Đầu năm mua muối cầu may

author 17:54 31/01/2014

Muối đặc biệt đắt hàng vào đêm Giao thừa và sáng Mồng Một Tết. Khi ấy, muối không chỉ đơn thuần là gia vị để tra nấu, muối còn là lộc, là nơi gửi gắm cả mong ước về một năm mới an lành no ấm. Nhu cầu cao nên người dân Đẩu Hàn càng huy động tối đa các thành viên trong gia đình đi bán muối. Tiếng rao “Ai muối không? Ai muối nào?...” vì thế lại càng vang hơn mỗi khi Tết đến, Xuân về.

“Đầu năm mua muối” đã trở thành phong tục truyền thống đẹp của người Việt mỗi khi Tết đến Xuân về. Muối vừa mặn mòi, vừa trắng tinh khiết, người dân mua muối để cầu mong một năm mới mọi sự an lành, trong sạch, tài lộc và tình thân đậm đà như muối.

Và để đáp ứng nhu cầu ấy, sau thời điểm Giao thừa, người dân làng Đẩu Hàn (xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) lại nô nức tỏa đi khắp nơi bán muối. “Sau 24 giờ đêm 30 Tết, đứng ở cổng làng sẽ thấy người dân đi bán muối đông như trảy hội,” ông Nguyễn Hữu Bảy, trưởng thôn Đầu Hàn cười tươi nói.

Ai muối không, ai muối nào?

Theo ông Bảy, nghề bán muối rong ở làng Đẩu Hàn có được khoảng 20 năm. Mỗi sáng, những người mẹ, người chị của làng Đẩu Hàn lại gồng mình trên chiếc xe đạp cà tàng, đi khắp hang cùng ngõ hẻm mà rao: “Ai muối không? Ai muối nào?...”

Đầu năm mua muối (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Đầu năm mua muối (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Muối đặc biệt đắt hàng vào đêm Giao thừa và sáng Mồng Một Tết. Khi ấy, muối không chỉ đơn thuần là gia vị để tra nấu, muối còn là lộc, là nơi gửi gắm cả mong ước về một năm mới an lành no ấm. Nhu cầu cao nên người dân Đẩu Hàn càng huy động tối đa các thành viên trong gia đình đi bán muối. Tiếng rao “Ai muối không? Ai muối nào?...” vì thế lại càng vang hơn mỗi khi Tết đến, Xuân về.


Bà Nguyễn Thị Sữa, một trong những người có thâm niên bán muối rong lâu nhất của làng Đẩu Hàn, bảo, trước đây, người dân mua muối tính bằng bơ, bằng bát. Đầu năm, bát muối đong phải đầy có ngọn để mong một năm mới đủ đầy, ăn nên làm ra.

Bây giờ muối được cho vào các túi nhỏ màu đỏ đẹp mắt, càng thêm ý nghĩa cầu cho một năm với nhiều điều tốt đẹp. Số lượng muối theo đó cũng ít đi, người dân mua muối mang tính biểu trưng hơn là sử dụng. Những túi muối mang đến cho người bán niềm vui về một năm bán buôn phát đạt và là nơi người mua gửi gắm nhiều ước mong tốt đẹp.

Nheo đôi mắt, bà Sữa bảo: “Trời mùa đông giá rét, giữa khi người người, nhà nhà quây quần bên gia đình để đón năm mới thì bà con Đẩu Hàn lại tất tả gánh muối đi, đôi chân tê cứng, đôi tay buốt lạnh. Tuy vất vả là thế, nhưng chẳng thấy buồn. Cả làng đi bán muối nên không khí rất rộn rã đông vui.”

Đó trước tiên là cái vui của một người buôn bán đắt hàng. Thêm vào đó, người bán muối còn như người gánh lộc đến cho mọi người trong năm mới. Đi bán muối vì thế có khi còn được mừng tuổi nhiều hơn tiền mua muối, được chúc mừng, được thăm hỏi ân cần.

Là người bán muối lâu năm, tính tình lại xuề xòa, cởi mở nên bà Sữa có nhiều khách quen. Người dân không chỉ cần mua muối, họ còn chọn người vui vẻ, dễ dãi để có một năm thuận buồm xuôi gió. Vì thế, nhiều gia đình hẹn bà mang muối đến bán vào sáng Mồng Một Tết. Đi bán muối nhưng như đi gặp những người bạn thân quen.

Sờn vai gánh muối

Bà Sưa cho biết, bà đi bán muối rong từ năm 1990 và là một trong những người đầu tiên bán muối rong ở làng. Nhớ về những tháng ngày vất vả ngược xuôi bán muối, ngày chưa có xe đạp, phải gánh muối nặng hai vai, bà bảo, thời đó, cuộc sống khốn khó nên ai cũng phải xoay sở đủ nghề để kiếm bát gạo nuôi con. Một tháng đủ 30 ngày bà gánh muối đi rao bán khắp vùng.

“Dịp Tết đắt hàng, có khi tôi gánh đến 70-80 cân muối. Gánh muối nhiều rách cả áo, sờn cả vai nhưng có lãi nên cũng ham,” bà Sưa kể.

Có lãi nên số người dân Đẩu Hàn đi bán muối ngày một đông. Trưởng thôn Nguyễn Hữu Bảy cho biết, nghề bán muối rong ở làng phát triển mạnh mẽ nhất và những năm 1998-2005. Khi đó, khoảng 1/3 số hộ dân trong làng làm nghề này. Người bán chủ yếu là phụ nữ.

“Lúc ấy, ở làng Đẩu Hàn, con gái mới lớn, học xong chưa có nghề gì là đi bán muối rong. Có gia đình ba bốn chị em gái cùng bán, có gia đình cả ba thế hệ bà, mẹ, con gái đều đi bán muối rong,” ông Bảy nhớ lại.

Cũng theo ông Bảy, khoảng 5 năm trở lại đây, số người bán muối rong ở làng không còn nhiều nữa. Thanh niên có nhiều lựa chọn hơn như đi học, đi làm công nhân… với mức thu nhập cao hơn và đỡ vất vả hơn. Hiện chỉ còn chừng chục hộ làm nghề thường xuyên. Tuy vậy, mỗi dịp Tết, cả làng lại nô nức đi bán muối vì đây là thời điểm đắt hàng nhất trong năm, thu lãi cả triệu đồng.

“Chúng tôi đi bán muối đầu năm để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình, cũng là để góp phần giữ gìn một phong tục đẹp của dân tộc,” ông Bảy vui vẻ nói.

Theo TTXVN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang