Đâu là lời giải cho bài toán tháo gỡ rào cản, phát triển doanh nghiệp xã hội?

author 19:44 05/03/2019

(VietQ.vn) - Doanh nghiệp xã hội là mô hình kinh doanh sáng tạo, góp phần hỗ trợ Nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường... tạo ra giá trị chủ yếu phục vụ cho lợi ích chung của xã hội chứ không phải lợi ích cá nhân.

Khẳng định tại Hội thảo "Doanh nghiệp xã hội cộng đồng: Thực trạng và giải pháp", bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, doanh nghiệp xã hội (DNXH) là mô hình kinh doanh sáng tạo, góp phần hỗ trợ Nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường.

DNXH là khái niệm đã xuất hiện từ lâu, là những ý tưởng mới được áp dụng nhằm thỏa mãn các nhu cầu xã hội chưa được giải quyết và cải thiện cuộc sống của người dân, là giải pháp mới để giải quyết các vấn đề XH có hiệu lực, hiệu quả, bền vững và công bằng hơn, giá trị tạo ra được chủ yếu phục vụ cho lợi ích chung của XH chứ không phải lợi ích của cá nhân.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều rào cản khiến DNXH khó có thể phát triển tại địa phương. Ví dụ vấn đề vốn là khó khăn lớn nhất, phụ thuộc nhiều vào các nhà tài trợ; Nguồn nhân lực còn hạn chế về trình độ cũng như kĩ năng; Khó khăn trong việc tiếp cận thị trường; Quản trị doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc về trình độ quản lý, kỹ năng và trình độ trong xây dựng chiến lược, kế hoạch; Rào cản về thủ tục hành chính... Đặc biệt bà Thảo nhấn mạnh về việc nhận thức chung của xã hội về DNXH còn hạn chế, bởi nói đến DNXH không phải ai cũng biết và thực sự hiểu.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu Thị trường và Ngành hàng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Bộ NN&PTNT cho biết, DNXH có vai trò to lớn trong việc cải thiện đời sống và sinh kế cho hộ quy mô nhỏ, hộ nghèo. Bởi vậy, cần phải có chính sách ưu đãi bổ sung cho DNXH tham gia cung cấp các hàng hóa công, dịch vụ công cho các hộ sản xuất nghèo, người dân cư trú tại các địa bàn, khu vực có điều kiện KT-XH khó khăn, hộ dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, hỗ trợ DNXH tiếp cận nguồn lực phát triển và nâng cao năng lực cho DNXH về quản trị kinh doanh (xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh, phát triển sản phẩm và thị trường, quản trị tài chính và kế toán, marketing); Gắn kết, phối hợp hoạt động của DNXH với trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp; Vận động chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy DNXH trong chuỗi giá trị nông nghiệp...

 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Minh

Bà Tẩn Thị Su, Giám đốc doanh nghiệp xã hội du lịch Sapa O’Chau cũng chia sẻ về những thuận lợi cũng như khó khăn trong việc phát triển DNXH tại địa phương. Trong đó, bà Su cho biết, doanh nghiệp của bà nhận được sự ủng hộ của các cấp chính quyền, đoàn thể và các tổ chức trong nước; Là doanh nghiệp địa phương và do người địa phương làm chủ nên am hiểu về bản sắc văn hóa và phong tục địa phương. Hơn nữa, tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Lào Cai nói riêng và các nước nói chung còn rất lớn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp địa phương, đặc biệt tại các vùng nông thôn phát triển.

Ngược lại, ngôn ngữ là rào cản rất lớn đối với bà con dân tộc dẫn đến khó tiếp cận chính sách của nhà nước mặc dù đã nhận được nhiều sự quan tâm; Doanh nghiệp chưa tiếp cận được các nguồn thông tin và còn nhiều bỡ ngỡ về thủ tục vay vốn; Thủ tục pháp lý còn rắc rối và không biết tìm đến đâu để được giải thích rõ ràng; Khó tiếp cận nguồn lực đất đai để phát triển... Những nhà đầu tư từ bên ngoài đến ồ ạt trong khi nội lực địa phương (người dân, chính quyền...) chưa sẵn sàng, dẫn tới thiếu kỹ năng việc làm, người lao động nhập cư quá mức, phá vỡ sự cân bằng của cộng đồng...

Bởi vậy, bà Su đưa ra đề xuất cần thiết lập ban tư vấn (cấp tỉnh hoặc cấp huyện) dành cho các doanh nghiệp nhỏ và các mô hình khởi nghiệp tại cộng đồng; Tạo nhiều hơn những chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh, mức cho vay phải hợp lý mới kinh doanh hiệu quả, tránh lãng phí vốn nhà nước; Có thêm những chương trình học hỏi, đào tạo năng lực chuyên sâu (tư vấn đồng hành, cầm tay chỉ việc...) cho các doanh nghiệp và người dân...

Bộ Công Thương hợp tác Amazon: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được ưu tiên?(VietQ.vn) - Tại phiên họp báo Chính phủ thường kì tháng 2/2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã thông tin về việc Bộ Công Thương hợp tác Amazon.

Thanh Minh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang