Dấu hiệu và cách sơ cứu khi ăn phải nấm độc

author 07:30 17/03/2014

(VietQ.vn) - Do thiếu kiến thực và không nhận biết được nấm nào ăn được và không ăn được, nhiều người đã bị ngộ độc. Khi đã bị ngộ độc nấm, nếu biết cách chữa trị, người ngộ độc có cơ hội qua khỏi, tránh được tử vong.

Ngộ độc do ăn nấm ngày càng đáng lo ngại

Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai đã tiếp nhận 5 trường hợp bệnh nhân người dân tộc Dao ở Thái Nguyên bị ngộ độc nấm tán trắng trong tình trạng rối loạn tiêu hóa nặng, tụt huyết áp, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, đi ngoài, nôn mửa, men gan tăng. 5 người trên đã ăn canh nấm với khoảng hơn 1kg nấm tán trắng hái trên rừng.

Nấm độc nguy hiểm thường có mầu sắc khác thường

Nấm độc nguy hiểm thường có mầu sắc khác thường. Ảnh minh họa

PGS.TS. Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, nấm tán trắng là nấm có độc tính cao, nếu không được điều trị nhanh, kịp thời sẽ dẫn đến viêm gan, viêm thận cấp và làm suy đa phủ tạng. Sau khi được điều trị ở các tuyến y tế, các nạn nhân đã không còn bị tụt huyết áp, rối loạn tiêu hóa, tuy nhiên hiện nay, men gan của các nạn nhân này đã tăng gấp từ 3 - 5 lần so với người bình thường. Điều này dễ khiến tế bào gan bị hủy hoại và dễ dẫn đến nguy cơ viêm gan, thận cấp. Do đó, các thầy thuốc của Trung tâm Chống độc vẫn đang theo dõi rất sát sao diễn tiến sức khỏe của các nạn nhân.

Theo các bác sỹ thuộc Trung tâm Chống độc - bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ngộ độc nấm độc chỉ xảy ra khi người sử dụng ăn phải các nấm mọc hoang dại, không biết rõ tên và nguồn gốc của chúng. Các loại nấm độc thường có mầu sắc sặc sỡ, mọc nhiều vào mùa xuân và hè và thường ở nơi rậm rạp, ở các vùng rừng núi.

Theo dân gian, nấm độc vào loại bậc nhất thường gọi là nấm lục (nấm độc xanh đen), có hình thức hấp dẫn nhất, ngộ độc nặng nhất như người uống phải thuốc độc bảng A. Diễn biến ngộ độc không thể lường trước được và là nguyên nhân tử vong của hầu hết các trường hợp ngộ độc nấm xảy ra hàng năm ở nước ta.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tình trạng ngộ độc thực vật độc, nấm độc tại một số tỉnh miền Bắc nước ta như: Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn tính từ năm 2003 đến năm 2011 cho thấy, đã xảy ra 142 vụ ngộ độc thực vật với 241 người mắc, trong đó có 66 người tử vong. Riêng về ngộ độc do nấm độc, tại các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn đã xảy ra 90 vụ với 340 người mắc, trong đó có 55 người tử vong.

So với các loại ngộ độc khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca, nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao. Nguyên nhân là do nhiều người dân không biết cách nhận biết các loại nấm độc mọc ở quanh vườn nhà, ở rừng nên hái về ăn dẫn đến tình trạng này.

Nấm độc mọc ở nơi rậm rạp

Những cây nấm độc. Ảnh minh họa

PGS.TS. Hoàng Công Minh - Trung tâm Phòng chống nhiễm độc - Học viện Quân y cho biết, ở Việt Nam có khoảng 50 - 100 loài nấm độc khác nhau, các loài nấm này được người dân vùng cao thường xuyên sử dụng. Vì thế, số vụ ngộ độc chủ yếu xảy ra ở những khu vực này.

PGS.TS. Phạm Duệ nhấn mạnh, người dân cần lưu ý, ngay cả trong một đám nấm mọc ở rừng vẫn lẫn lộn nấm lành và nấm độc vì bào tử nấm trôi theo gió, nước và đọng lại. Do đó, người dân cần tuyệt đối không hái nấm rừng về để sử dụng, tránh bệnh vạ vì miệng.

TS. Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho rằng, mùa xuân, thời tiết ấm, ẩm rất thuận lợi cho các loài nấm phát triển. Đây là thời điểm xảy ra các vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc tại các tỉnh miền núi phía Bắc và một số khu vực miền núi khác như Tây Nguyên ở nước ta. Đây cũng là khu vực có đông đồng bào các dân tộc sinh sống...

Khuyến cáo khi dùng nấm

Khuyến cáo của Cục ATTP - Bộ Y tế về dự phòng ngộ độc nấm: - Người dân tuyệt đối không được ăn nấm lạ, không ăn thử nấm; không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm của nấm độc.

- Nấm tươi mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, nát có thể thành nấm độc.

- Nấm có sâu bọ ăn hoặc cho gà, chó ăn không chết nhưng vẫn có thể gây ngộ độc với người.

TS. Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

+ Tuyệt đối không hái, sử dụng nấm lạ, nấm không rõ nguồn gốc để ăn dù chỉ là một lần.

+ Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc liên quan đến việc ăn nấm cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Dấu hiệu ngộ độc nấm

- Loại biểu hiện ngộ độc sớm: Thường biểu hiện sau ăn 30 phút đến 2 giờ, tối đa là 6 giờ. Biểu hiện tuỳ thuộc vào loại nấm:

- Nấm đỏ (nấm mặt trời, tên khoa học: Amanita muscaria), nấm mụn trắng (nấm tán da báo, tên khoa học: Amanita pantheria): buồn ngủ, chóng mặt, khó chịu, ảo giác, sảng, giật cơ, co giật.

- Nấm mực (tên khoa học: Coprinus atramentarius): do khi ăn bệnh nhân có uống rượu, bia, biểu hiện đỏ mặt, cổ, ngực, cảm giác bốc hoả, vã mồ hôi, trống ngực, nhịp tim nhanh, đau ngực, thở nhanh, khó thở, buồn nôn, nôn, đau đầu, hạ huyết áp.

Khi ăn nấm xong có dấu hiệu sức khỏe khác lạ phải tới ngay cơ sở y tế để thăm khám, điều trị

Khi ăn nấm xong có dấu hiệu sức khỏe khác lạ phải tới ngay cơ sở y tế để thăm khám, điều trị. Ảnh minh họa

- Nấm phiến đốm chuông (tên khoa học: Paneolus campanulatus): điều hoà các động tác vận động kém, tăng vận động, ảo giác, hoang tưởng. Có thể có đồng tử (con ngươi mắt) giãn, kích thích vật vã, co giật.

Loại biểu hiện ngộ độc muộn: - Xuất hiện sau khi ăn 6 - 40 giờ (trung bình 12 giờ).

-  Hầu hết các trường hợp do nấm lục (nấm độc xanh đen, tên khoa học: Amanita phalloides).

- 6 - 40 giờ sau ăn, bệnh nhân mới biểu hiện nôn, đau bụng, ỉa chảy dữ rội và nhiều. Vào thời điểm này hầu hết chất độc đã vào máu.

-  Sau 1 - 2 ngày: Các biểu hiện tiêu hoá trên đỡ, người bệnh (thậm chí có thể cả cán bộ y tế) nghĩ là bệnh đã khỏi. Trên thực tế tình trạng ngộ độc vẫn tiếp diễn âm thầm ở các cơ quan khác.

-  Sau 3 - 4 ngày: Vàng mắt, vàng da, mệt mỏi, ăn kém, đái ít dần, phù, chảy máu nhiều nơi, hôn mê và tử vong.

Cách sơ cứu

- Gây nôn (bằng biện pháp cơ học): Trong vòng vài giờ sau ăn nấm (tốt nhất trong giờ đầu tiên) nếu bệnh nhân là người trên 2 tuổi, tỉnh táo, chưa nôn nhiều. Cho bệnh nhân uống nước và gây nôn.

- Uống than hoạt: liều 1gam/kg cân nặng người bệnh.

- Cho người bệnh uống đủ nước, tốt nhất là dùng oresol

- Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

- Nếu người bệnh hôn mê, co giật: cho người bệnh nằm nghiêng.

- Nếu người bệnh thở yếu, ngừng thở: hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu có tại chỗ.

- Không tự về nhà trong 1 - 2 ngày đầu kể cả khi các biểu hiện ngộ độc ban đầu đã hết.

- Ngộ độc nấm loại biểu hiện muộn cần được điều trị tại các cơ sở y tế có phương tiện hồi sức tích cực tốt (thường tuyến tỉnh trở lên).

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang