Đặt niềm tin khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ

author 11:41 19/02/2015

(VietQ.vn) - Nhìn lại năm 2014, năm của hành động, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn. Nhiều thành tựu của KH&CN đã tỏa hương trong cuộc sống, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Nhân dịp tết Ất Mùi 2015, Tạp chí Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có phỏng vấn Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân về những vấn đề đặt ra và tiềm lực phát triển trong thời gian tới của KH&CN nước nhà.

Thưa Bộ trưởng, năm 2014 ghi nhận những thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực của ngành KH&CN, tuy nhiên vẫn đó nhiều bất cập cần giải quyết, theo ông, những khó khăn, bất cập được cho là lớn nhất hiện nay cản trở phát triển của ngành KH&CN Việt Nam là gì?

Bên cạnh những thành tựu mà ngành KH&CN Việt Nam đã đạt được trong năm 2014, chúng tôi đã nghiêm túc điểm các yếu kém, bất cập. Các yếu kém bất cập lớn nhất hiện nay đó chính là sức ỳ đổi mới tư duy của những người làm quản lý KH&CN và ngay cả những người trực tiếp làm hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Chúng ta đã sống trong thời kỳ bao cấp quá dài, nên khi chuyển sang cơ chế quản lý theo kinh tế thị trường, rất nhiều cán bộ khoa học cũng như cán bộ quản lý còn chưa thích nghi kịp thời với cơ chế của kinh tế thị trường. Hoạt động khoa học không đáp ứng được tính đổi mới, linh hoạt, đặc thù của kinh tế thị trường.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới các yếu kém đó chính là công tác truyền thông của chúng trong những năm qua còn chưa tương xứng với tốc độ đổi mới của nền kinh tế. Nhiều cán bộ quản lý còn chưa hiểu hết bản chất của nền kinh tế thị trường cũng như đặc thù của hoạt động KH&CN trong nền kinh tế thị trường. Hầu hết các viện nghiên cứu, các trường đại học muốn ỷ nại vào sự bao cấp của nhà nước. Hoạt động nghiên cứu còn chủ yếu dựa vào tài trợ từ ngân sách nhà nước. Chưa huy động được sự đầu tư của toàn xã hội cho KH&CN. Vì thế, hoạt động truyền thông có vai trò rất quan trọng. Tôi mong rằng, các cơ quan truyền thông hãy giúp ngành, đưa các thông tin về cơ chế chính sách mới về KH&CN, về kinh tế thị trường đến với xã hội, trong đó có những người làm khoa học, những người làm quản lý KH&CN. Thông qua đó, để chúng ta thực sự chuyển đổi hoạt động KH&CN sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thích ứng với kinh tế thị trường cũng như đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, theo cơ chế đặt hàng, cơ chế quỹ, cơ chế khoán chi mà chính phủ đã hình thành và giao cho ngành KH&CN thực hiện.

Để ngành KH&CN có thể hội nhập toàn diện vào khu vực và thế giới rất cần hình thành những lĩnh vực KH&CN mũi nhọn, tuy nhiên những ngành mũi nhọn đó lại chưa đạt kết quả như mong muốn, nguyên nhân như thế nào thưa Bộ trưởng?

Có thể nói một trong những nguyên nhân đó là sự đầu tư của xã hội, trong đó có đầu tư của nhà nước chưa đạt được ngưỡng mà chúng ta mong muốn. Phát triển các công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn đòi hỏi sự đầu tư lớn về kinh phí và trí tuệ.

Hiện nay, tổng chi ngân sách nhà nước mới chỉ dành 2% tổng chi ngân sách hàng năm đầu tư cho KH&CN. Nhưng tỷ lệ kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu chỉ chiếm khoảng 10% trong số 2% tổng chi ngân sách, hay nói cách khách là hàng năm chúng ta chỉ dành khoảng 2.000 tỷ đồng cho nghiên cứu, triển khai. Nguồn kinh phí này là rất ít ỏi so với nhu cầu của thực tiễn, trong khi các doanh nghiệp lại chưa quan tâm đầu tư cho chính doanh nghiệp của họ để đổi mới công nghệ và cho chính quá trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào doanh nghiệp của họ.

Vì thế mà chúng ta không có đủ nguồn lực đầu tư cho các ngành công nghiệp công nghệ đòi hỏi trình độ cao, có sản phẩm hiện đại và công nghệ cao.

Giải quyết vấn đề này, vừa qua ngành KH&CN đã trình Quốc hội Luật KH&CN 2013, trong đó có nội dung rất quan trọng là đổi mới doanh nghiệp nhà nước buộc đầu tư cho phát triển KH&CN bằng nguồn lợi nhuận trước thuế của họ với tỷ lệ tối thiểu theo Nghị định 95 của Chính phủ là 3% lợi nhuận trước thuế, tỷ lệ tối đa là 10% theo luật thuế thu nhập doanh nghiệp. đồng thời, Nhà nước phải duy trì 2% trong tổng chi ngân sách nhà nước. Như vậy, hi vọng rằng, trong giai đoạn tới, nguồn đầu tư cho KH&CN tăng lên đáng kể.

chúng tôi cố gắng đưa những kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng: "Năm 2015 là năm triển khai, chúng tôi cố gắng đưa những kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội"

Chúng ta đã có rất nhiều nghiên cứu thành công trong công nghệ mới, công nghệ cao như làm vắc xin, công nghệ vũ trụ, công nghệ thông tin. Tuy nhiên, mới chỉ dừng lại ở các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chưa trở thành sản phẩm phục vụ cho xã hội. Đó chính là chúng ta thiếu các nguồn đầu tư thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, để đầu tư cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ vào sản xuất sản phẩm từ kết quả nghiên cứu. Hình thành lên mạng lưới doanh nghiệp KH&CN.

Vì thế năm 2014 là năm hành động, còn năm 2015 chúng tôi xác định là năm triển khai. Điều này nghĩa là chúng tôi cố gắng đưa những kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội. Hạn chế bớt các đề tài, dự án không có địa chỉ ứng dụng, bỏ ngăn kéo, để thương mại hóa nhiều hơn.

Cụ thể của việc đóng góp và đầu tư của các doanh nghiệp vào KH&CN theo Bộ trưởng nhận định hiện nay như thế nào?

Hiện nay chúng tôi đã thấy có những tín hiệu rất tốt, chứng tỏ quy định của Chính phủ là hợp lý và phát huy được hiệu quả. Ví dụ, trước đây mặc dù chưa có quy định của Luật KH&CN, nhưng luật thuế thu nhập doanh nghiệp đã cho phép doanh nghiệp dành 10% lợi nhuận trước thuế cho đầu tư KH&CN.

Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel là một đơn vị đi đầu, họ cũng đã dành tới 10% lợi nhuận trước thuế của họ. Trong năm 2013, đơn vị này đã giành khoảng 2.000 tỷ đồng và năm 2014 là 2.500 tỷ đồng cho phát triển KH&CN. Họ đã thành lập trung tâm nghiên cứu và trong thời gian rất ngắn đã mời được hơn 500 nhà khoa học trẻ từ các viện nghiên cứu, các trường đại học trong cả nước về làm việc. Ngay lập tức, chỉ trong 2 năm vừa rồi, tập đoàn Viettel đã có các sản phẩm KH&CN xứng tầm. Ví dụ là các chủng loại rada tầm trung và tầm ngắn, các máy thông tin phục vụ cho các quân binh chủng và họ đang được Bộ Quốc phòng, Chính phủ giao cho các nhiệm vụ khác về an ninh, quốc phòng.

Với thành công của họ, chúng ta có các sản phẩm rẻ hơn nhập khẩu từ 2 -3 lần, đồng thời đảm bảo được an ninh, an toàn về thông tin đối với quốc gia.

Theo Bộ trưởng, vì sao chúng ta chưa có nhiều nhà khoa học tầm cỡ quốc tế hoặc có khả năng giao lưu ở tầm quốc tế?

Việc hội nhập quốc tế cũng là một mặt rất đặc trưng của nền kinh tế thị trường. Ngày nay chúng ta không thể làm khoa học một cách độc lập, đóng cửa để làm khoa học. Chúng ta hội nhập quốc tế sẽ tiếp cận được những thành tựu nghiên cứu mới nhất, có thể học tập những nghiên cứu ứng dụng của các quốc gia đi trước. Tuy nhiên, hội nhập quốc tế cũng đòi hỏi nguồn lực nhất định. Nếu chúng ta hội nhập quốc tế chỉ bằng nguồn tài trợ quốc tế, chắc chắn hợp tác đó không bền vững.

Chính phủ đã nhận biết thấy điều đó và khi chúng ta đã vượt qua được ở ngưỡng của một nước kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình, Chính phủ cũng đã dành nguồn lực nhất định cho hội nhập quốc tế thông quan việc đàm phán, gia nhập với rất nhiều hiệp định và tổ chức quốc tế. Từ đó KH&CN có các vị thế nhất định.

Ngày nay chúng ta làm các đề tài nghiên cứu chung theo nghị định thư không chỉ bằng tài trợ của nước ngoài mà còn có nguồn đối ứng của Chính phủ Việt Nam và rất nhiều nhiệm vụ đã thành công nhờ sự hợp tác chặt chẽ và có nguồn tài chính từ hai phía.

Hi vọng trong thời gian tới, với chương trình hội nhập quốc tế do Thủ tướng phê duyệt trong đó có hai chương trình thành phần hợp tác song phương, đa phương và chương trình giải mã công nghệ cộng với nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho hoạt động này, chúng ta sẽ có nhiều thành tựu nghiên cứu chung và đạt được những kết quả tốt.

Về các nhà khoa học Việt Nam, chúng ta có rất nhiều người giỏi tuy nhiên môi trường học thuật ở trong nước hiện nay còn hạn chế vì thế không phát huy được tài năng, trí tuệ của họ. Nhiều người đã thành danh ở các nước phát triển ở Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Chính vì thế chúng tôi đang xây dựng một viện nghiên cứu theo mô hình viện nghiên cứu tiên tiến của nước ngoài. Tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho các nhà khoa học Việt Nam làm việc ở đó không khác nhiều với làm việc ở nước ngoài. Đó cũng là địa chỉ để thu hút họ trở về với tổ quốc, đóng góp trí tuệ cho đất nước. Hi vọng, cộng đồng khoa học và toàn xã hội ủng hộ cho ý tưởng này.

Vào năm sau, nếu như Viện nghiên cứu Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) đi vào hoạt động, hi vọng các nhà khoa học lớn như Vũ Hà Văn, Đàm Thanh Sơn và các nhà khoa học lớn khác ở Nhật Bản, Hàn Quốc, sẽ tìm thấy môi trường khoa học lý tưởng hơn rất nhiều.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Quy định mới của Luật KH&CN 2013 và nghị định 95 chúng tôi hi vọng, từ năm nay các doanh nghiệp sẽ phải có trách nhiệm đầu tư cho KH&CN, tạo ra nguồn tài chính đủ lớn cho quá trình đổi mới hoạt động KH&CN cũng như hỗ trợ cho quá trình nghiên cứu của các viện nghiên cứu, các trường đại học. Với mức 3% lợi nhuận trước thuế, hi vọng các tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước sẽ có sự quan tâm đầu tư tạo ra nguồn lực khá lớn. Ví dụ như tập đoàn Viettel, nếu lợi nhuận trước thuế của họ năm vừa qua là 1 tỷ USD, nếu đầu tư từ khoảng 3% -10%, chúng ta cũng sẽ có từ 30 triệu – 100 triệu USD cho các hoạt động nghiên cứu. Tập đoàn Dầu khí nếu cũng có khoản đầu tư như vậy và tạm tính khoảng 111 tập đoàn, tổng công ty 90, 91 của Nhà nước, nếu dành tối thiểu là 3%, tối đa là 10% lợi nhuận trước thuế của họ, nguồn lực cho KH&CN của chúng ta cho năm tới, có thể đạt mức 1,5 – 2 tỷ USD. Như thế, lớn gấp 1,5 hoặc 2 lần đầu tư của Nhà nước, bằng tương đương với một số quốc gia lân cận.

Chính các nguồn lực này sẽ giúp cho đổi mới công nghệ của chính các tập đoàn nhà nước, sau đó có thể hỗ trợ cho nghiên cứu ứng dụng của các bộ, ngành chủ quản của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Các doanh nghiệp từ nhân, các doanh nghiệp ngoài nhà nước, chúng tôi cũng khuyến khích họ làm như vậy và họ phải thấy, đây là đầu tư mang lại lợi ích cho chính họ, không phải là đầu tư đem đóng góp cho người khác làm KH&CN mà trước hết là đóng góp vào quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, đầu tư đổi mới công nghệ cho chính họ, đào tạo nguồn lực cho chính họ, còn nếu không sử dụng đến, khuyến khích ủng hộ cho các quỹ của trung ương, địa phương để có nguồn lực hỗ trợ cho các viện nghiên cứu, các trường đại học. 

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang