cuốn ở ngoài bắc nhưng có hương vị thơm ngon rất riêng và ăn lúc nguội có vị mềm mát, dễ chịu. Bánh mướt thường dài như ngón tay trỏ người lớn, được cuộn tròn, trắng trong, mềm mịn. Bánh được làm bằng bột gạo tẻ xay nhuyễn và ủ trong nhiều giờ, sau đó được rưới thêm chút nước mỡ hành phi. Với bánh mướt, chỉ cần thêm chén nước mắm vắt chanh, đường vừa đủ, ớt cắt lát thái mỏng là ăn đến no. Bánh mướt đơn giản, không cầu kỳ chỉ cần nước bột gạo phải ngon. Bánh mướt có thể ăn cùng bát xáo lòng cũng cực kỳ ngon.
Đến với vùng biển đầy nắng gió của xứ Nghệ hãy thưởng thức món mực nháy nướng giòn tan. Mực nháy có nơi còn gọi là mực nhảy, tên gọi dùng chỉ những con mực được ngư dân vừa bắt lên còn tươi nguyên, được đưa vào chế biến và thưởng thức ngay tại chỗ.
Bánh đa đúc hến là một món nhậu quen thuộc của người dân xứ Nghệ mỗi lần tụ tập. Hến dùng kèm là hến được đãi sạch từ sông Lam, chọn những con to, béo rồi xào cùng mỡ. Khi ăn người ta bẻ từng miếng bánh đã Đô Lương, biến nó thành chiếc thìa và nhẩn nha xúc từng con hến cho vào miệng.
Nhút là thức ăn dân dã, truyền thống của mọi gia đình ở Nghệ An. Nhút Thanh Chương được coi là “kim chi” xứ Nghệ. Món ăn này được làm từ mít xanh hoặc xơ mít chín và muối trắng. Nguyên liệu đơn sơ và giản dị thế thôi nhưng hương vị của nhút lại chua chua, giòn giòn, ăn rất thích thú. Nhút có thể dùng để chấm nước mắm, làm nộm, xào, nấu canh. Người dân xứ Nghệ vẫn truyền nhau câu hát thân thương: “Ngái ngôi chi mà anh nỏ về/ Hay là vì anh chê quê em nghèo đói/ Hay anh chê em vụng về câu nói/ Đất Thanh Chương nhút mặn chua cà/ Chắc có lẽ rứa mà anh chê/ Chắc có lẽ rứa mà anh nỏ về…”. Người xứ Nghệ sống vì tình vì nghĩa, và phải chăng vì cả món nhút ngọt lành nữa?
Cá mát không phải là giống cá lớn, thường chỉ bằng hai hoặc ba ngón tay người lớn, con “bự” cũng chỉ chừng 0,5 đến 0,8 kg. Hàng năm, tháng 8 âm lịch là vào mùa cá mát. Thịt cá mát rất lành, bổ, thơm ngon, hơi có vị đắng vì khi chế biến không vứt bỏ ruột (ruột cá rất sạch vì chủ yếu ăn thức ăn thực vật), mỡ béo ít xương và ngon nhất là phần đầu (không như các loại cá khác, đầu cá mát rất mềm, giòn). Cá mát có thể kho, rán, nướng… Dù chế biến theo kiểu nào thì thịt cũng rất bùi, rất thơm.
Bánh đa được làm từ bột gạo, tiêu, tỏi và các gia vị khác. Nguyên liệu tuy đơn giản, dễ kiếm nhưng để có một chiếc bánh ngon đòi hỏi rất nhiều công phu. Bánh đa là thứ bánh dân dã, dễ ăn kèm với các món khác hoặc ăn riêng cũng được. Món “bún giá cá ruốc” sẽ ngon hơn nhờ một miếng bánh đa, bỏ lên ít bún, thêm ít giá sống và cùng một mẩu nhỏ cá hấp, rồi chấm vào bát ruốc (mắm tôm) đã dầm ớt vắt chanh. Vị cay nồng hòa cùng vị ngọt bùi thêm một ít vị chua, khi ăn mồ hôi túa ra, thật sảng khoái!
Món chịn xồm làm từ thịt trâu, thịt lợn, thịt bò, đôi khi là thú rừng, chỉ lấy thịt nạc. Chịn xồm mang thái miếng, kẹp rau thơm rừng chấm muối ớt (hoặc nước mắm ớt), ăn có mùi vị chua, béo và bùi, rất tinh khiết, thanh nhã.
Măng đắng có thể chế biến theo nhiều cách: xào mẻ, hầm (hoặc nấu canh) xương, luộc và nhất là với những người sành món này thì thường phải nướng; măng nướng thơm bùi chấm muối – thứ muối tinh được nghiền kỹ với trái ớt hái từ trong các cánh rừng. Món này mới ăn lần đầu cảm giác đắng không chịu được, nhưng càng nhai kĩ, vị đắng sẽ mất dần, thay vào đó, nếu nhẩn nha nhai là vị thoang thoảng ngọt, nhè nhẹ cay, rất lạ. Măng đắng có hầu như quanh năm, nhưng nhiều nhất là mùa mưa.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

bình luận ()

Bình luận

tin liên quan

video hot

Về đầu trang